Những người không đợi Tết
Đời sống - Ngày đăng : 06:12, 15/02/2015
1. Bước chân vào xóm trọ khu vực Bệnh viện (BV) Nhi trung ương vào một chiều cận Tết, mỗi phòng trọ chỉ rộng chừng 8m2 nhưng chứa đến cả gia đình, hoặc bố, hoặc mẹ, ông bà và các bệnh nhi. Bên trong căn phòng, mọi vật dụng đều cũ kỹ, anh Nguyễn Thanh (ở huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) chia sẻ, xóm trọ này tập trung toàn trẻ con, đứa nào cũng mang trong mình ít nhất một căn bệnh nên chúng đều còi cọc, suy dinh dưỡng. Một đứa nhập viện là cả gia đình ông bà, bố mẹ phải kéo nhau ra đây thuê trọ để tiện việc chăm sóc.
Tết đến, Xuân về nhưng nhiều y, bác sĩ gần như không có thời gian sum họp với gia đình. |
Bón từng thìa cháo cho đứa con nhỏ mới 5 tháng tuổi, chị Lê Thị Mịn (ở Phú Thọ) kể, bé nhà tôi mắc bệnh đường ruột, phải nong hậu môn. Ban đầu nằm điều trị ở Khoa Tiêu hóa, sau khi các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cắt đi 20cm ruột, cháu được chuyển sang Khoa Hồi sức. Bây giờ, sức khỏe cháu tạm ổn nhưng vẫn phải thăm khám thường xuyên. Do vậy, mẹ con cháu chuyển ra xóm trọ gần BV để tiện việc khám bệnh và cũng đỡ phần nào tiền viện phí. "Giờ có lẽ tôi đã thuộc lòng hết tên các bác sĩ, y tá ở đây. Thậm chí, đến cả bà chủ quán cơm gần BV cũng nhớ mặt hai vợ chồng. Không biết bao giờ con tôi mới được đón Tết với cơ thể khỏe mạnh như bao đứa trẻ", chị Mịn buồn bã nói.
Giống với BV Nhi trung ương, tại khu vực gần BV Phụ sản trung ương, những ngõ nhỏ, phố nhỏ trên đường Tràng Thi, Phủ Doãn không biết từ bao giờ mọc lên hàng chục ngôi nhà 4, 5 tầng được ngăn đôi, ngăn ba, tận dụng tối đa diện tích để cho người nhà và bệnh nhân thuê trọ. Người thuê trọ ở đây chủ yếu là các sản phụ ở ngoại tỉnh mới sinh nhưng con đẻ non, hoặc gặp bệnh lý phải nằm trong lồng kính, điều trị tại BV. Các bà mẹ và người nhà đều phải thuê trọ ở khu vực này để tiện việc ra vào BV chăm con. Chị Thu Hương (ở Sơn La) nghẹn ngào khi nghĩ đến việc con đẻ non còn đang nằm lồng kính, bố mẹ thì phải lo từng bữa ăn, sinh hoạt, viện phí coi như mất Tết. Chỉ mong con sớm khỏe để ra viện, đoàn tụ với gia đình.
Về quê ăn Tết cũng là một điều quá xa xỉ của những người ở xóm chạy thận quanh BV Bạch Mai. Vì căn bệnh quái ác này không cho phép người bệnh rời xa BV quá 3 ngày. Những bệnh nhân ở các tỉnh lân cận Hà Nội chỉ tranh thủ về quê ăn Tết một ngày, hôm sau lại lên thành phố để tiếp tục chữa trị. Còn với những người ở xa thì đành ở lại ăn Tết nơi xóm trọ BV. Gắn bó với xóm trọ này khoảng 2 năm nay, ông Bùi Văn Hồng (59 tuổi ở Thái Bình) cho biết: "Bà nhà tôi bị viêm cầu thận hành hạ hơn 20 năm rồi. Nhưng 2 năm gần đây, bệnh trở nặng nên bà ấy phải lên BV chạy thận liên tục. Nhà xa, không đi lại được, vậy nên tôi và bà nhà ở luôn đây cho tiện. Bây giờ, trung bình mỗi tuần, nhà tôi phải chạy thận 3 lần. Không về được quê ăn Tết với con cháu nghĩ mà buồn...".
2. Không chỉ bệnh nhân nơi xóm trọ BV mà ngay cả những bác sĩ phụ trách việc ứng trực cấp cứu thì việc đón Giao thừa, đón Tết trong BV đối với họ giờ đã là chuyện bình thường.
Chia sẻ về chuyện trực Tết BV, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Khoa Cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới trung ương) nói: Với bệnh nhân họa hoằn lắm cũng chỉ phải đón Giao thừa ở BV một vài lần trong đời nhưng với các y, bác sĩ thì gần như đã là việc thường xuyên. Đêm Giao thừa và những ngày đầu năm mới mùng Một, mùng Hai Tết, họ luôn phải túc trực trong BV, sẵn sàng cấp cứu bệnh nhân. Thậm chí, những ngày Tết các y, bác sĩ trực phải làm việc nhiều hơn vì dù số ca điều trị giảm nhưng số ca cấp cứu lại tăng lên. Có năm, khi gần đến thời khắc bước vào năm mới có một bệnh nhân nặng cấp cứu, cần sự hỗ trợ của các bác sĩ. Mọi người lại cùng nhau cứu bệnh nhân mà quên cả Giao thừa. "Khi chọn nghề này, người thầy thuốc chấp nhận hy sinh nhiều thứ, trong đó có niềm vui đón năm mới bên gia đình, người thân", bác sĩ Nguyễn Trung Cấp chia sẻ.
Rút kinh nghiệm từ năm trước, năm nay, Khoa Thận nhân tạo (BV Bạch Mai) bố trí 100% y, bác sĩ trực Tết. TS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp của BV nhớ lại vào dịp Tết Giáp Ngọ, tại Khoa Thận nhân tạo, khi giảm bớt số y, bác sĩ trong những ngày nghỉ Tết thì xảy ra tình trạng, một số bệnh nhân sau khi về ăn Tết do ăn uống không điều độ nên bệnh chuyển biến nặng, phù phổi và nếu không được lọc thận ngay sẽ tử vong. Do đó, năm ngoái, BV đã phải giải quyết lọc thận cho những bệnh nhân tại Khoa Cấp cứu, Hồi sức… "Năm mới là dịp ai cũng muốn về quê thăm hỏi người thân, đoàn tụ với gia đình thế nên năm nay, trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, chúng tôi đã tổ chức những buổi tập huấn, tăng cường nâng cao tinh thần trách nhiệm trong mỗi y, bác sĩ tại Khoa Thận nhân tạo để dù không được nghỉ Tết nhưng họ vẫn cảm thấy thoải mái và hết lòng tận tâm vì người bệnh", TS Dương Đức Hùng cho biết.
Niềm vui đoàn tụ gia đình, bên người thân trong ngày Tết là điều ai cũng mong chờ sau một năm bận rộn. Thế nhưng khi nghĩ đến những cơn đau, giây phút chiến đấu với bệnh tật của bệnh nhân, những người thầy thuốc không thể hưởng niềm vui riêng tư đó. Món quà và niềm vui lớn nhất mỗi dịp Tết đến, xuân về của các bác sĩ chính là niềm vui và lời cảm ơn của các bệnh nhân đã được cứu chữa kịp thời.