Kỳ vọng từ các hiệp định thương mại tự do
Kinh tế - Ngày đăng : 07:11, 16/02/2015
Đến nay, tiến trình đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - EU đang đến giai đoạn cuối, sẽ ký kết ngay trong nửa đầu năm 2015. Đây sẽ là một hiệp định toàn diện, có chất lượng cao với mức tự do hóa sâu rộng và được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên. Trước hết, hàng hóa Việt Nam xuất vào thị trường EU sẽ được lợi lớn về mặt thuế suất, từ đó góp phần gia tăng tính cạnh tranh của hàng Việt Nam tại EU. Nhìn chung, việc gỡ bỏ các hàng rào thuế quan trong quan hệ thương mại song phương với EU đem lại nhiều lợi ích cho DN Việt; do EU là thị trường đa dạng, rộng lớn với mức thu nhập bình quân và khả năng chi trả của người tiêu dùng đứng hàng đầu thế giới. Mặt khác, hàng hóa của ta và EU đều có đặc điểm là khai thác lợi thế sẵn có, như DN Việt xuất hàng nông, thủy sản chế biến, dệt may, da giày… trong khi phía bạn chủ yếu xuất khẩu thiết bị, máy móc công nghiệp nên luôn mang tính bổ trợ cho nhau chứ không cạnh tranh một cách trực tiếp. Tính sơ bộ, EU sẽ loại bỏ thuế quan đối với hơn 90 dòng thuế. Các ngành có khả năng hưởng lợi nhiều nhất gồm dệt may, giày dép, chế biến thực phẩm…
Hàng dệt may Việt Nam luôn chiếm ưu thế xuất khẩu sang các nước Châu Âu. Ảnh: Bá Hoạt |
Theo đánh giá của Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU được ký kết sẽ có tác động rất tích cực đối với Việt Nam, giúp tổng sản phẩm nội địa của Việt Nam tăng lên 10-15%. Ngoài ra, hiệp định cũng là điều kiện thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng 30-40%. Đến nay, nhiều chuyên gia quốc tế đều đánh giá, hiệp định sẽ mang lại lợi ích cho hai bên, nhưng phần lợi ích đối với Việt Nam vẫn trội hơn. Đặc biệt, từ việc tăng cường xuất khẩu vào EU, DN Việt Nam sẽ có cơ hội mở rộng hợp tác, trong đó chủ yếu là tìm đối tác hợp tác kinh doanh hoặc thu hút đầu tư, nhắm vào những công nghệ mới và dịch vụ cao cấp. Nếu biết chủ động tiếp cận và làm tốt vấn đề này thì DN trong nước sẽ thu được nhiều lợi nhuận với giá trị gia tăng cao hơn hẳn so với giai đoạn trước khi ký hiệp định. Dự báo, dòng vốn đầu tư trực tiếp từ EU "chảy" vào Việt Nam cũng tăng rõ rệt vì DN EU được củng cố niềm tin, đồng thời họ không muốn chậm chân so với các đối tác khác của Việt Nam.
Hiệp định TPP, gồm 12 quốc gia thành viên cũng đang được trông đợi sẽ hình thành vào năm 2015, với quy mô chiếm tới 40% tổng GDP toàn cầu - là khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới. Các chuyên gia nhận định, TPP là mô hình giống như WTO nhưng ở trình độ cao hơn, thông thoáng hơn. Việt Nam là một trong vài nước được hưởng lợi nhiều nhất vì mục tiêu lớn nhất của tổ chức này là giảm thuế và xóa bỏ các rào cản thương mại. Cụ thể, khi các dòng thuế giảm xuống cũng đồng nghĩa với việc DN Việt sẽ gia tăng xuất khẩu sang thị trường 11 nước thành viên, trong đó có các thị trường lớn, sức mua cao và ổn định như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada. Đặc biệt, hàng dệt may, giày dép Việt Nam sẽ rộng đường vào thị trường Hoa Kỳ với những lợi thế và ưu đãi về thuế. Trên thực tế từ 2 năm qua, các DN Việt đã khẩn trương mở rộng khả năng liên kết trong các công đoạn sản xuất, sử dụng nguồn nguyên, phụ liệu trong nước để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu vào các nước thành viên thuộc TPP. Ở thời điểm hiện tại, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã dự báo, kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này trong năm nay có thể đạt 28-29 tỷ USD (so với 24,5 tỷ USD năm 2014) nhờ sự tác động tích cực của TPP.
Đối với AEC, Việt Nam không có được lợi thế nhiều về xuất khẩu bởi cơ cấu hàng hóa không khác biệt hoặc nổi bật hơn so với hàng của các nước khác. Lợi ích lớn nhất khi tham gia vào AEC là khi hình thành thị trường chung - được đánh giá là giàu tiềm năng với thị trường hơn 500 triệu dân, thu nhập bình quân ngày càng cải thiện, thì DN Việt sẽ được kinh doanh trong một môi trường năng động. Đặc biệt, với vị trí địa lý là trung tâm của các tuyến vận tải, giao thương toàn cầu cũng là lợi thế để hàng Việt hạ giá thành khi đến các thị trường. Chính phủ đang chỉ đạo các ngành, DN sẵn sàng hội nhập và cạnh tranh trong khuôn khổ AEC ở cả ba cấp độ, gồm quốc gia, DN và sản phẩm. Ngoài ra, cơ quan chức năng tiếp tục cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh, hoàn thiện khung khổ pháp lý, hỗ trợ DN nước ngoài nhằm thu hút dòng vốn di chuyển từ các nước thành viên AEC hoặc thậm chí là dự án của nước thứ ba đặt tại AEC vào Việt Nam.
Như vậy, việc Việt Nam chuẩn bị tham gia các hiệp định trên sẽ sớm phát huy tác dụng, nhất là sự lan tỏa và cộng hưởng những điều kiện thuận lợi để có chuyển biến tích cực. Các chuyên gia khuyến nghị, DN nên nghiên cứu kỹ những quy định, ưu đãi thông qua sự bãi bỏ thuế quan, khuyến khích xuất khẩu để tiến vào những thị trường lớn nhất thế giới, kết hợp với hoạt động thu hút đầu tư.