Đời sống nông dân đã chuyển biến về chất

Xã hội - Ngày đăng : 15:43, 19/02/2015

(HNM) - Hà Nội được đánh giá là địa phương dẫn đầu cả nước về xây dựng (NTM). Hiện tại, toàn thành phố có hơn 120 xã đạt chuẩn, chiếm khoảng ¼ số xã NTM toàn quốc. Nhân dịp Xuân Ất Mùi 2015 và chuẩn bị sơ kết 4 năm thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy, Báo Hànộimới có cuộc trao đổi với



Bức tranh tươi sáng

- Được biết sau 4 năm triển khai thực hiện Chương trình 02, Hà Nội hiện đang dẫn đầu cả nước về xây dựng NTM. Đề nghị đồng chí cho biết, kết quả nổi bật trong thực hiện chương trình này của Thành ủy trong 4 năm qua?

- Đồng chí Nguyễn Công Soái: Nghị quyết 26-NQ/TƯ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Ban Chấp hành Trung ương ra đời sau khi Hà Nội được mở rộng. Từ chỗ chỉ có vài chục xã (địa bàn nông thôn - PV) Hà Nội có tới 401 xã, diện tích gấp 4 lần Hà Nội (cũ); trong đó, vùng nông thôn chiếm 80% diện tích và 60% dân số. Hơn nữa, mức sống giữa khu vực thành thị và nông thôn lại khá chênh lệch. Diện tích sản xuất nông nghiệp rộng lớn nhưng sản phẩm nông nghiệp chưa mang tính hàng hóa. Chính vì lẽ đó, Hà Nội đã đưa vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn vào thành một trong các nội dung của Nghị quyết 15. Thành ủy Hà Nội đã xây dựng 9 chương trình trọng tâm theo thứ tự ưu tiên và Chương trình 02 về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, từng bước nâng cao đời sống nông dân”, giai đoạn 2011 - 2015, được xếp thứ hai.

Có thể nói ngắn gọn sau 4 năm thực hiện Chương trình 02, NTM Hà Nội đã đạt được những kết quả nổi bật. Thành công đầu tiên là thành phố đã hoàn thành công tác quy hoạch, lập đề án xây dựng NTM. Thành công thứ hai có ý nghĩa then chốt là Hà Nội đã cơ bản hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa. Đây là vấn đề khó và phức tạp bởi trước đây, tỉnh Hà Tây (cũ) đã có nghị quyết nhưng chưa hoàn thành, còn thành phố Hà Nội (cũ) có huyện làm 10 năm nhưng chưa thành công. Thành công này đã mở ra hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp Thủ đô, góp phần làm giảm hộ nghèo tới hơn 8% trong 4 năm (từ 11% năm 2010 xuống còn 2,8% năm 2014). Trong bối cảnh kinh tế thế giới khủng hoảng thì đây là một kết quả đáng phấn khởi. Qua 4 năm, Hà Nội đã có trên 120 xã đạt chuẩn NTM cho thấy sự nỗ lực rất lớn của toàn Đảng bộ và nhân dân Thủ đô.



- Có thể thấy rõ sự thay đổi về diện mạo ở các vùng nông thôn. Tuy nhiên, sự thay đổi về chất trong đời sống người dân nông thôn cụ thể được tăng lên như thế nào thưa đồng chí?

- Đồng chí Nguyễn Công Soái: Bắt tay vào xây dựng NTM, Hà Nội xác định đích đến cuối cùng là nâng cao đời sống người dân. 4 năm xây dựng NTM cho thấy đời sống vật chất của người dân khu vực nông thôn đã tăng lên đáng kể thông qua những con số: Thu nhập trung bình/1ha canh tác đã tăng lên trên 231 triệu đồng. Mức thu nhập bình quân của người dân nông thôn của Hà Nội tăng từ 14 triệu đồng/người/năm năm 2011 lên 28,6 triệu đồng năm 2014. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 11,2% năm 2011 xuống còn 2,89% năm 2014. Đời sống văn hóa tinh thần cũng có những chuyển biến tích cực. Có những tập tục lạc hậu tồn tại hàng chục năm ở vùng nông thôn Hà Nội như việc tổ chức lễ tang rườm rà, ăn cỗ linh đình đến nay các địa phương đều đã bỏ; đã có ngày một nhiều hơn những trường hợp người quá cố ở các vùng nông thôn chọn giải pháp hỏa táng thay cho việc chôn cất truyền thống. Đám cưới ở nông thôn cũng được tổ chức đơn giản hơn, tiết kiệm hơn. Cũng từ khi được đầu tư những con đường mới, làng xóm sạch sẽ hơn và người dân có ý thức gìn giữ không xả rác ra đường. Họ còn tự nguyện góp tiền xây cổng làng, hệ thống chiếu sáng, trồng cây xanh làm đẹp làng quê…

- Nhiều ý kiến cho rằng, có được kết quả đó là nhờ Hà Nội có điều kiện về nguồn lực nên đã bố trí được một nguồn kinh phí rất lớn (hơn 21 nghìn tỷ đồng) phục vụ xây dựng NTM, đồng chí nghĩ gì về điều này?

