Ngày Xuân, đi chợ... ca dao
Xã hội - Ngày đăng : 08:29, 20/02/2015
Có chợ sớm, chợ trưa, chợ đêm; chợ một phiên, chợ quanh năm; có chợ mua bán lấy may chứ không chú trọng vào hàng hóa... Rồi chợ đi vào văn học dân gian tự nhiên như tâm hồn, bản tính người Việt.
Nếu chọn điểm khởi hành từ Kẻ Chợ (Thăng Long-Hà Nội), du khách có cái lý là từ nơi đô hội bậc nhất tỏa đi tìm hương sắc trăm miền. Tất nhiên, trước hết phải thăm thú, khám phá nét văn hóa ở chợ đất Kinh kỳ và nổi tiếng nhất ở “đất rồng bay” hẳn phải là chợ Đồng Xuân: Vui nhất là chợ Đồng Xuân/Thứ gì cũng có xa gần bán mua/Cổng chợ có chị hàng hoa/Có người đổi bạc chạy ra chạy vào...
Ngược lên Kinh Bắc, thấy cái sầm uất của vùng đất vừa có truyền thống khoa bảng vừa giỏi làm ăn kinh tế với những thương hiệu đồ gỗ chạm khảm Đồng Kỵ, làng gốm Hương Canh…: Chợ Giàu bán sáo bán sành/Bắc Ninh bán những nhẫn vàng trao tay/Đình Bảng bán ấm bán khay/Phù Lưu họp chợ mỗi ngày một đông.
Từ Hà Nội, xuôi vào 10 cây số, đến Hà Đông, vùng đất trăm nghề có rất nhiều chợ, mà toàn là chợ nổi tiếng: Hà Đông có chợ đằng xuôi/Ngỗng vịt cũng lắm đồ chơi cũng nhiều/Chợ Nghè có món bún riêu/Bún cua bún ốc bún tiêu bún gà.
Ngược lên phía Tây, du khách sẽ đến nhiều chợ ở vùng đất đá ong ở huyện Thạch Thất và thị xã Sơn Tây: Chợ Nủa hàng dậm hàng nơm/Chợ Trôi bán vải, hàng cơm dãi dầu/Chợ Nghệ thì lắm bò trâu...
Còn xuôi xuống phía Nam, đi theo quốc lộ 1, sẽ được thăm một cái chợ đầu mối trung chuyển Bắc Nam rất lớn ở Thường Tín: Xứ Nam nhất chợ Bằng Vồi/Xứ Bắc Dầu Khán, xứ Đoài Hương Canh.
Bằng Vồi là tên ghép làng Bằng (xã Bình Vọng) và làng Vồi (xã Hà Hồi), huyện Thường Tín. Chợ có đủ các mặt hàng, lại có chợ trâu bò lấy nguồn từ Thanh Hóa ra, dưới Thái Bình lên, rồi tỏa đi Hà Nội, Hải Phòng… Đi tiếp đến huyện Phú Xuyên, du khách có thể đến chợ mua sản vật vùng đồng chiêm trũng: Kẻ Dũi mà (đi) dủi bán tôm/Cổ Hoàng bán mật, Thanh Xuyên bán ngài.
Xuống đến Nam Định, gặp nét văn hóa chợ quê thật quen mà rất độc đáo: Chợ tỉnh Nam Định vui lắm ai ơi/Quanh năm tứ thời thiên hạ bán mua/Đủ hàng thịt gạo rau dưa/Bao loài tôm cá ốc cua thịt gà/Bao nhiêu vải vóc lụa là/Áo quần khăn nhiễu bày ra thiếu gì.
Gần đó còn có chợ Rồng, biểu tượng một thời của thành Nam: Dù ai buôn đâu bán đâu/Chợ Rồng đệ nhất Tiên Châu thì vê hoặc: Ai chưa qua thử chợ Rồng/Biết thành Nam vẫn là không biết gì.
Vào đến miền Trung, đi thăm cố đô Huế, tất nhiên không thể không ghé vào những chợ nổi tiếng như Đông Ba bên cầu Tràng Tiền, đến tận nơi xem chợ Quán, Chợ Cầu… nghìn năm vang vọng trong ca dao: Mua vôi chợ Quán chợ Cầu/Mua cau Nam Phổ, mua trầu chợ Dinh/Cá tôm mua tại chợ Sình/Triều Sơn bán nón, Bao Vinh bán đường.
