Những “cuộc đua” phát triển 3G

Xe++ - Ngày đăng : 07:08, 16/02/2015

(HNM) - Xu hướng tăng trưởng thuê bao 3G vẫn tiếp diễn và được coi là

Bộ TT-TT đã công bố Sách trắng CNTT-TT Việt Nam 2013 với thông tin cả nước có 19,7 triệu thuê bao 3G, tăng 4 triệu thuê bao so với số liệu năm 2012 (đạt 15,69 triệu thuê bao). Tuy nhiên, hồi cuối tháng 12-2014, Cục Viễn thông lại đưa ra con số cả nước đã có 27,5 triệu thuê bao 3G, cho thấy lượng thuê bao dịch vụ này có sự tăng trưởng mạnh. Về số liệu thuê bao 3G hiện có một số định nghĩa để xác định thế nào là tiêu chí (từ đó dẫn đến các số liệu có thể khác nhau về lượng thuê bao), song hầu hết các nhà mạng đều khẳng định thuê bao 3G là thuê bao có kết nối dữ liệu internet.

Thuê bao 3G đang được các nhà mạng phát triển.


Và trong điều kiện người dùng sử dụng ngày càng nhiều thiết bị smartphone (điện thoại, máy tính bảng) có kết nối 3G thì lượng thuê bao này tăng cũng là dễ hiểu. Trong báo cáo của 3 nhà mạng lớn đều cho biết, năm 2014, doanh thu từ khách hàng sử dụng 3G tăng mạnh khi lưu lượng 3G được sử dụng tăng ít nhất 50% so với năm 2013.

Tuy nhiên, cùng với công bố các số liệu về lượng khách hàng sử dụng 3G tăng, các nhà mạng cũng nhận định dịch vụ này vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển, nhất là trong điều kiện xu hướng người dùng coi việc sử dụng dữ liệu 3G là không thể thiếu hằng ngày, điện thoại smartphone có giá bình dân được đưa ra thị trường với nhiều lựa chọn và đặc biệt Việt Nam đang là quốc gia có giá dịch vụ 3G thấp trên thế giới. Từ những yếu tố này, các chuyên gia nhận định, xu hướng khách hàng sẽ giảm sử dụng các dịch vụ viễn thông truyền thống như tin nhắn, thoại mà thay vào đó là sử dụng dịch vụ dữ liệu và trong tương lai là sử dụng 3G để kết nối các thiết bị thông minh. Vì vậy, có thể xem năm 2015 sẽ diễn ra cuộc đua quyết liệt để phát triển thuê bao 3G.

Thực tế thì "cuộc đua" chỉ diễn ra ở 3 nhà mạng lớn Viettel, MobiFone, Vinaphone. Mà đầu tiên là việc chạy đua nâng cao chất lượng vùng phủ sóng. Được biết, hiện Viettel có 29.000 trạm thu phát sóng (BTS) 3G, MobiFone có 14.000 trạm, Vinaphone có 13.000 BTS. Như vậy, Viettel hiện có nhiều ưu thế so với hai nhà mạng còn lại về vùng phủ và đó là lợi thế cạnh tranh quan trọng. Cùng với việc nâng cao chất lượng vùng phủ, cả ba nhà mạng đều nâng tốc độ cung cấp với khả năng truy cập lên tới 42 Mbps tại các tỉnh, thành lớn, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Đáng chú ý trong đó, các nhà mạng đã chú trọng tới việc sử dụng những thiết bị thông minh có kết nối 3G (dùng sim 3G gắn với thiết bị). Thực tế thì việc ứng dụng CNTT-VT đã, thực hiện (do Viettel, VNPT cung cấp) trong lĩnh vực quản lý phương tiện khi sử dụng sim 3G gắn với thiết bị giám sát hành trình các phương tiện vận tải được các nhà xe đang sử dụng. Đây cũng được coi là công cụ quản lý đem lại hiệu quả đối với cơ quan quản lý nhà nước nhằm kiểm soát phương tiện chạy đúng tuyến, đúng tải trọng…

Tại buổi tọa đàm do Câu lạc bộ Nhà báo CNTT-TT tổ chức hồi cuối năm 2014 với chủ đề ứng dụng CNTT-VT vào đời sống, đại diện các nhà mạng đã chia sẻ việc sử dụng những thiết bị kết nối 3G trong ngành điện. Theo Viettel, hiện tập đoàn này đã, đang phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, trong đó có Tổng Công ty Điện lực Hà Nội đang thí điểm tại một số điểm trên địa bàn Thủ đô. Theo đó, Viettel sẽ cung cấp sim 3G để gắn vào công tơ điện của khách hàng và chiếc công tơ điện tử này sẽ là công cụ hữu hiệu giúp ngành điện nắm bắt được các chỉ số tiêu thụ của khách hàng mà không cần cử người đi ghi sổ - tiết kiệm chi phí, giảm nhân lực. Với khách hàng, người dân sẽ được cấp mật khẩu để truy cập là có thể biết được lượng điện năng tiêu thụ…

Tóm lại, nếu ứng dụng công tơ điện tử sẽ giúp việc cung cấp dịch vụ này không chỉ minh bạch hơn (khách hàng được trực tiếp kiểm soát lượng điện tiêu thụ) mà ngành điện cũng sẽ đỡ chi phí. Song, đây cũng lại là bài toán vì nếu áp dụng, ngành điện phải tính toán trong việc bố trí, sắp xếp lao động (vì không cần người đi ghi sổ công tơ điện), cân nhắc việc bỏ chi phí khi đầu tư lại hệ thống công tơ mới thay thế.

Nhưng việc ứng dụng CNTT-VT vào hoạt động sản xuất, kinh doanh là xu thế và CNTT-VT đã đang làm thay đổi phương thức sản xuất, nên dù muốn hay không, các DN, cơ quan, tổ chức cũng phải đón nhận nếu không muốn mình bị tụt hậu. Từ đó cũng dễ hiểu, việc Viettel có những thỏa thuận với ngành điện và nếu thực hiện thành công thì đó là một thị trường lớn để nhà mạng này phát triển thuê bao 3G. Với MobiFone và Vinaphone, hiện các thông tin về kế hoạch phát triển thuê bao 3G chưa được chia sẻ rộng rãi, song gần đây Tập đoàn VNPT đã đẩy mạnh hợp tác với các bộ, ngành, địa phương, trong đó có nhấn mạnh đến việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT-VT cho thấy không có lý do gì để VNPT, Vinaphone thờ ơ với mảng thị trường này!

Việt Nga