- Đồng chí Nguyễn Công Soái: Có thể khẳng định có tiền mà không căn cơ, không có lộ trình cụ thể thì chưa chắc đã xây dựng NTM thành công. Tuy nhiên, nếu có ít tiền mà biết lựa chọn việc làm trước, việc làm sau và làm quyết liệt sẽ cho kết quả. Xây dựng NTM, thành phố Hà Nội chỉ đạo rất sát sao, quyết liệt, bắt đầu từ công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng sản xuất, đưa tiến bộ KHKT vào sản xuất để nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm và đời sống của nhân dân chứ không vội đầu tư trụ sở UBND xã cho đẹp để cán bộ ngồi cho sang. Hơn nữa, trong tổng nguồn vốn đầu tư cho NTM, nguồn lực đầu tư của thành phố chiếm không nhiều. Trong tổng số hơn 21 nghìn tỷ đồng, vốn thành phố chỉ chiếm hơn 6.200 tỷ đồng, còn lại là huy động thông qua xã hội hóa, doanh nghiệp ủng hộ và nhân dân đóng góp... Như vậy, một trong những thành công quan trọng trong xây dựng NTM của Hà Nội là huy động được mọi nguồn lực, đặc biệt là sức dân. Đến nay, Hà Nội đã biểu dương trên 600 hộ gia đình và doanh nghiệp đã ủng hộ tiền và hiện vật quy ra tiền với tổng trị giá từ 100 triệu đồng trở lên cho phong trào xây dựng NTM ở địa phương.

Cán bộ sướng thì dân sẽ khổ

- Theo đồng chí, để đạt được những kết quả hết sức tích cực như trên, kinh nghiệm của thành phố là gì?
- Đồng chí Nguyễn Công Soái: Trong xây dựng NTM, kinh nghiệm của Hà Nội là lựa chọn trúng việc làm trước, việc làm sau và việc làm trọng tâm theo tinh thần việc nào cần ít kinh phí thì làm trước. Đặc biệt, vai trò của cán bộ lãnh đạo rất quan trọng, phải biết tính toán, chọn lựa những công việc làm trước tùy theo tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Có một thực tế là thực hiện đề án xây dựng NTM, nếu tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất thì hiệu quả rất lớn. Nhưng một số nơi, cán bộ chỉ muốn tập trung xây dựng trường học, nhà văn hóa, trạm y tế trước để mong được nhàn và phần nào đó có lợi ích cho cá nhân thì hiệu quả chưa cao. Lại có nơi xây dựng cơ sở hạ tầng rất nhanh, nhưng dân không được tham gia nên không thấy được vai trò của mình trong xây dựng NTM nên ở đó, tiến độ xây dựng NTM chậm và vướng. Do đó, ở đâu có cán bộ quyết liệt, nhiệt tình, lăn lộn vì bà con nông dân, vì cái chung của địa phương thì ở đó xây dựng NTM rất nhanh và hiệu quả. Cũng là công việc ấy, bộ máy chính quyền ấy, đồng tiền ấy nếu cán bộ thiếu nhiệt tình, không vì bà con nông dân thì phong trào ì ạch, tiến độ chậm muộn. Trong quá trình chỉ đạo, thực tế còn có nơi này nơi kia không vì dân, muốn làm theo ý mình để dễ tư lợi. Đây là tồn tại phải quyết liệt loại bỏ trong xây dựng NTM.



- Trong các cuộc họp giao ban quý, trong công tác chỉ đạo, điều hành của mình, đồng chí luôn khẳng định phải quan tâm đặc biệt công tác tuyên truyền. Hà Nội đã thực hiện công tác này như thế nào?

