Nỗ lực xây dựng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân

Chính trị - Ngày đăng : 08:50, 19/02/2015

(HNM) - Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) là xây dựng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, bảo đảm sự thống nhất cao về tư tưởng và hành động, phấn đấu thực hiện có kết quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật


- Cách mạng muốn tiến lên càng phải xây dựng được khối đại đoàn kết vững chắc phải có sự đồng tâm, hiệp lực của toàn xã hội. Với vai trò tập hợp, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xin Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết những kết quả nổi bật của Mặt trận các cấp trong năm qua?

- Đồng chí NGUYỄN THIỆN NHÂN
: Điểm nhấn quan trọng trong năm 2014 là, MTTQ tổ chức thành công đại hội các cấp. Đây là dịp nhìn lại hoạt động của MTTQ xem cái gì tích cực, cái gì còn hạn chế, nhất là cơ chế phối hợp giữa Mặt trận với cấp ủy đảng, chính quyền các cấp. Và, rất đáng mừng, đại hội ở cấp nào cũng có bí thư, chủ tịch cùng cấp dự, qua đó góp phần củng cố đoàn kết, hoạch định cơ chế hoạt động. Đặc biệt, tại đại hội vừa qua, các địa phương đã chấp hành nghiêm chỉnh chỉ đạo của Ban Bí thư, lựa chọn cán bộ MTTQ các cấp là cấp ủy và cơ cấu tối đa ở trong thường vụ, so với trước, tỷ lệ này đã được tăng lên. Đại hội lần thứ VIII MTTQ Việt Nam đã xây dựng 5 chương trình hành động, có sự đồng thuận tương đối cao với nhiều đổi mới.

Cũng trong năm qua đã xảy ra những diễn biến mới, phức tạp liên quan tới Biển Đông, khiến nhân dân lo lắng, muốn thể hiện tình cảm, trách nhiệm với đất nước. Với vai trò của mình, MTTQ đã thông tin cho nhân dân biết được tình hình và thuyết phục nhân dân bày tỏ lòng yêu nước đúng cách. Điều này thể hiện qua việc nhân dân tích cực ủng hộ cuộc vận động của MTTQ quyên góp hỗ trợ lực lượng Cảnh sát biển hơn 12 tỷ đồng. Qua đó, củng cố tình đoàn kết, lòng yêu nước, thể hiện tình cảm, ứng xử hợp lý. Năm 2014, Mặt trận cũng có một điểm nhấn nữa đó là năm đầu tiên triển khai Quyết định 217, 218-QĐ/TƯ của Bộ Chính trị (khóa XI) về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Chúng tôi đã phối hợp với các bộ, ngành ký 5 chương trình phối hợp về lĩnh vực này.

Đổi mới phương thức hoạt động

- Với vai trò là liên minh chính trị, tổ chức tập hợp nhân dân, MTTQ có thuận lợi và khó khăn gì trong quá trình hoạt động cũng như triển khai nhiệm vụ của mình, thưa Chủ tịch?

- Đồng chí NGUYỄN THIỆN NHÂN: Về nguyên tắc, MTTQ là liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức cũng như cá nhân tiêu biểu. Điểm thuận lợi là Mặt trận có 46 tổ chức thành viên, trong đó nhiều tổ chức đã có truyền thống rất lâu đời. Bên cạnh đó, Mặt trận được Đảng tạo cơ chế hoạt động tốt hơn, việc này thể hiện qua Quyết định 217, 218. Đặc biệt, Hiến pháp 2013, trong đó Điều 9 đã khẳng định, MTTQ có trách nhiệm tạo đồng thuận xã hội, giám sát phản biện góp phần xây dựng Đảng và đoàn kết nhân dân. Còn khó khăn là, hoạt động của Mặt trận đọc thoáng qua, năm nào cũng có bấy nhiêu việc: Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống khu dân cư, ngày vì người nghèo, vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam... Nhưng, yêu cầu đặt ra là phải đổi mới nội dung phương thức để MTTQ làm tốt hơn vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và với nhân dân. Ví dụ, nhân dân suy nghĩ gì, góp ý gì, phải được tập hợp có hệ thống, có tổ chức, phản ánh đúng chỗ, kịp thời để được tiếp thu, khắc phục. Vấn đề này không phải dễ, vì nhân dân có nhiều tầng lớp, như vậy trong công tác mặt trận phải nghe ý kiến nhiều người, tập hợp, phân loại, lựa chọn, song phải làm rất kỹ để bảo đảm khi đưa ra phản ánh, kiến nghị phải là ý kiến toàn dân.

