Trên đất “lửa” năm xưa
Chính trị - Ngày đăng : 09:15, 21/02/2015
"Cánh cửa thép" phía Đông Sài Gòn
40 năm về trước, thị xã Long Khánh, Đồng Nai mang một cái tên khác đó là quận Xuân Lộc thuộc tỉnh Long Khánh do chính quyền Sài Gòn lập nên. Nằm cách trung tâm Sài Gòn khoảng 80km, đây là một vị trí chiến lược vô cùng quan trọng của cả ta và địch. Sau khi thảm bại ở chiến trường Tây Nguyên - Duyên hải miền Trung, đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt, quân ngụy Sài Gòn đã co cụm về đây lập phòng tuyến "tử thủ", trong đó quận Xuân Lộc, mà hiện nay là thị xã Long Khánh. Đây được mệnh danh là "cánh cửa thép" phía Đông, bảo vệ cho Sài Gòn.
Cựu chiến binh thị xã Long Khánh ôn lại kỷ niệm bên tượng đài chiến thắng. |
Cựu binh Lê Bá Lộc, người đã trực tiếp tham gia chiến dịch Xuân Lộc - Long Khánh nhớ lại: "Tại thời điểm tháng 4-1975, Xuân Lộc là nơi địch phòng thủ lớn nhất với chốt chặn chủ lực là Sư đoàn 18 cùng các lực lượng tay sai với khoảng 14 nghìn quân, được trang bị phương tiện kỹ thuật, vũ khí hiện đại". Ngày 9-4, quân ta bắt đầu nổ súng tấn công các vị trí của địch tại vùng ven và trong nội thị Xuân Lộc. Tuy nhiên, sau ba ngày chiến đấu, quân ta đã không thể tiêu diệt được các mục tiêu đề ra bởi địch sử dụng hỏa lực mạnh, ngoan cố chống trả.
Bên nghĩa trang liệt sĩ Long Khánh, đứng trước hàng ngàn ngôi mộ chiến sĩ hy sinh trong cuộc chiến đấu này, ông Trương Công Lý, một cựu chiến binh tham gia trận chiến Xuân Lộc - Long Khánh xúc động kể lại: "Khi bắt đầu đánh trận Long Khánh thì tin vui chiến thắng từ khắp nơi đổ về, càng làm cho tinh thần chiến sĩ quyết tâm cao hơn. Dù đạn pháo địch cấp tập bắn vào quân ta, nhiều chiến sĩ hy sinh, nhưng chúng tôi vẫn giữ vững đội hình tấn công, uy hiếp địch đến cùng, để mở bằng được cánh cửa thép này".
Sau 12 ngày đêm chiến đấu ác liệt, bắt đầu từ ngày 9-4 đến ngày 21-4, quân giải phóng đã đập tan cánh cửa thép cuối cùng, tấn công tổng lực vào Sài Gòn làm nên đại thắng Mùa Xuân 1975 lịch sử. Sau 12 ngày đêm dưới làn mưa bom, bão đạn, Xuân Lộc - Long Khánh biến thành đống đổ nát, hoang tàn.
Đất "lửa" đã nở hoa
Trong tổng số hơn 1.700 thành viên Hội Cựu chiến binh của thị xã, có hơn 500 cựu binh tham gia chiến dịch Xuân Lộc - Long Khánh đã ở lại vùng đất "lửa" để lập nghiệp. Sau ngày giải phóng, cựu binh Vũ Văn Viu trở về quê hương Quảng Bình, mang vợ con vào thị xã lập nghiệp. Đất không phụ người, sau 40 năm khai khẩn, ông Viu xây dựng được cơ ngơi khang trang, mỗi năm nhà nấm rộng 8.000m2 đưa về cho ông thu nhập hơn 300 triệu đồng. Còn cựu binh Trương Công Lý quê ở Hà Tĩnh năm nay bước vào tuổi 70, song vẫn cần mẫn say mê với vườn ổi. Nhìn vườn ổi xanh tươi, đang vươn những lộc non, căng tràn sức sống, ông Lý bảo: "Lúc chiến tranh gian khổ, cái chết nhiều hơn cái sống mình còn làm được. Nên giờ làm kinh tế mình càng phải vươn lên".
