Viện Hàn lâm Nga tôn vinh một doanh nhân nữ Việt Nam

Đời sống - Ngày đăng : 18:57, 11/02/2015

(HNMO) - Chiều 11-2, Viện Hàn lâm quốc tế về các nghiên cứu hệ thống (IASS) của Liên bang Nga đã trao danh hiệu Viện sĩ có thành tích xuất sắc giai đoạn 2004-2014 cho bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC).


Ông Igor trao giải thưởng cho bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn.


Trao phần thưởng này cho bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, ông Igor Dorokhov, Viện trưởng Viện Hàn lâm quốc tế về nghiên cứu hệ thống khẳng định, trong 10 năm qua, bà đã có thành tích xuất sắc trong việc khảo sát đánh giá thực tế và tổ chức ứng dụng công nghệ vào đời sống đất nước Việt Nam. Trong đó, nổi bật là việc ứng dụng công nghệ mới vào xử lý nước thải, làm sạch đất nông nghiệp tồn dư thuốc trừ sâu, dioxin, ứng dụng năng lượng mới trên cơ sở từ trường...

Phát biểu tại buổi lễ, Trưởng Ban đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên đều đánh giá cao giải thưởng này; đây không chỉ là vinh dự cá nhân bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn mà còn của đội ngũ doanh nhân nữ Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn tốt nghiệp Đại học Sư phạm,  Đại học Ngoại ngữ, Đại học Ngoại thương, Thạc sỹ Quản trị kinh doanh do Đại học LaTrober (Australia), sử dụng thông thạo tiếng Anh, Trung, Nga và tiếng Nhật.

Công ty CP Tiến bộ Quốc tế được xem là đơn vị đi tiên phong trong các lĩnh vực y tế, môi trường và giáo dục, đào tạo, đồng hành cùng các đề án lớn như Đề án ngoại ngữ quốc gia, đề án đổi mới dạy nghề, Đề án đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo. tâm huyết với các hoạt động đổi mới giáo dục và đào tạo, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào Việt Nam, nghiên cứu xử lý môi trường và trang thiết bị y tế. Công ty đã ký kết các hợp tác với các tập đoàn hàng đầu trên thế giới ở 36 quốc gia và vùng lãnh thổ, đã được Bộ Giáo dục Đào tạo Việt Nam đồng ý để triển khai các chương trình ứng dụng khoa học công nghệ vào giáo dục với Nhà Xuất bản Giáo dục, ký hợp tác chiến lược với viện hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam, với Viện hàn lâm KHCN Nga, ký hợp tác chiến lược với đại học quốc gia Hà Nội. Công ty cũng hợp tác với Đài truyền hình Việt Nam trong việc triển khai xây dựng kênh truyền hình riêng cho giáo dục để có thể đưa các chương trình đổi mới giáo dục đến cho từng người dân nghèo Việt Nam ở các vùng sâu, vùng xa, miền núi hải đảo từ đó trình lên các cấp có thẩm quyền phê duyệt...

Quốc Bình