- Chủ tịch đặc biệt nhấn mạnh đến việc đổi mới nội dung phương thức hoạt động, vậy việc này được Mặt trận các cấp triển khai như thế nào?

- Đồng chí NGUYỄN THIỆN NHÂN: Trong mỗi kỳ Quốc hội, Mặt trận tập hợp khoảng hai nghìn ý kiến từ các địa phương, nhưng chỉ được phát biểu ngắn gọn tại Quốc hội. Chúng tôi phải thay đổi cách làm, phân loại, chọn lọc, ý kiến nào có tỷ lệ cao ở địa phương thì chọn và cứ như thế tập hợp ý kiến từ tất cả các tỉnh, thành phố để bảo đảm khi đưa vấn đề ra trước Quốc hội phải là ý kiến của toàn dân. Vừa qua, chúng tôi chỉ đưa ra 6 ý kiến, nhưng nhờ cách làm này nên được nhân dân đồng tình. Sau mỗi kỳ họp Quốc hội, có 6-9 bộ trưởng viết thư phúc đáp lại ý kiến MTTQ nêu ra. Điều này cho thấy, Mặt trận phải làm tốt chức năng cầu nối giữa nhân dân với Đảng, Quốc hội.

Sau khi tổ chức thành công Đại hội VIII, chúng tôi cũng xác định đổi mới nâng cao hiệu quả phương thức truyền thông về các phong trào, các cuộc vận động lâu nay MTTQ vẫn làm như: Vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm... Mặt trận hiệp thương để mỗi tổ chức thành viên như thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh... nhận nhiệm vụ cụ thể, chứ không phải Mặt trận chỉ nói chung chung. Ví dụ, ở một xã có 50 hộ nghèo, hội nông dân nhận trách nhiệm giúp đỡ bao nhiêu hộ, tương tự, thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh giúp đỡ bao nhiêu hộ, MTTQ góp phần gì để huy động kinh phí... Cách làm rõ người, rõ việc này giúp MTTQ phát huy tốt hơn vai trò của các tổ chức thành viên.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân với đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Nguyễn Dân



- Giám sát, phản biện có thể nói là việc khó. Năm 2014, cũng là năm đầu tiên MTTQ các cấp thực hiện hai quyết định của Bộ Chính trị, đó là Quyết định số 217 về “Quy chế giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị, xã hội” và Quyết định số 218 “Quy định về MTTQ, các đoàn thể chính trị và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền”. Xin Chủ tịch cho biết những kết quả bước đầu?

- Đồng chí NGUYỄN THIỆN NHÂN: Một số đại sứ các nước nói với chúng tôi, không biết MTTQ Việt Nam làm gì, vì ở nước họ không có hệ thống Mặt trận. Chúng tôi trả lời, MTTQ có nhiều nhiệm vụ, trong đó có việc giám sát chính quyền, đoàn thể, có quyền và nghĩa vụ giám sát các cơ quan, doanh nghiệp. Họ tỏ ra ngạc nhiên và thấy rất cần thiết. Chính quyền để phục vụ nhân dân, nhưng phục vụ đến đâu thì phải được xem xét. Hay, nói về giám sát, phản biện đã được hiến định trong Hiến pháp, nhưng chưa có luật giám sát, chưa có nghị định về giám sát. Vì vậy, để thực hiện nhiệm vụ này, chúng tôi đề nghị Thủ tướng căn cứ, vận dụng Điều 96 Hiến pháp. MTTQ phối hợp với Chính phủ thực hiện vai trò của mình và yêu cầu các bộ, ngành cùng tham gia. Và trong năm 2014, công tác giám sát bước đầu rõ cơ chế giám sát, phản biện, song cần hiểu rõ, giám sát của MTTQ là giám sát của nhân dân, nên Mặt trận căn cứ vào ý kiến của nhân dân, nhân dân thấy chỗ nào có nhu cầu thì MTTQ giám sát, nhưng phải theo chỉ đạo của Đảng, Nhà nước.