Trong số 500 cựu binh ở lại Long Khánh lập nghiệp thì có 30% hội viên có thu nhập từ 300 đến 500 triệu đồng mỗi năm, 10% có thu nhập trên 1 tỷ đồng, số còn lại thu nhập không dưới 100 triệu đồng. Họ cùng bỏ mồ hôi, công sức để xây dựng mảnh đất này.
40 năm sau, những cựu chiến binh của chiến trường xưa cảm nhận rõ hơn ai hết về sự đổi thay trên mảnh đất từng là chảo lửa này. Dọc con đường nhựa lớn làng mạc thanh bình, phố thị tươi vui. Ông Lê Văn Thư - Chủ tịch UBND thị xã Long Khánh hồ hởi nói: Long Khánh đã và đang có bước chuyển đổi mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế, 57% ngành thương mại - dịch vụ, 32% ngành công nghiệp - xây dựng và chỉ còn 12% nông nghiệp. 4/4 phường đạt chuẩn văn minh đô thị, và 9/9 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Long Khánh là địa phương đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ trao quyết định công nhận thị xã đạt chuẩn nông thôn mới vào ngày 31-12-2014. Thị xã Long Khánh đang được xây dựng to đẹp và khang trang hơn. Tiêu biểu nhất là công trình chợ Long Khánh, có tổng vốn đầu tư gần 200 tỷ đồng. Đây là một trong những ngôi chợ hiện đại bậc nhất của vùng Đông Nam bộ. Khu vực chợ Long Khánh cũ là nơi diễn ra các trận đánh ác liệt 40 năm trước đã được thị xã đầu tư hơn 80 tỷ đồng xây dựng Bia tưởng niệm kết hợp với công viên cây xanh. Đây là nơi giữ gìn giá trị lịch sử, vừa là điểm nhấn về cảnh quan đô thị. Về mặt xây dựng hạ tầng nông thôn, trong những năm qua Long Khánh đã hoàn thành 194km đường giao thông nông thôn, 100% hộ dân cư được sử dụng lưới điện quốc gia. Thị xã đã đầu tư 9 công trình thủy lợi lớn, với hệ thống kênh mương dài gần 15.000km, phục vụ tưới tiêu cho hơn 1.000ha lúa và hoa màu. Long Khánh có 32/32 trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia, 9/9 xã hoàn thành phổ cập tiểu học, 100% học sinh hoàn tất phổ cấp trung học. Trung bình thị xã có 270 sinh viên/1 vạn dân. Trình độ dân trí được nâng cao, 60% lao động qua đào tạo nghề, mở ra một diện mạo mới cho Long Khánh.
Đến thị xã Long Khánh, nhà cao tầng mọc lên san sát, dân cư buôn bán tấp nập, nhộn nhịp. Một đô thị hiện đại, nằm ở vùng trọng điểm, tiếp giáp TP Hồ Chí Minh đang vươn lên mỗi ngày. Nếu như năm 1975 toàn thị xã chỉ có 6.000 dân sống trong cảnh đói nghèo, thì nay dân số tăng lên hơn 150.000 người, không còn hộ đói. Bên những con lộ thẳng tắp là những cánh rừng cao su bạt ngàn đang mùa đổ lá. Những chồi non bắt đầu nhú, đợi xuân sang. Vào sâu hơn nữa, những vườn chôm chôm ở xã Xuân Lập, xã Xuân Tuân nổi màu chớm đỏ, trĩu cành, vắt vẻo nằm đợi nông dân thu bán Tết. Buổi tối, thị xã lên đèn sáng rực. Khu chợ đêm Long Khánh tấp nập cảnh người mua bán. Tiếng nhạc xuân chen lấn tiếng xe cộ nhộn nhịp.
Xuân này, Long Khánh đón một mùa xuân thắng lợi với những vụ mùa bội thu, hòa vào niềm vui trọn vẹn cùng 40 mùa xuân thống nhất đất nước.