Đến Khánh Hòa, không thể bỏ lỡ dịp thăm chợ Đầm (TP Nha Trang): Chợ Nha Trang trăm vật trăm ngon/Em vừa vừa cái miệng kẻo chồng con mang nghèo.
Và khi vào đến TP Hồ Chí Minh (Sài Gòn), nơi có chợ Lớn và hàng nghìn chợ khác, du khách sẽ thấy đây là đất bán mua nhộn nhịp bậc nhất, cảm nhận được nhịp sống đô Thành năng động và sức mua bán thương trường rất lớn: Trà tàu chính gốc Hồng Mao/Trà Huế nhãn nhục hồng đào phơi khô/Chà là chí đến hạt dưa/Phèn xanh phèn trắng phèn chua gội đầu.
Xuôi xuống Hậu Giang, có dịp thăm chợ nổi Ngã Bảy-Phụng Hiệp, một nét riêng có của vùng đồng bằng sông Cửu Long, du khách có thể hòa vào không khí cởi mở của người dân nơi đây: Chèo ghe đi bán cá vồ/Nước chảy ồ ồ chẳng thấy ai mua/Cá lò tho ăn no chí ngán/Khô sặc rằn đem bán chợ Dinh.
Đến Cần Thơ, hẳn phải đến ngay những chợ nổi danh đất Tây Đô: Chợ Bình Thủy bán bánh bao chỉ/Chợ Sài Gòn bán bánh bích quy.
Về Thoại Sơn (An Giang), du khách nhập vào “mê hồn trận” chuyện chợ búa khắp vùng: Chợ Sài Gòn chà gạo lức/Chợ Bến Lức chà gạo vàng/Chợ Sóc Trăng chà gạo lộn trấu càng/Anh thương em là thương lời nói dịu dàng…
Còn đến TP Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long), du khách càng hiểu thêm rằng: Chợ của người Việt không chỉ là nơi bán mua mà còn là nơi ghi dấu bao kỷ niệm, nơi tìm bạn đời, nơi giao lưu, chia sẻ nỗi lòng…: Chợ Sài Gòn bán đá/Chợ Rạch Giá bán xi măng/Gặp nhau đây mới biết rằng còn/Năm Thìn bão lụt khóc mòn con ngươi. Và còn có cả những điều vượt lên sự trao đổi, bán mua: Chợ Sài Gòn còn đương buôn bán/ Chợ Vĩnh Long lập quán cầu hiền.
Đến chợ đôi khi là để có cái cớ bày tỏ tâm sự lứa đôi như vùng chợ Giồng, Bến Lức, Long An: Đèn nào cao bằng đèn Ba Gác/Gái nào bạc bằng gái chợ Giồng/Anh thương em từ thuở mẹ bồng/Bây giờ khôn lớn em lấy chồng bỏ anh.
Thăm chợ đêm ở Giá Rai (Bạc Liêu), lại có thể chia sẻ những điều thầm kín, thanh tao của người ở ngay bên chợ mà tấm lòng không bị ma lực đồng tiền làm hoen ố: Đêm qua chợ sáng trăng rằm/Em đi ngang cửa anh nằm không yên/Thương em chẳng phải vì tiền/Thấy em lịch sự có duyên dịu dàng.
Đến Chợ Lách (Bến Tre), cũng có thể bắt gặp những nét đẹp tình cảm tương tự như thế: Khoan khoan buông áo em ra/Để em đi chợ kẻo hoa em tàn/Hoa tàn thì mặc hoa tàn/Mấy thuở gặp nàng, nàng bảo buông ra?
Chợ qua ca dao thể hiện sự gắn bó giữa con người với con người, thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào về sản vật phong phú của địa phương. Ca dao cũng là một kênh truyền miệng để quảng bá thương hiệu, thu hút khách đến thăm và mua bán. Ngày xuân đi chợ… ca dao, du khách mang theo những câu ca mang nặng nghĩa tình để càng thêm quý thêm yêu những cái chợ ở mọi miền đất nước. “Đi chợ” với người Việt Nam còn có thêm nghĩa là “đi chơi chợ”, bên cạnh việc mua bán được một vài mặt hàng vừa ý, phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày, mỗi người sẽ còn được ngắm nhìn, được giao lưu, học hỏi để làm giàu thêm hiểu biết của mình về địa lí, văn hóa, phong tục… của mọi miền đất nước. Cái chợ Việt truyền thống có sức hấp dẫn lâu dài chính là vì thế.