Gian nan hành trình về nhà

Đời sống - Ngày đăng : 07:01, 13/02/2015

(HNM) - Tắc đường lỡ tàu xe, không có vé về quê, bắt xe

Mỗi lần về quê ăn Tết, người lao động lại khổ sở vì tàu xe.



Có mặt tại ga Sài Gòn lúc 7h sáng, chị Nguyễn Thị Trúc Ly (quê Nam Định) ngồi vật vờ trước cổng ga giữa cái nắng chói chang của TP Hồ Chí Minh. "Có vé đi đã quý lắm rồi, chứ mỗi lần về quê ăn Tết vất vả quá anh ạ. Chỉ chuyện di chuyển từ Bình Dương lên đến ga Sài Gòn cũng đã mệt mỏi lắm vì phải dậy từ 4h sáng vì sợ tắc đường. Tới ga 7h nhưng rồi lại phải chờ tới 13h tàu mới khởi hành. Tóm lại là vợ chồng con cái tôi phải "hành xác" 9 tiếng đồng hồ mới lên được tàu, chưa nói còn phải chịu đựng thêm 2 đêm 3 ngày mới về tới Nam Định" - chị Ly ngao ngán.

Cùng cảnh ngộ với chị Ly, chị Mai Tú Uyên (công tác tại Bệnh viện ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh) không khỏi bức xúc khi nói về chuyện đổi vé tàu: "Tôi đi tàu SE16 (loại tàu chậm - PV) nhưng do được về ngắn ngày nên giờ muốn đổi tàu SE6 hoặc SE8 cho nhanh hơn nhưng không dưới 5 lần đổi vé vẫn bất thành. Đó là chưa nói chờ mãi cũng chỉ mua được ghế phụ và buộc phải mua về ga Vinh (Nghệ An), thay vì về ga Đồng Hới (Quảng Bình)". Chị Uyên cũng cho biết thêm, chị đã chờ tại ga hơn 5 tiếng đồng hồ để tìm người đổi vé phù hợp. Thế nhưng không những không đổi được vé mà còn nhận được thái độ đối xử không đúng mực của nhân viên ga tàu.


Không chỉ vậy, nhiều hành khách đã bị lỡ tàu do đến chậm dẫn đến cảnh "dở khóc dở cười". Đơn cử như anh Trần Văn Đức (quê Thanh Hóa) mua vé tàu SE8 lúc 11h54 nhưng do tắc đường, khi anh đến được ga đã gần 13h chiều. Anh Đức cho biết, dù đã đi từ 5h sáng từ Bình Dương lên ga Sài Gòn nhưng do di chuyển bằng xe buýt, cộng với cửa ngõ Đông Bắc hướng về trung tâm TP Hồ Chí Minh tắc đường nên anh cũng đến ga muộn hơn 30 phút …

Cám cảnh hơn, tại bến xe Miền Đông, nhiều hành khách ở các tỉnh lân cận, vì cách bến xe đến cả chục cây số nên phải đi lại nhiều ngày nay vẫn không mua được vé. "Tôi ở Đồng Nai lặn lội lên đây từ mấy ngày nay nhưng vé không có, trong khi "cò vé" thì rao nhan nhản nhưng không dám mua vì sợ bị lừa. Mấy ngày đi "săn" vé đều phải mượn người thay ca hoặc xin nghỉ làm mà cuối cùng vẫn "xôi hỏng bỏng không" - anh Từ Xuân Khoa (quê ở Quảng Ngãi) cho biết. Cùng chung cảnh ngộ, chị Nguyễn Thị Thanh (quê Quảng Trị), làm công nhân tại Công ty May H.T (quận Tân Bình) cho biết, do không chủ động được thời gian nghỉ nên chị Thanh chưa có vé về quê. Vì vậy, nếu không mua được vé tại bến, chị sẽ phải bắt xe "dù" ngoài quốc lộ.

Cũng theo ghi nhận, tại khu vực cầu vượt Bình Phước, Sóng Thần, cây xăng Huệ Thiên (quốc lộ 13); trước cổng Suối Tiên (quận 9); cửa ngõ phía Tây, dọc tuyến đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân), quốc lộ 1 (huyện Bình Chánh)… xe "dù", bến "cóc" hoạt động rầm rộ và công khai. Trong khi đó, hàng nghìn người lao động do không mua được vé đã tập trung tại các điểm "nóng" này để bắt xe dọc đường về quê. Cũng vì thế, các nhà xe đã đua tốc độ, lạng lách, tranh giành khách, gây nên cảnh nhốn nháo, mất trật tự, an toàn giao thông dọc đường.

Hà Phạm