Hà Nội - Nơi mang đến những trải nghiệm điện ảnh đầu tiên

Văn hóa - Ngày đăng : 06:38, 15/02/2015

(HNM) - Những năm qua, đạo diễn Síu Phạm đã trở thành một hiện tượng thú vị của điện ảnh Việt khi trình làng bộ phim độc lập ở tuổi 63 (“Đó... hay đây” năm 2011) và mới đây nhất là giải thưởng tại Chợ dự án Liên hoan phim quốc tế Hà Nội (HANIFF) lần thứ ba, nơi tập trung đa số gương mặt trẻ.



Định cư tại Thụy Sĩ và hiện vẫn đang rong ruổi trên những nẻo đường làm phim, trong Síu Phạm còn có một miền ký ức yên bình Hà Nội - nơi bà đã sinh ra và được trải nghiệm những phút giây kỳ diệu đầu tiên cùng điện ảnh... Nữ đạo diễn đã chia sẻ với bạn đọc Hànộimới những ký ức của bà.

Một cảnh trong phim “Đó... hay đây” của đạo diễn Síu Phạm.


- Thưa đạo diễn Síu Phạm, bà đang nghĩ tới điều gì vào dịp áp Tết Ất Mùi 2015 này?

- Thú thật hiện tôi chỉ tập trung vào dự án sắp tới là bộ phim thể nghiệm mang tên “Con đường trên núi”, phải làm sao sớm hoàn tất mọi việc để có thể khởi quay vào tháng 3-2015 ở Yên Bái cùng với êkíp và bạn bè mình. Tôi nghĩ mình sẽ có một cái Tết rất vui vì mọi người sẽ cùng vừa làm việc vừa ăn Tết. Và hẳn đây cũng sẽ là một cái Tết rất đặc biệt với tôi.

- Nữ đạo diễn Việt Linh có nói: Nghĩ tới nữ đạo diễn trẻ Nguyễn Hoàng Điệp, bà hy vọng vào tương lai điện ảnh Việt; nghĩ tới đạo diễn Síu Phạm, bà thêm lòng tin rằng điện ảnh không giới hạn tuổi tác? Bà có chia sẻ với nhận định này của đạo diễn Việt Linh?

- Tôi cảm ơn Việt Linh về nhận định của chị. Tôi vẫn nghĩ một tác phẩm nghệ thuật phải được xét trên giá trị nhân văn và quan điểm nghệ thuật trong sáng tạo. Nó phải mở ra những con đường mới về cảm quan, về nhận thức, về khả năng gây cảm xúc. Nghệ thuật tự nó không lệ thuộc vào tuổi tác.

- Làm phim độc lập ở tuổi ngoài 60, trước bà có lẽ đây là chuyện hiếm ở Việt Nam. Và làm thế nào để bắt tay vào công việc nhiều thử thách này?

- Tôi có nói với các em ở một workshop (xưởng thực hành) là khi bắt đầu “nhào vô” làm một phim mình phải áp dụng câu “không có cái dại nào giống cái dại nào”. Điều này thực tế đã giúp tôi hăng hái, tiếp tục đi vào những cái dại dột, khổ cực mới… để thử xem câu đó có đúng hay không… (cười).

- Xin được hỏi đạo diễn một câu ngoài điện ảnh, vì sao lại có cái tên “Síu Phạm?

- Tên thật của tôi là Nhung, được bố tôi đặt theo tên một cô hát ca trù ở phố Khâm Thiên… Mẹ tôi phản đối vì không muốn tên con gái mình lại mang tên một ả đào… (cười) và gọi tôi là Nhu, nghĩa là nhu mì. Nhưng vì tôi là con gái cưng của bố nên cả nhà lại gọi là Siu Si, chữ Hán là Tú, có nghĩa là đẹp… Từ đây mà gọi thành Síu và ghép với họ của tôi là Síu Phạm.

- Nghĩa là bà sinh ra ở Hà Nội. Vậy Hà Nội trong bà có điều gì ấn tượng?

- Đối với tôi, Hà Nội ấn tượng nhất ở sự thông minh và sức chịu đựng của con người. Thành phố Hà Nội rất đẹp vì có 4 mùa thay đổi, lòng người cũng theo mỗi mùa mà cảm nhận sâu sắc hơn về cuộc sống. Đó là điều mà không phải thành phố nào cũng có được. Tôi cũng muốn nói đến thần thái của Hà Nội với những nét đẹp cổ kính, những giá trị xưa cũ còn thấp thoáng ẩn hiện đâu đó...

- Hình như cũng chính ở Hà Nội, bà đã được làm quen với nghệ thuật thứ bảy?

- Vâng, tôi xem phim từ lúc hai tuổi ở Hà Nội. Không hiểu sao tôi còn nhớ rõ mồn một những cảnh trong phim “Magala, cô gái Ấn” của Bollywood Ấn Độ thời đó… Sau này, khi tôi vào sống ở Sài Gòn, bố tôi thường đến trường học, nói với hiệu trưởng là nhà có việc khẩn phải đón tôi về… nhưng thật ra hai bố con hý hửng đi xem phim (cười). Giờ đây, cứ mỗi lần nhắc nhớ đến những chuyện này, tôi lại ngậm ngùi nhớ bố, người đã gieo vào lòng tôi tình yêu nghệ thuật, cái đẹp.

- Cho dù một đứa trẻ có thể không nuôi ước mơ trở thành nghệ sĩ, nhưng theo bà, việc cha mẹ, gia đình cho trẻ tiếp cận với những tác phẩm điện ảnh (phù hợp) từ sớm có ích lợi gì không?

- Tôi nghĩ vấn đề quan trọng của phim ảnh là giáo dục thẩm mỹ… Nếu một em bé biết phân biệt cái đẹp, cái xấu, biết xúc động trước nỗi đau của người khác thì điều đó luôn cần thiết, cho dù sau này em bé đó làm gì. Tôi nhớ rất rõ khi xem phim “Không gia đình” dựng từ truyện của Hector Mallot, đến cảnh con khỉ bị chết dưới trời tuyết, hai bố con tôi khóc ròng… Lòng thương người, tính biết phân biệt phải trái, niềm tự hào trong lẽ sống và một cốt cách ngay thẳng... là những điều trẻ em cần được học. Rõ ràng, phim ảnh kinh điển có tính chất nghệ thuật cao sẽ ảnh hưởng tích cực và giúp trẻ học được những điều này.

- Ngoài bộ phim thể nghiệm “Con đường trên núi”, bà có thể nói gì thêm về dự án điện ảnh vừa đoạt giải tại HANIFF lần thứ ba vừa qua?

-Vâng, “Thiên đường bỏ ngỏ” đã được hội đồng tuyển lựa của Chợ dự án tại HANIFF 2014 chọn để trao một trong hai giải dự án xuất sắc. Việc được BHD - một hãng phim lớn trong nước và các giám khảo của các liên hoan phim ở Đức, Hàn Quốc, Pháp lựa chọn khiến tôi cảm thấy được an ủi rất nhiều sau một thời gian nỗ lực. Dự án hiện đang trong giai đoạn tìm kiếm hợp tác sản xuất và đầu tư.

- Cảm ơn đạo diễn Síu Phạm, chúc bà tiếp tục bền bỉ trên hành trình sáng tạo của mình!

Hải Giang