Mũi tàu ta đó mũi Cà Mau!
Giới trẻ - Ngày đăng : 16:03, 19/02/2015
1. Chiều muộn một ngày cuối tháng 4-2014, trong hành trình cùng các đồng nghiệp Báo Viêng Chăn Mai (Vientiane Mai - Lào) khám phá vùng đất Trà Cổ, Móng Cái (Quảng Ninh), đây là một trong những bãi biển đẹp nhất miền Bắc với 17km bãi biển nước cạn. Biển Trà Cổ có mũi Sa Vĩ - điểm đầu tiên trên hình chữ S của đất nước Việt Nam - cách đất mũi Cà Mau, cực Nam của Tổ quốc 3.260km... Và rồi, cây cột mốc số 0 với dòng chữ: Từ Trà Cổ đến mũi Cà Mau 3.260km, trở thành điểm nhấn thú vị trong phóng sự ảnh của các bạn đồng nghiệp đến từ đất nước Triệu Voi. Còn với tôi, trong tiếng sóng biển rì rào giữa bạt ngàn phi lao, bất chợt nhớ câu thơ “Tổ quốc tôi như một con tàu/ Mũi thuyền ta đó mũi Cà Mau”. Rồi những bồi hồi, nhắc nhớ ấy đã khiến tôi “xách ba lô lên... và đi”…
Từ thành phố Cà Mau mất gần hai giờ vượt qua quãng đường hơn 50km, thị trấn Năm Căn của huyện Ngọc Hiển vùng đất Mũi hiện ra với sông ngòi chằng chịt, những ngôi nhà nép mình bên sóng nước, những chiếc ghe chạy dọc các con rạch... 14 năm về trước, ra đất Mũi chỉ có thể đi bằng vỏ lãi (một loại như xuồng nhỏ, dài, có gắn máy). Tôi vẫn còn nhớ như in cảm giác ngồi trong chiếc vỏ lãi vẹt nước ào ào trên con sông Cửa Lớn - con sông nước lợ duy nhất ở Việt Nam, cả hai đầu đều thông ra biển nên nước chảy mạnh và có phần “hung dữ”, dễ khiến những người không thạo sông nước luôn trong tâm trạng lo lắng... Giờ thì đã khác rồi, bến Năm Căn có đủ tàu cao tốc cho bạn đến đất Mũi. Xuống tàu cao tốc, cảm giác như được bay trên sông, giữa rừng đước dày đặc trải trước mắt. Tàu cặp bến vườn quốc gia Mũi Cà Mau (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển) với quãng thời gian đã được rút ngắn xuống hơn một giờ đồng hồ.
2. Tàu cập bến lúc mười giờ, bên cánh rừng đước, sóng biển ngoài Mũi vẫn ì ào. Đất Mũi lần đầu tôi đặt chân đến và bây giờ khác nhau nhiều quá. Nơi xưa kia chỉ có tấm pa-nô to, màu xanh nước biển dựng lên ghi số liệu tọa độ thì nay đã được thay thế bằng cột mốc vững chắc màu đỏ đặt giữa vườn hoa quy hoạch gọn gàng, đẹp mắt.
Ở nơi doi đất nhọn, sát mép biển xưa chỉ có ba hộ dân. Lần đầu chúng tôi đặt chân đến, chủ nhà đãi khách món tôm khô và rượu trắng để lại dư vị hết sức đặc biệt. Ghé cửa hàng bán đồ lưu niệm nằm sát biển, hỏi thăm những hộ dân lần trước tôi đến, họ bảo không biết những người của hơn mười năm trước giờ ở đâu, nhưng khu đất nơi ba hộ dân đó ở giờ đã nằm trong khuôn viên của rừng quốc gia. Chỗ ấy nay đã xây dựng đài quan sát cao 21m; tượng đài mô hình chiếc tàu với cờ đỏ sao vàng hiên ngang hướng ra biển, nổi bật dòng chữ: Mũi Cà Mau 8º37’30” vĩ độ Bắc, 104º43” kinh độ Đông. Đường kè chắn sóng uốn theo mép biển để du khách có thể ngắm mặt trời mọc trên Biển Đông và lặn ở phía biển Tây (Mũi Cà Mau là nơi duy nhất của Việt Nam có thể nhìn thấy mặt trời mọc trên Biển Đông và lặn ở phía biển Tây). Phần vì điểm nhấn đặc biệt này mà lượng khách du lịch đổ về đây đã đạt con số hơn 64 nghìn lượt người vào năm 2013 và tính đến hết tháng 11-2014, khách du lịch vượt sông về đất Mũi đạt hơn 70 nghìn lượt người.
Buổi trưa, cũng là lúc gió và ánh nắng mặt trời nhiều nhất ở đất Mũi, từ vọng hải đài cao 21m, phóng tầm mắt rộng ra một vùng biển bao la rồi quay hướng nhìn về tượng đài hình con tàu, nhìn lá cờ Tổ quốc tung bay, trong lòng rộn rã niềm tự hào: Tôi là người Việt Nam! Rồi chiều xuống, khi ánh nắng yếu ớt xuyên qua lớp lá ken dầy của rừng đước, chúng tôi cùng vượt qua các nhánh sông nhỏ ra vùng đất lấn biển của Vườn quốc gia. Chị Trúc Loan, cán bộ Sở VH-TT&DL tỉnh Cà Mau giới thiệu: “Đây có thể được xem là một cửa biển, nhưng điều thú vị là hàng năm diện tích đất của Vườn quốc gia được mở rộng một cách tự nhiên từ khu vực này. Các bạn thấy đấy, mắm đi trước, đước theo sau, tràm bám sát. Rừng mắm xanh non rào rạt tiên phong tiến về phía biển, sau cây mắm là cây đước. Cây đước mới là linh hồn của rừng ngập mặn Cà Mau. Cây đước giữ cho đất rắn dần và cứ thế mỗi năm, ở vị trí này, Mũi Cà Mau có thể lấn ra biển 50 đến 70m”.
Leo lên mũi tàu, nhìn xa xa, theo hướng tay chị Trúc Loan, thấy đảo Hòn Khoai mờ mờ ẩn hiện. Chị Trúc Loan bảo, trên đảo Hòn Khoai có ngọn đèn biển cổ - chứng nhân của sự kiện Nam Kỳ khởi nghĩa năm 1940. Đảo là một thắng cảnh, cuốn hút du khách bởi hệ thực vật đa dạng với các vườn cây ăn quả và dược liệu quý hiếm. Cứ theo lối dẫn dụ, khéo léo giới thiệu của chị Trúc Loan thì tiềm năng du lịch của đất Mũi còn rất nhiều gợi mở, mời gọi chúng tôi quay trở lại...
Trong ánh chiều tà, tàu quay mũi đưa chúng tôi xa dần đất Mũi. Từ xa ngoái lại, đất Mũi hiên ngang, thấp thoáng xa xa bóng ngư dân lom khom xạc sò, bắt nghêu trên vùng đất phù sa lấn biển. Chợt nhớ, câu chuyện ly kỳ hạt phù sa qua bao đời đã được nhiều thi nhân ví như “ngón chân cái” vươn xa, xa mãi…