Ước nguyện của dân
Chính trị - Ngày đăng : 09:58, 18/02/2015
Năm 2014 đã đi qua với biết bao sự kiện đáng ghi nhận. Ở đây không lạm bàn về những điều to tát mà chỉ xin gợi lại đôi điều nho nhỏ, như là những chuyện “tương cà mắm muối” thường nhật trong đời sống cộng đồng.
1. Bạn đọc cả nước hẳn đã biết đến câu chuyện người dân viết thư xin “tạm ứng” cây cầu vào cuối năm rồi. Xin phép được nói lại, kỹ hơn một chút để mọi người cùng trao đổi thêm, rõ hơn về cơn cớ sự tình.
Ai cũng biết lâu nay tình trạng quá tải ở các bệnh viện lớn ở nội đô gần như đã trở thành vấn nạn. Ở khu vực Hà Nội, một số bệnh viện Trung ương đã xây dựng các cơ sở điều trị thu dung người bệnh ở khu vực ngoại thành. Điều này đã mang lại cho người dân nhiều lợi ích dễ nhận thấy. Nhưng đằng sau cái vui mừng ấy lại nảy sinh không ít chuyện buồn lo mà biểu hiện cụ thể đầu tiên là nhiều tai nạn giao thông xảy ra với người bệnh ngay trước cổng cơ sở 3 của Bệnh viện K. Cơ sở điều trị này thuộc khu vực Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội, bên quốc lộ 70, vốn mật độ người và phương tiện giao thông đã rất đông lại phân luồng cho các loại xe lớn đi qua nên được ví như một điểm đen về tai nạn giao thông. Và tai nạn thương tâm đã xảy ra ở đây với những người bệnh mang “án tử”, với người nhà của một số người ở vùng sâu, vùng xa thuộc diện “nhà nghèo bệnh trọng” khi họ phải qua đường nhận suất ăn từ thiện khiến chính họ lại trở thành người bị chăm sóc một cách ai oán…
Bức xúc trước việc đó, một người dân đã viết tâm thư, xin người có trách nhiệm cao nhất ngành giao thông giúp đỡ mà ý nguyện cụ thể là có một cây cầu vượt trước cổng Bệnh viện giúp mọi người qua đường an toàn hơn.
Rất may, niềm tin của người dân đã gặp trách nhiệm của một vị cán bộ và mong muốn ấy đang được xúc tiến để trở thành hiện thực, mang lại niềm vui cho rất nhiều người. Nhưng, đằng sau câu chuyện ấy có bao điều đáng để mọi người suy ngẫm, rất nhiều câu hỏi tại sao (?), như người dân vẫn cần hỏi thẳng: Tại sao bức tâm thư trong câu chuyện nói trên lại là của một người dân mà đáng lẽ phải là của một vị giám đốc ngành, bí thư cấp ủy, chủ tịch chính quyền (?) cho đúng câu đảng viên đi trước, làng nước theo sau (!).
2. Trước khi kết thúc năm cũ vài ngày, một nữ doanh nhân trẻ, chủ một công ty đồ gỗ mỹ nghệ nổi tiếng ở Đồng Kỵ (Bắc Ninh), thành viên của Chapter BNI Synergy khu vực Hanoi 01 (một tổ chức kết nối thương mại của các doanh nghiệp vừa và nhỏ), đã khai trương Hướng Mai Center - một trung tâm tham quan mua sắm Á, Âu giữa khu vực làng nghề truyền thống và tri ân khách hàng bằng chính sách giảm giá 20%. Trước đó, vào tháng 4 năm 2014 qua bạn bè, gặp một cô giáo vùng cao ở Văn Yên (Yên Bái), lên thăm và chứng kiến các em học sinh dân tộc ở xã Châu Quế Hạ không có lớp học, phải luân phiên học nhờ ở nhà dân và trụ sở cơ quan, nữ doanh nhân này đã tự nguyện hiến một bức tranh quý nhờ bán đấu giá được hơn 40 triệu đồng tặng trường học. Số tiền hơn 40 triệu đồng không nhỏ nhưng không đủ xây trường học, nữ doanh nhân này đã vận động các thành viên trong chi hội BNI của mình quyên góp được 571 triệu đồng ủng hộ xây Trường TH Châu Quế Hạ và tặng nhiều quà, đồ dùng dạy học cho cô và trò. Tháng 9 năm 2014, ngôi trường đã hoàn thành kịp khai giảng năm học mới trong niềm vui sướng tột cùng của cô, trò và phụ huynh ở đây.
Chuyện cũng bình thường bởi người Việt vốn giàu lòng thiện nguyện, có truyền thống “lá lành đùm lá rách”. Điều đáng nói ở đây là ngoài góp của, nữ doanh nhân nọ còn dụng công vận động người khác cùng phát tâm làm theo, biến việc tốt ấy hiệu quả đáng 1 trở nên 10, thiết thực hữu ích cho việc dạy chữ, dạy người. Dù có thể đổ lỗi cho điều kiện kinh tế tại chỗ chưa cho phép, nhưng rõ ràng việc thiếu lớp học ở Châu Quế Hạ chẳng lẽ chỉ có một người ở tận một tỉnh rất xa nơi đó biết và tìm được cách giải quyết thấm đẫm nhân văn?
Câu trả lời ở đây vẫn là lương tâm và trách nhiệm. Không phải đến bây giờ mà đã khá lâu rồi, người dân đã từng hy vọng, mong muốn, khỏi cần nói tới các vụ tham nhũng, tiêu cực tiền tỷ, giá như chúng ta chậm lại một vài công trình nào đó chưa thật sự cần thiết, giảm thiểu đôi kỳ cuộc vui vẻ quá tầm, bớt đi dăm chuyến công cán nước ngoài (kiểu “hội” nhiều hơn “thảo”) bằng tiền thuế của dân thì sẽ có thêm cơ hội để xóa những cái thiếu nói trên.
Đảng ta luôn nêu cao quan điểm vì dân trong từng chủ trương và chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời chú trọng tới an sinh xã hội để phát triển bền vững. Nhưng trực tiếp biến quan điểm, chủ trương này thành hiện thực cuộc sống từ những việc nhỏ nhoi, đơn giản nhất là lương tâm và trách nhiệm của mỗi tổ chức cơ sở Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng.
Nhân dịp chào năm mới 2015, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã viết: “Mỗi tổ chức Đảng, mỗi cơ quan Nhà nước, mỗi cán bộ, đảng viên đều phải ghi sâu, thực hiện tốt lời Bác dạy; ngăn chặn, đẩy lùi các tệ quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, ức hiếp nhân dân, vô cảm với những bức xúc của nhân dân thì nhất định sẽ được nhân dân tin yêu, hết lòng ủng hộ, khối đại đoàn kết toàn dân sẽ được củng cố, tăng cường. Chúng ta không sợ bất cứ kẻ thù nào dù là hung bạo nhất, chỉ sợ mất lòng dân. Lòng dân, đó là Quốc bảo dựng nước và giữ nước Việt Nam!”.
Có lẽ đó cũng là ước nguyện chung của mọi người dân Việt trong nắng ấm Xuân về.