Trọn niềm tin theo Đảng

Chính trị - Ngày đăng : 06:48, 16/02/2015

(HNM) - Bất chấp gian khổ, hiểm nguy, thậm chí là hy sinh tính mạng, lớp đảng viên đầu tiên đã giữ vững khí tiết, vẹn nguyên lời thề trọn đời theo Đảng, phục vụ nhân dân.



Tinh thần, ý chí ấy đã làm nên sức mạnh cho Đảng, để khi mới 15 tuổi, với hơn 5.000 đảng viên, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân tiến hành Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, lập nên nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở khu vực Đông Nam Châu Á. Và, cũng chính sự phấn đấu không mệt mỏi của lớp đảng viên lão thành, được các thế hệ đảng viên tiếp nối, tạo thành truyền thống quý báu - nhân tố làm nên uy tín và sự vĩ đại của Đảng Cộng sản Việt Nam hôm nay.

Nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái trao Huy hiệu 85 năm tuổi Đảng cho cụ Phạm Thị Trinh. Ảnh: Anh Quý


Đúng dịp Đảng ta tròn 85 tuổi, Đảng bộ Hà Nội có một nữ đảng viên thuộc lớp thế hệ đảng viên đầu tiên nhận Huy hiệu 85 năm tuổi Đảng. Đó là cụ Phạm Thị Trinh (sinh năm 1914), hiện đang sinh hoạt tại Chi bộ 1, Đảng bộ phường Khương Đình, quận Thanh Xuân. Đây là đảng viên đầu tiên của Đảng bộ Thủ đô vinh dự nhận danh hiệu cao quý Đảng trao. 85 năm tuổi Đảng, 101 tuổi đời, nhưng chỉ vài năm nay, cụ Phạm Thị Trinh mới thực sự được nghỉ ngơi theo đúng nghĩa. Với 6 người con, trong đó có 5 người nối nghiệp cha (đồng chí Nguyễn Chánh - nguyên UVTƯ Đảng khóa II, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam) phục vụ trong QĐND Việt Nam; một người nghiên cứu khoa học, thì người mẹ luôn là tấm gương sáng để họ noi theo. Thông qua những câu chuyện kể, những lời nói, việc làm của người mẹ - người đồng chí, hơn ai hết, họ hiểu rõ phẩm chất, khí tiết và sự hy sinh, gian khổ của người đảng viên cộng sản.

Sinh ra và lớn lên ở xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, Phạm Thị Trinh sớm giác ngộ, trở thành người cán bộ cách mạng ưu tú và vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng tháng 11-1930 khi mới 16 tuổi. Với khí chất gan dạ, thông minh, nữ đảng viên trẻ đã được Tỉnh ủy Quảng Ngãi giao làm công tác tuyên truyền trong huyện và tổ chức phụ nữ các xã vào Phụ nữ Liên hiệp hội; trực tiếp chỉ huy nhiều cuộc biểu tình của đồng bào Sơn Tịnh trong cao trào cách mạng 1930-1931. Hai lần bị địch bắt, 6 năm bị cầm tù, tra tấn dã man đã khiến mắt mờ đi, tai nghe không rõ, song điều đó không ngăn được người nữ chiến sĩ cộng sản kiên trung cống hiến hết mình trong mọi nhiệm vụ được giao, góp phần cùng với toàn Đảng lãnh đạo sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước đi đến thắng lợi. Sau này, có nhiều người hỏi về lúc bị địch bắt, cụ Phạm Thị Trinh nói: "Tôi rất vui vì được Đảng tín nhiệm. Cho dù hồi đó địch đem giết, tôi cũng không sợ".

Hòa bình thống nhất, đảng viên Phạm Thị Trinh tiếp tục được giao đảm nhận công tác Hội Phụ nữ và trở thành người lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm của phong trào phụ nữ Việt Nam. Cụ từng đảm nhận nhiều vị trí quan trọng như Tỉnh ủy viên tỉnh Quảng Trị, Hội trưởng Phụ nữ Liên khu V, Ủy viên Đảng đoàn, Thường trực Phụ vận TƯ Hội, Trưởng ban Tổ chức TƯ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam… Ở cương vị nào, người đảng viên lão thành cũng hoàn thành tốt.

Ấy vậy mà cụ Phạm Thị Trinh vẫn còn điều phải áy náy. Trong cuốn hồi ký, cụ viết: Chồng mất sớm, quá bận công tác nên không có nhiều thời gian dành cho các con. Điều đó làm cụ day dứt nhiều năm. Nhưng các con của cụ đã thấu hiểu, luôn tự hào về mẹ. Khi nói về mẹ mình, người con thứ hai của cụ Trinh - PGS, TS ngôn ngữ học Nguyễn Tuyết Minh cho biết: "Không chỉ trong chiến tranh, trong cuộc sống đời thường, bản chất của người cộng sản cũng thể hiện rất rõ. Mẹ không dạy bảo nhiều, chúng tôi cứ nhìn vào tấm gương của mẹ tự soi mình để học theo". Còn người con trai thứ tư Nguyễn Anh Tường tự hào kể: "Bố tôi mất năm 43 tuổi, nhà tôi lúc đó ở phố Lý Nam Đế. Ba tháng sau ngày bố mất, mẹ tôi gọi người trả lại nhà và nói "nhà này không thuộc tiêu chuẩn của tôi, tôi không ở". Từ việc lớn cho tới nhỏ, cụ Trinh không bao giờ xem nhẹ. Một người đảng viên cao tuổi, mắt mờ, chân chậm nhưng chưa bao giờ đóng đảng phí muộn và vẫn luôn gương mẫu trong từng hoạt động nhỏ của chi bộ. Những câu chuyện về cụ luôn được đảng viên phường Khương Đình nhắc đến với lòng kính trọng. "Hơn 900 đảng viên của phường luôn ngưỡng mộ, học tập cụ ở tinh thần cách mạng, ý chí phấn đấu, ý chí phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân" - Bí thư Đảng ủy phường Khương Đình Nguyễn Đình Hưng khẳng định.

Ở gia đình cụ còn có một việc làm được bà con dân phố đánh giá rất cao là việc duy trì nền nếp đoàn tụ gia đình vào ngày cuối tuần. Bất kể con trai, con gái, dâu, rể, cháu chắt, dù bận việc gì cũng gác lại để về thăm cụ. Khi ấy, trong căn nhà nhỏ, sau bữa cơm sum họp, cụ lại kể cho các con, các cháu, các chắt nghe về cuộc đời mình, về những năm tháng theo Đảng làm cách mạng… Những câu chuyện đó cứ thấm dần theo tháng ngày, nuôi dưỡng tâm hồn, bồi đắp lý tưởng, giúp con cháu thêm nỗ lực rèn luyện, học tập, cống hiến cho xã hội. Và, không chỉ có những người con của cụ đã thành danh, được đứng trong hàng ngũ của Đảng, mà cả các cháu như TS Mai Tuyết Hoa (SN 1979), công tác tại khoa Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đang nỗ lực, tiếp nối truyền thống gia đình.

Trong niềm vui chung mừng Đảng quang vinh tròn 85 tuổi, cụ Phạm Thị Trinh có thêm niềm vui riêng. Vui vì gia đình nhỏ đã có thế hệ đảng viên thứ 3 nối tiếp; vui vì, ngoài cụ sẽ có các con, các cháu tiếp bước để giữ trọn lời thề son sắt: Mãi mãi trọn niềm tin, mãi mãi đi theo Đảng.

Bình Yên