Lễ hội xuân Ất Mùi: Sẽ có nhiều thay đổi?
Văn hóa - Ngày đăng : 06:35, 11/02/2015
Hội Gióng ở Đền Sóc (Hà Nội). |
Khôi phục nét văn hóa truyền thống
Nói đến lễ khai ấn Đền Trần (Nam Định) những năm trước, mọi người thường chỉ quan tâm đến số lượng ấn sẽ được phát ra và làm cách nào để "xin" được nhiều ấn nhất nhằm mục đích cầu may, thăng quan, tiến chức. Năm nay, cùng với việc hạn chế ấn "ngoài luồng", BTC lễ hội duy trì lễ rước nước, tế cá (đã khôi phục năm 2014), tiếp tục phục dựng lễ rước kiệu Ngọc Lộ giúp người dân và du khách được sống trong không khí của lễ hội. Như thường lệ, nghi thức lễ khai ấn Đền Trần diễn ra vào đêm 14 tháng Giêng tại sân đền Thiên Trường do các cụ cao niên thực hiện. Trong thời gian lễ khai ấn diễn ra, đền Thiên Trường sẽ đóng cửa để bảo đảm an ninh, trật tự và mở cửa trở lại từ 23h55 đón người dân và du khách vào hành lễ. Thời gian phát ấn cho người dân và du khách bắt đầu từ 6h ngày 15 tháng Giêng (sớm hơn một tiếng so với những năm trước) và kéo dài đến 20 tháng Giêng.
Không nằm ngoài mục đích để người dân được sống trong bầu không khí thực sự của lễ hội, Hội Gióng ở Đền Sóc (Hà Nội) sẽ có đoàn rước cầu húc của thôn Xuân Dục (xã Tân Minh) và đoàn rước biểu tượng ngựa sắt của thôn Phù Mã (xã Phù Linh) mới được khôi phục sau khi Hội Gióng được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, nâng số đoàn rước lễ vật dâng đức Thánh trong lễ Hội Gióng lên 8 đoàn cùng một số trò chơi dân gian khác. Tại lễ hội chùa Hương thuộc huyện Mỹ Đức (Hà Nội), BTC bố trí thuyền hát dân ca dọc suối Yến trong những ngày lễ hội diễn ra; đồng thời huy động người dân địa phương múa lân, rồng trong ngày khai hội… Dự kiến, lễ rước Chúa gái thuộc thị trấn Hùng Sơn (huyện Lâm Thao) và các trò chơi dân gian gắn liền với các truyền thuyết về Vua Hùng như: Săn lợn chạy đích, tế sóc, trình voi ngựa… sẽ diễn ra trong khuôn khổ Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2015. Ngoài ra, các lễ hội lớn như: Hội Lim (Bắc Ninh), Yên Tử (Quảng Ninh), Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương), Tây Thiên (Vĩnh Phúc), Đền Trần (Thái Bình)… cũng sẽ giới thiệu và tái hiện nhiều nét văn hóa dân gian trong lễ hội đầu xuân.
Siết chặt quản lý
Song song với việc khôi phục nét văn hóa dân gian giúp người dân thấy được cái hay, nét đẹp của lễ hội, trước mùa lễ hội diễn ra, các cơ quan quản lý văn hóa, chính quyền các địa phương đã chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với BTC các lễ hội nhằm ngăn chặn kịp thời những "biến tướng" có thể xảy ra.
Lâu nay, chuyện đốt vàng mã quá nhiều ở đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), gây lãng phí hàng tỷ đồng luôn là vấn đề "nóng" trong đời sống tín ngưỡng, tôn giáo. Kết quả điều tra xã hội học cho thấy, 31,4% số người được hỏi cho rằng việc đốt vàng mã, đồ mã ở đền Bà Chúa Kho là nhiều, 27,1% không có ý kiến, trong khi chỉ có 16,3% cho rằng đó là chuyện bình thường. Đáng nói hơn, hầu hết người được hỏi không hề biết về quy định cấm đốt đồ mã nơi công cộng theo Nghị định 158 của Thủ tướng Chính phủ, họ đốt vì tâm lý "thấy người ta làm thế mình cũng làm"… Trước thực trạng đó, năm 2014, Bộ VH-TT&DL đã giao Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia nghiên cứu, xây dựng đề án về việc hạn chế đốt vàng mã tại di tích, thí điểm tại đền Bà Chúa Kho. Trong điều kiện đề án đặc thù trên chưa hoàn thiện, trước mắt các cơ quan hữu quan của TP Bắc Ninh (Bắc Ninh) sẽ dùng hệ thống loa truyền thanh để tuyên truyền, đồng thời bố trí người trực ở các lò hóa mã nhắc nhở người dân hạn chế đốt vàng mã trong suốt mùa xuân hội. Thế nhưng, những giải pháp tình thế này có mang lại hiệu quả như mong muốn hay không thì chính lãnh đạo Sở VH-TT&DL Bắc Ninh cũng chưa thể khẳng định.
Nhức nhối không kém là chuyện phân công người quản lý, trông coi di tích và việc sử dụng tiền công đức thế nào cho hợp lý ở di tích Phủ Dầy, huyện Vụ Bản (Nam Định). Vì lẽ đó, ngày 6-1-2015, huyện Vụ Bản đã ban hành "Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị quần thể di tích lịch sử văn hóa Phủ Dầy" theo hướng giao cho cộng đồng là chủ thể văn hóa, trực tiếp tham gia quản lý di tích, thực hành lễ hội, tránh tư nhân hóa di tích. Trên tinh thần đó, thủ nhang ở Phủ Dầy phải có hộ khẩu thường trú tại nơi có di tích, được nhân dân nơi cư trú tín nhiệm và UBND xã sở tại công nhận, ký hợp đồng quản lý trong thời hạn 5 năm… Tuy nhiên, những quy định trên đã gây ra luồng ý kiến trái chiều suốt thời gian qua, vì họ cho rằng làm như thế, huyện Vụ Bản đã phủ định công sức của một số người gắn bó với di tích nhiều năm qua. Về vấn đề này, đại diện chính quyền huyện Vụ Bản khẳng định, việc ban hành quy chế quản lý đối với di tích Phủ Dầy là cần thiết. Quy chế trên không nhằm mục đích thay thế các thủ nhang, đồng đền hiện nay, những người có nguyện vọng tiếp tục quản lý di tích chỉ cần làm đơn và cam kết thực hiện đúng các quy định hiện hành. Từ góc độ này, công chúng hy vọng, quy chế sẽ không rơi vào tình trạng "đầu voi, đuôi chuột" để lễ hội Phủ Dầy xuân Ất Mùi giảm bớt những điều "chướng tai, gai mắt".
Trên bình diện chung, các cơ quan hữu quan cũng đã có văn bản yêu cầu các địa phương không để xảy ra hoạt động đổi tiền mệnh giá nhỏ hưởng chênh lệch tại các di tích, lễ hội; không tự ý tiếp nhận đồ thờ tự bằng hiện vật; từng bước đưa hiện vật không phù hợp ra khỏi di tích, lễ hội… Chủ trương này được hầu hết các địa phương hưởng ứng, xây dựng giải pháp thực hiện.