Kinh tế Nhật Bản: Đã thấy gam màu sáng
Thế giới - Ngày đăng : 06:44, 17/02/2015
Tiêu dùng cá nhân đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP của Nhật Bản. |
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản trong quý IV-2014 tăng 0,6% so với quý III-2014 trong khi chỉ số tiêu dùng trong 3 tháng cuối năm chiếm khoảng 60% GDP, tăng 0,3% nhờ việc bán điện thoại di động và máy tính cá nhân. Từ những số liệu trên, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Akira Amari cho rằng, niềm tin tiêu dùng tăng trở lại là động lực quan trọng thúc đẩy nền kinh tế nước này phục hồi nhanh chóng. Cụ thể, so với quý trước, đầu tư của khối doanh nghiệp đã tăng 0,1% và chi tiêu cá nhân tăng 0,3% trong quý IV. Tuy nhiên, không ít chuyên gia phân tích lại cho rằng, hoạt động đầu tư vẫn phục hồi chậm và có thể ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của Nhật Bản trong năm 2015. Một lo ngại khác là giá tiêu dùng tăng chậm, đặc biệt trong bối cảnh giá dầu lao dốc. Giới chuyên gia kinh tế dự đoán, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) có thể sẽ phải tăng cường kích thích hoặc nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy lạm phát lên mục tiêu 2%.
Theo nhận định mới đây của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), một trong những nguyên nhân khiến nền kinh tế Nhật Bản rơi vào suy thoái thời gian qua là hậu quả của việc tăng thuế tiêu dùng từ 5% lên 8% từ ngày 1-4-2014. Mặc dù quyết định này là một trong những giải pháp trực tiếp làm giảm áp lực nợ công của Nhật Bản nhưng lại có mặt trái là tạo ra nguy cơ triệt tiêu động lực tăng trưởng của chính sách kinh tế táo bạo mang tên Abenomics của Thủ tướng Shinzo Abe. Dẫu vậy, theo giới phân tích, vẫn có thể đạt được cả hai mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng và giảm áp lực nợ công nếu sử dụng liều lượng và thời điểm tăng thuế tiêu dùng một cách hợp lý. Đó là lý do khiến Thủ tướng S.Abe phải lùi thời hạn tăng thuế tiêu dùng lên 10% đến tháng 4-2017, thay vì năm 2015 như dự kiến.
Các phát biểu gần đây của Thủ tướng S.Abe đều nhấn mạnh đến mục tiêu sẽ theo đuổi kế hoạch tăng thuế để thực hiện cam kết phục hồi sức khỏe cho nền tài chính công, phấn đấu đạt mục tiêu thặng dư ngân sách trong dài hạn vào năm 2020. Theo nhà lãnh đạo xứ Phù Tang, chính sách Abenomics gồm 3 mũi tên (nới lỏng tiền tệ, mở rộng mua trái phiếu chính phủ và cải cách kinh tế nhằm huy động nguồn lực tổng hợp để phát triển kinh tế) nhất định sẽ thành công nhằm đưa Nhật Bản trở lại quỹ đạo tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Như một bước đi cần thiết nhằm vực dậy nền kinh tế vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi việc tăng thuế tiêu dùng, ngày 27-12 năm ngoái nội các Nhật Bản đã thông qua gói kích thích kinh tế mới trị giá kỷ lục, lên tới 3,5 nghìn tỷ yen (29 tỷ USD). Theo ước tính của các chuyên gia, gói kích thích kinh tế mới sẽ thúc đẩy GDP của Nhật Bản tăng khoảng 0,7%.
Mặc dù bức tranh tăng trưởng của nền kinh tế Nhật Bản vừa xuất hiện những gam màu sáng. Thế nhưng, vẫn còn nhiều việc phải làm để nền kinh tế lớn thứ ba thế giới có thể hồi phục đà tăng trưởng vững chắc. Trong đó, phải tăng niềm tin tiêu dùng khi tiêu dùng cá nhân vốn đóng góp 60% GDP khi lĩnh vực này chỉ tăng 0,3% so với quý trước, thấp hơn so với dự báo 0,7% của các nhà kinh tế học. Thậm chí đã có những cảnh báo rằng trong năm 2015 kinh tế Nhật Bản có thể sẽ tiếp tục suy thoái với mức tăng trưởng âm từ 0,7% đến 2,5%. Do vậy, thúc đẩy kinh tế sẽ vẫn là thách thức lớn với nội các của Thủ tướng S.Abe trong bối cảnh an ninh nhiều bất ổn như hiện nay.