Thế giới 2014: Bất ổn và đầy thách thức
Thế giới - Ngày đăng : 10:10, 20/02/2015
Thế nhưng, những ngày đẫm máu nhất trong 70 năm qua ở quốc gia Đông Âu đã kết thúc thế giằng dai của Kiev trong lựa chọn giữa việc ở lại bên Mátxcơva hay ra đi theo "tiếng gọi" từ phương Tây. Sự trốn chạy của tổng thống lúc bấy giờ Viktor Yanukovych đã hoàn tất những "ước mơ Maidan" muốn dứt bỏ mọi vấn vương với quá khứ Xô Viết và xây dựng một Ukraine mới theo những tiêu chuẩn Châu Âu. Cũng từ đây, lịch sử đất nước bên bờ Biển Đen đã lật sang một trang mới nhưng không theo cái cách mà những nhà "Cách mạng đường phố" tại quảng trường Độc lập mong đợi. Mất Crimea, miền Đông rơi vào hỗn loạn, những diễn biến không thể lường trước tại Ukraine đã vượt ra ngoài biên giới của một quốc gia riêng lẻ để trở thành tâm điểm của mọi chuyển động trong các mối quan hệ quốc tế. Ở đó, thế giới không chỉ cảm nhận được sức nóng gay gắt của cuộc đối đầu giữa Mỹ và phương Tây với Nga mà còn được chứng kiến sự đổ vỡ của một cấu trúc chính trị, an ninh vốn đã được định hình và duy trì từ sau Chiến tranh lạnh.
Bắt đầu xuất hiện năm 1947, thuật ngữ Chiến tranh lạnh đã trở thành một khái niệm phổ biến để biểu thị cho một thời kỳ căng thẳng về chính trị và quân sự giữa Mỹ và Liên Xô, hai siêu cường nổi lên sau Chiến tranh thế giới II và nắm quyền chi phối hệ thống chính trị thế giới. Không xảy ra một cuộc chiến tranh trực diện nào nhưng sự đối kháng về ý thức hệ giữa hai bên đã dẫn tới cuộc chạy đua vũ trang và hạt nhân, kéo theo sự phân chia rõ ràng trên bản đồ ảnh hưởng toàn cầu. Trật tự lưỡng cực đó đã không thể trụ vững sau sự tan rã của Liên bang Xô Viết và hệ thống XHCN ở Đông Âu. Sự kiện có ý nghĩa thay đổi lịch sử thế giới trong thế kỷ XX cũng được xem là thời điểm đánh dấu sự kết thúc của cuộc Chiến tranh lạnh kéo dài qua 4 thập kỷ; đồng thời đặt nền móng cho một cục diện quốc tế mới, mà trong đó Mỹ và phương Tây trở thành người chơi không có đối thủ.
Các binh sĩ Ukraine rút khỏi Debaltsevo ngày 18/2. |
Tuy nhiên, tham vọng tuyệt đối hóa quyền lực và mục tiêu tối đa hóa an ninh khiến cuộc cạnh tranh ảnh hưởng vẫn chưa dừng lại. Không gay cấn, lộ liễu và hầm hập sức nóng của một giai đoạn luôn cận kề "miệng hố chiến tranh", nhưng mục tiêu tiếp tục làm suy yếu và phân rã đối thủ vẫn là một chính sách bất biến trong chiến lược toàn cầu của Mỹ và phương Tây. Có điều, thay vì những tuyên bố gay gắt và các cuộc vận động tưởng chừng sẽ đưa thế giới đến một "mùa đông hạt nhân" như trong Chiến tranh lạnh, cuộc đối đầu thời hậu chiến diễn ra âm thầm, êm ái nhưng biến hóa vô cùng khéo léo dưới vô vàn biến thể, từ các cuộc can thiệp quân sự trắng trợn tới nhiều chiêu bài kinh tế kín đáo hay những cuộc cách mạng sắc màu được đội mũ dân chủ. Việc Ukraine về dưới vòng kiểm tỏa của Châu Âu một lần nữa cho thấy kế hoạch không ngừng mở rộng bản đồ địa chính trị đã được Mỹ và phương Tây bền bỉ theo đuổi. Không gian chiến lược của Nga liên tục bị chèn ép bởi các hành động