Mặt trận các cấp ở Thủ đô phải đi đầu

- MTTQ chuẩn bị kỷ niệm 85 năm thành lập. Từ khi thành lập, MTTQ đã cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Vậy, trong giai đoạn hiện nay, MTTQ có biện pháp gì để tiếp tục thực hiện tốt sứ mệnh quan trọng này, thưa Chủ tịch?

- Đồng chí NGUYỄN THIỆN NHÂN: Một cách sâu sắc, cụ thể, để biết vai trò của Mặt trận qua từng thời kỳ. Mỗi thời kỳ đều chịu thách thức, nhưng phải chỉ rõ thách thức đặc thù để có giải pháp, nhất là trong áp lực cạnh tranh quốc tế, nhu cầu bảo vệ chủ quyền, rồi cả vấn đề về cải cách hành chính, chống tệ quan liêu, tham nhũng... Tôi ví dụ, hiện nay, công tác xóa đói giảm nghèo chúng ta làm khá tốt, nhưng nhiều tỉnh miền núi tỷ lệ người nghèo còn cao. Hay ví dụ về nhà máy công nghệ cao của Samsung ở Thái Nguyên, có tới 45 nghìn lao động, trong đó chỉ có 70 người Hàn Quốc, còn lại người Việt Nam vận hành nhà máy, vậy chúng ta đang thiếu nhân lực chất lượng cao. Qua đó, tôi muốn nói, chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật, chính sách Đại đoàn kết phải được thực hiện đúng tình hình, xây dựng tốt đồng thuận xã hội để từ đó xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

- Trong những kết quả chung của MTTQ Việt Nam, Chủ tịch đánh giá như thế nào về hoạt động và những đóng góp của hệ thống MTTQ Thủ đô?

- Đồng chí NGUYỄN THIỆN NHÂN: Tôi rất vui mừng trước những thành tựu, đóng góp của MTTQ Thủ đô trong suốt những năm qua, đặc biệt trong thời gian 10 năm vừa qua, đã phản ánh đặc thù của Thủ đô là trung tâm có lực lượng trí thức, lao động có chất xám cao. Tôi nhận thấy, MTTQ TP Hà Nội đã triển khai tốt các cuộc vận động, phong trào thi đua, từ việc xây dựng đời sống văn hóa ở các khu dân cư, làm tốt chức năng chăm lo trật tự trị an đến xây dựng văn hóa cộng đồng, thúc đẩy phong trào thi đua nông dân sản xuất giỏi... MTTQ các cấp ở Hà Nội cũng đã quan tâm chăm lo đồng bào có đạo, gắn với việc phát huy vai trò các tôn giáo trong việc phát triển xã hội, chăm lo trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, MTTQ Hà Nội cũng đã tích cực phối hợp thực hiện giám sát phản biện, trong đó có giám sát chính sách về người có công được triển khai sớm nhất và có hiệu quả rõ nét. Tại Đại hội vừa qua, MTTQ ở Hà Nội đã tổng kết được nhiều mô hình chất lượng, “lôi kéo” được trách nhiệm của các cơ quan thẩm quyền, ngành chức năng trong hệ thống chính trị Thủ đô.

Trong thời gian tới, MTTQ TP Hà Nội cần phối hợp tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, vận động nhân dân đoàn kết thực hiện tốt xây dựng và phát triển Thủ đô. Tiếp đó, MTTQ cần tiếp tục phản ảnh ý kiến người dân, giám sát giải quyết nguyện vọng của nhân dân về đăng ký đất đai, vấn đề nước sạch là hai việc còn có chậm trễ. Đồng thời, MTTQ các cấp Thủ đô phải tăng hiệu quả giám sát việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động trong các doanh nghiệp; giám sát chặt việc khám chữa bệnh tư nhân, góp phần bảo đảm an toàn, chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân. Hà Nội cũng là nơi tập trung các trung tâm khoa học công nghệ, MTTQ cần triển khai giám sát tốt lĩnh vực này, để Hà Nội là một nơi mẫu mực về khoa học công nghệ.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Hoa Linh