Vấn nạn rượu bia
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:22, 16/02/2015
Gần Tết Nguyên đán, dịp xả hơi của người Việt sau một năm dài lao động vất vả, chuyện rượu bia được nêu ra ít nhiều mang tính cảnh báo. Nói vậy là bởi Tết nào cũng có chuyện người uống say gây tai nạn giao thông hoặc là nạn nhân của tai nạn giao thông. Như trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, sau một tuần nghỉ Tết, trên phạm vi cả nước xảy ra hơn 450 vụ tai nạn giao thông khiến gần 700 người chết và bị thương; điều đáng lưu ý là hơn 2/3 số vụ tai nạn nói trên có nguyên nhân liên quan đến việc uống rượu bia, một tỷ lệ rất cao.
Theo phân tích của chuyên gia xã hội học, "vấn nạn rượu bia" đem lại hậu quả tai hại cho cá nhân, gia đình và xã hội. Những cuộc khảo sát về vấn đề này cho ra bức tranh toàn cảnh, trong đó nổi lên một số điểm gây quan ngại. Thứ nhất, "văn hóa rượu" với nhiều người đã chuyển từ "thưởng rượu" sang "nhậu nhẹt", giờ là "uống tới bến" thay vì nhâm nhi tạo đà cho câu chuyện thêm đậm đà. "Tới bến" thì tất yếu phải say, từ đó dẫn tới hành vi lệch chuẩn, ứng xử thiếu chuẩn mực, làm khổ người khác. Thứ hai, khoản chi cho rượu bia rất lớn, đặc biệt là khi thói chơi sang đang ngự trị trong nhiều người, nhất là cư dân đô thị lớn. "Chất cay" trở thành "thực phẩm" hằng ngày, là quà biếu, là thứ không dễ thiếu trong đám hiếu hỷ của mọi nhà. Theo số liệu từng được báo chí dẫn lại thì mỗi năm, chỉ tính riêng bia, người Việt Nam tiêu thụ khoảng 3 tỷ lít, đứng đầu Đông Nam Á và nằm trong "tốp đầu" Châu Á, đó thực sự là gánh nặng tài chính không chính đáng của các hộ gia đình. Thứ ba, sự uống thiếu kiềm chế khiến con người dễ bị nghiện, cơ thể bị tổn thương, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và chất lượng lao động…
Tết Ất Mùi 2015 là dịp nghỉ ngơi dài, chuyện chúc tụng là không thể tránh, vấn đề là làm thế nào để giảm thiểu tác hại tất yếu có từ nạn lạm dụng rượu bia? Theo các chuyên gia xã hội học và tâm lý học, khi chuyện uống trong mỗi nhà được "mặc định" là chuyện riêng, việc điều chỉnh hành vi phụ thuộc vào khả năng tự ý thức vấn đề và tác động tích cực từ người thân. Về phương diện quản lý xã hội thì ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chủ yếu là về tác hại của sự uống quá đà, cơ quan chức năng cần phải kiên quyết duy trì chế độ kiểm tra, kiểm soát hành vi buôn bán, sản xuất, sử dụng rượu bia nhằm ngăn chặn hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng. Trong những ngày Tết, cần loại bỏ tâm lý nể nang, bỏ qua lỗi của người tham gia giao thông, đặc biệt là người điều khiển phương tiện khi đã sử dụng rượu bia quá mức cho phép. Sau Tết, các cơ quan, đơn vị cần tăng cường duy trì kỷ cương nhằm hạn chế hiện tượng bỏ việc đi chúc Tết, ăn nhậu say sưa…