mở rộng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về phía Đông thông qua việc thu nạp hầu hết các quốc gia Đông Âu và thuộc Liên bang Xô Viết cũ. Trên bình diện thế giới, các đồng minh và đối tác kinh tế của Nga, đặc biệt tại Trung Đông cũng bị loại bỏ trong các cuộc chiến tranh Iraq, cuộc nổi dậy ở Syria. Các lệnh trừng phạt cũng khiến đối tác thương mại lớn của Mátxcơva là Iran điêu đứng, trong khi các cuộc không kích ở Libya đã vô hiệu hóa một bạn hàng dầu khí thân thiết với nước Nga tại Bắc Phi. Vì vậy, Ukraine không phải là sự mở đầu của một cuộc vận động mà là một chương tiếp theo trong kịch bản cạnh tranh dài kỳ của Mỹ và phương Tây. Tuy nhiên, sở dĩ lần "xuống tay" này vấp phải phản ứng quyết liệt từ Nga là bởi lẽ nó đã chạm đến giới hạn đỏ đối với Mátxcơva. Ukraine được xem là vùng đệm an ninh ngăn cách Châu Âu với Nga. Nếu mất đi tấm rào chắn cuối cùng này gọng kìm của NATO tiến sát tới biên giới. Do đó, sự quyết đoán của Tổng thống V.Putin suy cho cùng cũng là "cực chẳng đã" khi không gian sinh tồn của gấu Nga bị đe dọa trực tiếp. Tổng thống V.Putin từng cảnh báo "Nga không được mất cảnh giác, nếu không sẽ mất răng, móng vuốt và trở thành chiến lợi phẩm của những kẻ đi săn".
Nước Nga đã tổn thất không ít trong cuộc đọ sức với Mỹ và phương Tây. Ukraine đã không còn là "người anh em", giấc mơ xây dựng một cường quốc Á - Âu của Nga có nguy cơ phá sản. Và như vậy về hình thức, Chiến tranh lạnh đã chấm dứt vào năm 1989 nhưng thực chất, cuộc chiến không khói súng này vẫn chưa ngừng. Cuộc xung đột Ukraine chỉ là cú va chạm mạnh nhất của những bất đồng lợi ích giữa một bên là Mỹ và phương Tây vẫn muốn áp đặt những luật chơi cũ và bên kia là nước Nga muốn khẳng định vị thế và thiết lập một sân chơi toàn cầu bình đẳng hơn. Thế nên, xét trên góc độ chiến lược, cuộc tranh giành ảnh hưởng này sẽ tiếp tục chi phối các mối quan hệ quốc tế trong năm 2015 giống như nó đã tạo nên những thay đổi đột ngột trên sân khấu chính trị và kinh tế thế giới năm vừa qua. Trong đó, sự kiện giá dầu lao dốc bất thường thực chất cũng là một mặt trận mới trong cuộc chiến tổng lực giữa Mỹ, phương Tây và Nga. Việc dầu thô chưa dừng đà suy giảm tới hơn 60% giá trị kể từ tháng 6-2014 đang đẩy nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu dầu khí của Nga đến bờ vực của một cuộc khủng hoảng. Việc Mỹ tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Cuba sau hơn 50 năm thù địch cũng được xem là một nước đi chủ động trong ván cờ quyền lực mà Washington đang giành ưu thế. Quyết định dỡ bỏ một di sản tiêu biểu của Chiến tranh lạnh ngay trước thềm một cuộc chiến tương tự với phiên bản mới được cho là sẽ giới hạn mối quan hệ giữa Nga với một người bạn truyền thống ở Caribe cũng như sự liên kết của nước này với khu vực Mỹ Latinh. Thông qua sự chuyển hướng chính sách với La Habana, Washington cũng tạo dựng một hình ảnh thân thiện hơn tại khu vực vẫn tồn tại tâm lý e dè với nước Mỹ. Tạo lập một "sân sau" ổn định sẽ giảm bớt áp