Thị trường hoa Tết: Nhiều lựa chọn, giá lại "mềm"
Kinh tế - Ngày đăng : 09:23, 14/02/2015
Cúc Đại Đóa (miền Trung) được các chủ hàng "tập kết" về TP Hồ Chí Minh để bán Tết. |
Nhiều lựa chọn
Anh Lê Nhị Trùng Dương, chủ một quầy bán hoa Tết tại công viên Hoàng Văn Thụ (Tân Bình) cho biết, năm nay anh mở rộng tiêu thụ hoa cúc Pha Lê tại thị trường TP Hồ Chí Minh. Ngoài công viên Hoàng Văn Thụ, anh Dương còn bày bán tại công viên 23/9 (quận 1) và công viên Gia Định (Gò Vấp) với số lượng lên tới hàng nghìn chậu. Theo anh Dương, cúc Pha Lê là loài hoa khá hiếm, khó trồng nên giá cũng đắt hơn các loài cúc khác. Cụ thể, giá một cặp (hai chậu) dao động từ 700.000 - 1.200.000 đồng. "Mức giá này so với mọi năm là khá mềm, hoa đẹp, lâu tàn nên rất thích hợp để chưng trong mấy ngày Tết", anh Lê Nhị Trùng Dương chia sẻ. Còn anh Hòa, chủ một quầy cúc Đại Đóa cho biết, 3 giờ sáng ngày 11-2, hàng trăm chậu cúc Đại Đóa của anh từ miền Trung bắt đầu "cập bến" tại TP Hồ Chí Minh thông qua đường bộ. Được biết, mỗi cặp (hai chậu) cúc Đại Đóa có giá trung bình khoảng 1 triệu đồng. "Mức giá này tính ra không lời bao nhiêu, nhưng công sức bỏ ra rất nhiều, phải thức khuya dậy sớm, chăm chút tỉ mỉ như chăm con nhỏ", anh Hòa chia sẻ.
Theo quan sát của PV, từ ngày 23 Tết (11-2) nhiều chủng loại hoa Tết bắt đầu "tập kết" về nhiều địa điểm tại TP Hồ Chí Minh để tiêu thụ. Ngoài các công viên, hoa còn được các chủ hàng bày bán tại nhiều tuyến đường lớn khu vực trung tâm và ngoại thành thành phố như đường Nguyễn Văn Cừ (quận 5), đường 3/2 (quận 10), đường Trần Xuân Soạn (quận 7), đường Phạm Văn Đồng (Thủ Đức)... Chủng loại hoa Tết năm nay khá đa dạng, ngoài mai, cúc, vạn thọ, cát tường, xác pháo, yến thảo... còn có quất và hàng loạt cây kiểng khác như kiểng bông, kiểng lá, kiểng trái. Theo phần lớn các nhà vườn, thị trường hoa Tết năm nay nhìn chung được mùa. Giá cả năm nay cũng không tăng đột biến, chỉ tăng nhẹ từ 5 - 10% so với Tết năm ngoái. Mức tăng này chủ yếu là do giá nhân công, phân bón tăng.
Người tiêu dùng được lợi
Một điểm bán tắc miền Tây tại công viên Hoàng Văn Thụ (Tân Bình). |
Tại công viên Gia Định, chị Nga, chủ vườn hoa đến từ "vương quốc hoa" Đà Lạt (Lâm Đồng) cho biết, năm nay thời tiết thuận lợi, nhiều giống hoa phát triển tốt nên nguồn hoa phục vụ Tết khá dồi dào. Do đó, dự báo khả năng cạnh tranh đầu ra sẽ căng thẳng hơn. Để phục vụ thị trường mùa Tết Ất Mùi này, chỉ riêng Đà Lạt có gần 400 ha diện tích gieo trồng với sản lượng dự kiến khoảng hơn 100 triệu cành các loại. Chủng loại hoa đến từ Đà Lạt năm nay khá đa dạng như cúc, lan, ly ly, cẩm chướng, lay ơn, hoa hồng, sao vàng, cát tường... Theo chị Nga, nếu như mọi năm, thương lái đến tận vườn nhà chị để thu mua với giá khá tốt, thì năm nay, đầu ra khó khăn hơn. Thương lái không lùng sục thu mua như trước nữa nên nhiều chủ vườn phải chủ động thuê xe chở hoa xuống TP Hồ Chí Minh để bán lẻ. Theo tìm hiểu của PV, nhiều thương lái năm nay "nhàn" hơn so với Tết năm ngoái. Trao đổi với PV, một thương lái tên Thanh (chủ quầy hoa tại công viên 23/9) thẳng thắn chia sẻ: "Mọi năm, trước Tết một tháng chúng tôi phải chạy đôn, chạy đáo tìm đến các nhà vườn để đặt cọc trước vì sợ hút hàng. Còn năm nay, do nguồn cung hoa khá dồi dào nên tiêu thụ đến đâu, chúng tôi thu mua đến đấy". Một số thương lái khác cho biết, để tránh bị chủ vườn "thổi" giá, năm nay họ không thu mua sớm, không đặt hàng trước, mà chỉ thu mua theo đơn đặt hàng nên tránh được rủi ro và cắt giảm được một số chi phí như bảo quản, vận chuyển...
Năm nay, nhiều chủ vườn tại các tỉnh trực tiếp chuyên chở hoa lên TP Hồ Chí Minh để tiêu thụ. Tại Bến Bình Đông (quận 8), đây là nơi "tập kết" của các nhà vườn đến từ các tỉnh miền Tây như Bến Tre, Đồng Tháp, Tiền Giang... để bán lẻ. Ông Trần Văn Tâm, chủ vườn đến từ Bến Tre cho biết, nguồn cung ứng hoa Tết tại các tỉnh miền Tây khá dồi dào nhưng chất lượng chỉ đạt mức trung bình. Do đó, giá cả năm nay dự báo không có sự biến động lớn, một số chủng loại giá có tăng nhẹ, nhưng cũng có một số chủng loại giá lại giảm như mai, tắc kiểng. "Một chậu mai có dáng đẹp, bông đều có giá chỉ từ vài trăm nghìn đến dưới 1 triệu đồng", ông Tâm cho hay. Theo ghi nhận của PV, tại thời điểm này, sức tiêu thụ hoa Tết tại thị trường TP Hồ Chí Minh vẫn còn khá yếu ớt. Nhiều chủ vườn tại Bến Bình Đông phải "ủ" hoa ngay trên ghe bằng tấm che được kết bằng lá dừa nước để hoa kiểng không bị "xuống sắc" chờ đợi vài ngày nữa mới bung hàng. Ông Phan Văn Điền, chủ vườn đến từ Sa Đéc (Đồng Tháp) cho biết, ông bán hoa đến sáng 30 Tết mới dọn hàng về quê. "Chỉ mong bán được chút đỉnh kiếm tiền ăn Tết chứ thật sự không lời được bao nhiêu", ông Điền chia sẻ.
Có thể thấy, thị trường hoa Tết năm nay tại TP Hồ Chí Minh không nóng sốt so với mọi năm. Với túi tiền vừa phải, người tiêu dùng dễ dàng có được những chậu hoa, cây kiểng tô điểm cho ngôi nhà của mình để đón một cái Tết đầm ấm, vui vầy.