“Trận chiến” quyền lực

Thế giới - Ngày đăng : 06:25, 15/02/2015

(HNM) - Bất chấp tuyên bố của Nhà Trắng rằng, Tổng thống Barack Obama sẽ dùng quyền của người đứng đầu cơ quan hành pháp để phủ quyết, Quốc hội Mỹ đã thông qua quyết định cuối cùng cho phép xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL gây tranh cãi.

Dự án xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL gây trang cãi.


Hạ viện Mỹ đã phê chuẩn dự luật trên với tỷ lệ 270/152, qua đó cho phép Công ty Xây dựng TransCanada có thể ngay lập tức bắt đầu thi công dự án bị trì hoãn trong một thời gian dài. Trước đó, cuối tháng 1, Thượng viện Mỹ cũng đã bỏ phiếu thông qua dự luật gây nhiều tranh cãi này. Sự kiện này đánh dấu “trận chiến” đầu tiên giữa Quốc hội do phe Cộng hòa nắm toàn quyền kiểm soát với chính quyền trong lĩnh vực năng lượng và môi trường.

Dự án Keystone XL do Tập đoàn TransCanada Corp của Canada và Tập đoàn ConocoPhillips của Mỹ đề xuất năm 2008 với vốn đầu tư 8 tỷ USD. Với tổng chiều dài 3.462 km chạy qua 6 bang của nước Mỹ, tuyến đường ống này dự kiến được xây dựng theo hai giai đoạn. Khi hoàn tất, Keystone XL có thể vận chuyển 700.000 thùng dầu/ngày từ các mỏ dầu của Canada để cung cấp cho các nhà máy lọc dầu ở các bang bờ biển phía Nam nước Mỹ. Tuy nhiên, dự án này cũng gây nhiều tranh cãi trên chính trường Mỹ trong suốt 6 năm qua. Các nhà lập pháp của phe Cộng hòa coi việc thực hiện dự án là ưu tiên hàng đầu khi đảng này nắm quyền lãnh đạo lưỡng viện của Quốc hội Mỹ. Lý do được đưa ra là việc xây dựng đường ống sẽ giúp tạo ra hàng trăm nghìn việc làm mới cho người dân Mỹ cũng như giúp nền kinh tế đầu tàu thế giới giảm sự phụ thuộc vào nguồn dầu khí ở Trung Đông. Thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell tuyên bố, việc thông qua dự luật trên là một thành quả to lớn đối với nước Mỹ và Quốc hội “hy vọng tổng thống sẽ đồng ý ký ban hành thành luật".

Trong khi đó, các nghị sĩ Dân chủ cho rằng, dự luật này giống như một "món quà" dành cho công ty dầu khí nước ngoài và không mang lại mấy lợi ích cho người dân Mỹ vì phần lớn lượng dầu sẽ được xuất khẩu. "Đảng Cộng hòa liên tục bán mình cho các lợi ích đặc biệt của nước ngoài, không đếm xỉa tới tầng lớp trung lưu ở Mỹ", Thượng nghị sĩ Chuck Schumer của đảng Dân chủ tuyên bố. Trong khi đó, các tổ chức môi trường Mỹ và Canada lo ngại đường ống Keystone XL sẽ ảnh hưởng đến cảnh quan và phá hủy hệ sinh thái tại những khu vực mà nó đi qua cũng như làm gia tăng lượng khí thải toàn cầu. Trước đó, Tổng thống B.Obama đã nhiều lần khẳng định sẽ sử dụng quyền hạn đặc biệt của tổng thống để phủ quyết dự luật này nếu đảng Cộng hòa vẫn kiên quyết thông qua tại Quốc hội. Theo ông, dự án Keystone XL không phải là “ổ tạo việc làm” và cũng không giúp làm giảm giá khí đốt tự nhiên như đảng Cộng hòa tuyên bố. Hiện, dự luật nói trên đã được chuyển tới Nhà Trắng và Tổng thống B.Obama có 10 ngày để cân nhắc liệu có nên ký ban hành thành luật hay không.

Sau chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử giữa kỳ hồi cuối năm ngoái chưa bao lâu, đảng Cộng hòa đã nhanh chóng thông qua dự luật này. Điều này báo hiệu một cuộc “so găng” nảy lửa mới giữa hai nhánh lập pháp và hành pháp Mỹ cũng như dự báo một năm 2015 có nhiều sóng gió trên chính trường Mỹ. 

Kim Phượng