Quản lý dân cư: Tránh sự chồng chéo
Đời sống - Ngày đăng : 06:42, 10/02/2015
Theo kết quả hệ thống hóa các TTHC, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư, hiện tại có 2.705 TTHC có yêu cầu các thông tin cơ bản về công dân (1.490 TTHC có mẫu đơn, 831 TTHC có tờ khai, còn lại là các TTHC sử dụng các thông tin tại các thành phần hồ sơ là giấy tờ công dân); 1.211 giấy tờ là kết quả giải quyết của TTHC có chứa các thông tin cơ bản của công dân; 71 cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành có thông tin cơ bản của công dân trong tổng số 608 văn bản quy phạm pháp luật. Trên cơ sở hệ thống hóa này và với việc Luật Căn cước công dân đã được Quốc hội thông qua, các bộ, ngành, cơ quan sẽ thực hiện rà soát để đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân.
Có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý nhân khẩu. Ảnh: Thái Hiền |
Bàn về vai trò quan trọng của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Văn Sinh khẳng định, cơ sở dữ liệu này không thể không làm, vì không làm thì lãng phí xã hội sẽ ngày càng lớn. Ông Đỗ Văn Sinh cho biết: BHXH Việt Nam đang quản lý thông tin của khoảng 72% dân số cả nước, số dân còn lại nếu không được quản lý thì dữ liệu cứ phải làm lặp đi lặp lại ở các đơn vị nên việc triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư càng làm nhanh càng tốt. Chẳng hạn, mỗi năm có 1 triệu trẻ em sinh ra, cơ quan bảo hiểm mất 10 tỷ đồng để cấp thẻ bảo hiểm y tế. Nếu có số định danh cá nhân thì BHXH lấy số đó làm căn cứ để cấp luôn. Hiện nay, việc nhập dữ liệu mới phải trả 10.000 đồng/tờ khai. Nếu 30 triệu người phải cấp mới thì sẽ tiêu tốn khoảng 300 tỷ đồng, gây lãng phí rất lớn.
Trong năm 2014, các cơ sở pháp lý để xây dựng, quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cấp số định danh cá nhân tiếp tục được hoàn thiện. Việc Quốc hội thông qua Luật Căn cước công dân và Luật Hộ tịch được coi là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc triển khai Đề án 896. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Chánh Văn phòng BCĐ Đề án 896 Đinh Trung Tụng cho biết: "Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an chủ trì đến nay chưa được phê duyệt do chưa tìm được nguồn vốn". Thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cũng khẳng định: "Bộ Công an đã chuẩn bị xong nội dung, chỉ chờ nguồn kinh phí để thực hiện đề án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp số định danh cá nhân. Số tiền ước tính để thực hiện đề án là khoảng 3.400 tỷ đồng".
Tuy nhiên, một số thành viên BCĐ Đề án 896 cho rằng, theo đề án Bộ Công an xây dựng sẽ cần đầu tư 11.000 máy tính cho 11.000 xã trên cả nước. Cùng với đó là hệ thống máy tính cho các huyện, tỉnh... thì rất tốn kém. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng: "Việc thực hiện thành công Luật Hộ tịch và Luật Căn cước công dân là yếu tố quan trọng quyết định thành công của Đề án 896. Song, nếu tới ngày 1-1-2016, chưa có nghị định hướng dẫn thì rất khó triển khai hai văn bản nói trên". Một vấn đề nữa mà Bộ trưởng Hà Hùng Cường đang băn khoăn là đề án Cơ sở dữ liệu thống kê tổng hợp về dân số mới được giao cho Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) thực hiện liệu có chồng lấn hay không. Đồng tình quan điểm này, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Kiều Đình Thụ cũng cho rằng đây là vấn đề cần bàn bạc để tránh sự chồng chéo, lãng phí.
Tại cuộc họp BCĐ Đề án 896 mới đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng BCĐ đề án đề nghị Bộ Công an cần phối hợp chặt chẽ với Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính tìm nguồn vốn xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Phó Thủ tướng cũng đề cập đến việc xã hội hóa, thuê dịch vụ nhưng phải bảo đảm an ninh...
Theo kế hoạch, đầu năm 2016 là thời hạn trình Thủ tướng Chính phủ Nghị quyết về đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định: "Chậm nhất là tháng 3-2015 phải trình dự án tiền khả thi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì mới kịp triển khai thực hiện". Vì vậy, các bộ, ngành cần có sự bàn bạc thấu đáo, thống nhất được phương án khả thi nhất để triển khai thực hiện, bảo đảm đúng tiến độ.