- Đồng chí Nguyễn Công Soái: Có thể khẳng định: Điều quan trọng dẫn đến thành công trong xây dựng NTM thời gian qua là nhờ công tác tuyên truyền. Đây là công việc làm đầu tiên khi bắt tay vào thực hiện Chương trình 02 để cán bộ và người dân hiểu và đồng thuận chung sức xây dựng NTM. Ở một số địa phương, khi mới tuyên truyền về NTM, nhiều người cho rằng khó thành công bởi trước đây đã triển khai nhưng kết quả thấp. Có nơi nhân dân còn thách đố cán bộ trong công tác xây dựng NTM. Khó nhất là người dân không hiểu, lòng dân không thông. Do đó, Hà Nội chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua nhiều kênh, đặc biệt là kênh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng rồi đến tuyên truyền tại các hội nghị, học tập trao đổi kinh nghiệm giữa các địa phuơng trong thành phố. Những vấn đề liên quan xây dựng NTM, bước đi, cách làm, đã được tuyên truyền sâu rộng trong Đảng, trong dân nên đã tạo được sự đồng thuận lớn. Người dân đã hiểu xây dựng NTM không phải thích làm gì thì làm mà phải theo quy hoạch, kế hoạch cụ thể…, sản xuất không phải tràn lan và phải theo quy hoạch mới cho hiệu quả…

Nông nghiệp, nông thôn Hà Nội sẽ hiện đại

Năm 2015 là năm cuối cùng thực hiện Chương trình 02 (2011-2015) với chỉ tiêu 40% số xã của thành phố hoàn thành xây dựng NTM (161 xã). Đây là khối lượng công việc không nhỏ. Vậy hướng đi trong xây dựng NTM của thành phố trong năm 2015 như thế nào thưa đồng chí?


- Đồng chí Nguyễn Công Soái: Dù đã thành công trong dồn điền, đổi thửa, đã có những cánh đồng mẫu lớn nhưng việc áp dụng tiến bộ KHKT, cơ giới hóa trong sản xuất của Hà Nội vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Chúng tôi đã chỉ đạo rất nhiều nhưng vẫn còn vướng, điển hình như những khó khăn về vay vốn ngân hàng và những hạn chế về nhận thức của bà con nông dân có nơi còn chưa cao. Vấn đề này chưa làm tốt thì chưa thể đẩy mạnh phát triển sản xuất, để từ đó nâng cao thu nhập cho bà con được. Một thành phố lớn như Hà Nội, nhu cầu sử dụng sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao lớn như vậy mà thành phố không có khu ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao cho nông nghiệp để bà con áp dụng tiến bộ khoa học, tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành, cung cấp cho người dân Thủ đô có sản phẩm chất lượng cao là điều phải suy ngẫm.

Thời gian tới, thành phố sẽ tập trung vào công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân sau dồn điền, đổi thửa. Đây là việc cần làm ngay để người dân yên tâm đầu tư sản xuất. Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất ngoài đồng ruộng, đồng thời có hỗ trợ để người dân đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Thành phố Hà Nội cũng phải tập trung để xây dựng bằng được 1 đến 2 trung tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao bởi đây là hướng phát triển nông nghiệp tất yếu của Hà Nội. Bên cạnh đó, tập trung vào đào tạo nghề cho lao động nông thôn để nông dân phải biết làm nông nghiệp và làm giàu được từ nông nghiệp. Không làm tốt vấn đề này thì nói đến nông nghiệp công nghệ cao chỉ là viển vông. Nhưng để làm được điều đó, thành phố phải bố trí vốn, dành nguồn kinh phí thích đáng đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn mới cho kết quả.

- Là người chỉ đạo quyết liệt, rất tâm huyết với phong trào xây dựng NTM, kết thúc 4 năm thực hiện Chương trình 02, cũng là lúc đồng chí được về nghỉ theo chế độ của Nhà nước. Đồng chí có chia sẻ gì với người kế nhiệm?

- Đồng chí Nguyễn Công Soái: Cái khó nhất trong xây dựng NTM là nhận thức, là dồn điền, đổi thửa, là quy hoạch… Hà Nội đã làm được rồi, nông thôn Hà Nội cũng đã phát triển, đi vào nền nếp. Tôi tin rằng các đồng chí kế nhiệm tôi nhiệt tình, tâm huyết với nông dân, nông thôn, cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đặc biệt là sự quan tâm của thành phố. Tương lai không xa, nông nghiệp, nông dân, nông thôn sẽ hiện đại. Hiện nay đã có nhiều hộ gia đình sản xuất, chăn nuôi giỏi, thu nhập ổn định, đang làm giàu bằng chính trí tuệ và sức lực của mình tại quê hương.

- Xin cảm ơn đồng chí!