lực về chính sách giữa lúc Nhà Trắng đang phải xử lý vấn đề Ukraine buộc phải can dự mạnh mẽ hơn vào Trung Đông sau sự nổi lên của lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Sức mạnh của tổ chức khủng bố đang reo rắc nỗi khiếp sợ và đang đặt ra thách thức an ninh nghiêm trọng với Mỹ và phương Tây. Sự nguy hiểm của IS đã vượt qua bất kỳ một tổ chức khủng bố nào trước đó bởi nó không phải là một nhóm cực đoan manh mún mà được cấu tạo theo mô hình một nhà nước cụ thể. IS có lãnh thổ riêng là một khu vực rộng lớn chiếm giữ được ở cả Iraq và Syria, có quân đội mang tính kỷ luật chặt chẽ và đầy đủ vũ khí, có lý tưởng là một nhà nước theo hình mẫu của Hồi giáo nguyên thủy và có nguồn tài chính dồi dào từ bắt cóc con tin, đòi tiền chuộc cũng như bán dầu thô lấy từ những mỏ dầu chúng đang quản lý với giá rẻ trên thị trường chợ đen. Theo đuổi "một kiểu lãnh đạo thông minh hơn" như Tổng thống Barack Obama đề cập trong Thông điệp Liên bang 2015, Mỹ đã tránh "bị kéo vào một cuộc chiến trên bộ khác tại Trung Đông" bằng việc dẫn đầu một liên minh quốc tế rộng lớn để chống lại IS. Sự lớn mạnh của lực lượng IS đang là niềm cổ vũ cho chủ nghĩa cực đoan từ Mỹ tới Châu Âu (đơn cử như vụ thảm sát Charlie Hebdo và bắt cóc con tin tại Pháp) và sự dở dang trong nhiều nỗ lực bình ổn khu vực (đặc biệt là bế tắc trong cuộc hòa đàm giữa Israel và Palestine sau khi Tel Aviv tấn công Dải Gaza làm hơn 2.000 thường dân Palestine thiệt mạng hồi mùa hè năm ngoái) đã tác động tới chính sách toàn cầu của Mỹ, nhất là chiến lược xoay trục sang Châu Á.
Những chuyến viếng thăm của các tàu hải quân, các cam kết tăng cường hợp tác quân sự với đồng minh trong khu vực được nhìn nhận là chưa đủ mạnh để hiện thực hóa chính sách trở lại Châu Á mà Washington tuyên bố. Nhất là khi Châu Á - Thái Bình Dương đã nổi lên như một điểm nóng an ninh đáng lo ngại. Những tranh chấp chủ quyền chồng chéo tại biển Hoa Đông, các hành động vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông qua việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 bên trong thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cùng nhiều hành vi trái phép khác tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã làm lung lay niềm tin về sự trỗi dậy hòa bình của cường quốc kinh tế số 2 hành tinh. Nhu cầu phòng vệ lập tức thúc đẩy một cuộc chạy đua mua sắm vũ khí rầm rộ. Tính từ năm 2009, Châu Á là khu vực duy nhất liên tục tăng chi phí quốc phòng và dự báo năm 2015, tổng ngân sách quân sự của châu lục, chưa kể Trung Quốc, sẽ vượt qua các nước phương Tây. Tất nhiên, kèm theo đó là những rủi ro chính trị, những nguy cơ đối với cỗ máy tăng trưởng tiềm năng bậc nhất thế giới.
Phô trương sức mạnh, cạnh tranh ảnh hưởng, xung đột vũ trang… đã khép lại một năm bất ổn và đầy thách thức. Thực trạng này cũng đảo ngược hoàn toàn xu thế tiến bộ mà nhân loại đã xây dựng trong nhiều thập kỷ và dự báo năm 2015 sẽ không yên ả khi một môi trường chính trị căng thẳng vẫn bao trùm thế giới.