Vẫn có dịch vụ đổi tiền lẻ, máy ATM nghẽn mạng
Kinh tế - Ngày đăng : 08:17, 14/02/2015
Nhu cầu đổi tiền lẻ của người dân trong dịp Tết Nguyên đán là rất lớn. |
Tại khu vực góc phố Nguyễn Xí và Đinh Tiên Hoàng, nhiều người làm dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới vẫn rải rác bắt khách. Tỷ lệ đổi tiền ở đây khá cao, tùy thuộc vào từng loại. Với những loại bị coi là hiếm như tiền mệnh giá nhỏ từ 5.000 đồng trở xuống, tỷ lệ có thể là 10 ăn 7, tức là đổi 1 triệu chỉ thu được về 700 nghìn đồng. Những loại mệnh giá lớn hơn như 10 nghìn đồng, 20 nghìn đồng, tỷ lệ là 10 ăn 8. Với những loại tiền mới mệnh giá 100 nghìn đổng trở lên, tỷ lệ là 10 ăn 9. Trên các trang facebook cá nhân cũng tràn ngập dịch vụ đổi tiền lẻ, với phí không thấp. Tuy nhiên, dịch vụ này có vẻ không đắt khách vì hầu hết các ngân hàng thương mại đều cung ứng tiền để đổi cho khách hàng. Lãnh đạo một ngân hàng có cổ phần ở Hà Nội khẳng định, đối với những khách hàng có quan hệ tín dụng, ngân hàng tạo điều kiện cho họ được đổi tiền mới. Nhưng, do loại mệnh giá nhỏ, dưới 10.000 đồng không in mà chỉ tận dụng từ các kho, quỹ nên ngân hàng không đổi mệnh giá này, chỉ đổi cho khách hàng loại từ 10 nghìn đồng trở lên. Trước cửa các đền, chùa cũng chỉ còn một vài điểm đổi tiền lẻ. Loại được đổi là tiền cũ đã được sử dụng, với mệnh giá từ 10 nghìn đồng trở xuống. Ở các đền, chùa, tiền lẻ vẫn được để rải rác khắp nơi, song cũng có những người sử dụng tiền mệnh giá lớn hơn để công đức.
Về hoạt động của hệ thống máy ATM, cũng như mọi năm, thời điểm cận Tết, máy thường rơi vào tình trạng nghẽn do lượng giao dịch quá tải, nhất là ở các KCN. Mặc dù các ngân hàng đều tăng lượng tiền và thường xuyên cho xe nạp tiền cho máy, nhưng đôi khi vẫn xảy ra nghẽn mạng. Tuy nhiên, khác với nhiều năm trước, sau khi có quy định để máy không có tiền sẽ bị phạt, nhiều ngân hàng đã chỉ đạo sát sao hệ thống ATM hơn. Chẳng hạn tại các KCN ở Bắc Ninh có khoảng 174.000 lao động với 66 ATM, ngân hàng đều đặt đường dây nóng để hỗ trợ 24/24h. Còn ở KCN Đông Anh, bà Trần Thị Phương Thanh, Giám đốc Phòng giao dịch Agribank Kim Chung cho biết, vào dịp Tết, nhu cầu sử dụng ATM tăng cao so với bình thường. Để bảo đảm ATM thông suốt, ngân hàng cử nhân sự tính toán dựa vào số tiền đã chi trả cho công nhân và căn cứ vào đó để lên kế hoạch tiếp quỹ cho máy, thậm chí có ngày phải tiếp quỹ 8 lần. Tuy vậy, không tránh khỏi vẫn có lúc hết tiền vì lượng công nhân quá lớn. Riêng với Agribank có hơn 20 doanh nghiệp (DN) sử dụng dịch vụ chi trả lương qua tài khoản cho 55.000 công nhân, trong khi chỉ có 4 máy ATM, vì vậy có những thời điểm phải chi trả tại quầy cho công nhân. Ông Nguyễn Văn Chung, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Bắc Ninh khẳng định, NHNN đã yêu cầu các ngân hàng trên địa bàn cung ứng tiền, cũng như cung cấp dịch vụ ATM nhằm bảo đảm hoạt động của ngân hàng cũng như người sử dụng dịch vụ. Khi có thông tin về việc ATM hết tiền, ùn ứ, yêu cầu các ngân hàng cho khách hàng rút tiền tại quầy. Vào những lúc cao điểm, các ngân hàng thường xuyên tiếp quỹ, nhất là những ngày DN trả lương. Việc tăng thêm số lượng cây ATM không quan trọng, mà cần thiết phải cung ứng đủ lượng tiền tại máy.
Nghẽn ATM vẫn xảy ra ở các KCN, nhưng ở các quận nội thành, đặc biệt là ở các phố trung tâm như Lê Thái Tổ, Lý Thái Tổ… tình trạng này hiếm xảy ra, do người rút tiền đến các máy ATM rải rác. Lượng người xếp hàng dài ở các cây ATM cũng không còn xảy ra. Lãnh đạo các ngân hàng cho rằng, do các cơ quan, DN chi trả lương, thưởng không cùng thời điểm, nên người đi rút tiền cũng chủ động hơn. Đó là chưa kể một số đơn vị chi thưởng bằng tiền mặt, để tránh tình trạng nhân viên phải chen chân ở cây ATM vào thời điểm cận Tết, góp phần giảm tải cho hệ thống ATM.