Sớm nắm bắt "cơ hội vàng"!

Thể thao - Ngày đăng : 06:36, 10/02/2015

(HNM) - Việc nước chủ nhà ASIAD 18 Indonesia đưa Pencak Silat vào chương trình thi đấu của kỳ Á vận hội năm 2018 đang mở thêm cơ hội giành HCV ASIAD cho Thể thao Việt Nam (TTVN), bởi đây vốn là môn Việt Nam có nhiều thế mạnh.


Tuy nhiên, sau một thời gian dài không được đưa vào nhóm môn trọng điểm, Pencak Silat đang rất cần sự đầu tư chuyên sâu trong xây dựng lực lượng, nhắm đích giành HCV ASIAD. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với HLV Trần Thị Thu Hương, Chủ nhiệm Bộ môn Pencak Silat Hà Nội - đơn vị chủ lực của Pencak Silat Việt Nam để làm rõ hơn vấn đề này.


Các VĐV Hà Nội thi đấu nội dung biểu diễn môn Pencak Silat. Ảnh: Anh Khôi


- Thưa bà, là đơn vị mạnh của bộ môn này tại Việt Nam, phản ứng của Pencak Silat Hà Nội thế nào sau khi có thông tin môn này được đưa vào chương trình thi đấu của ASIAD 18?

- Có thể gói gọn trong mấy từ là: Mừng vui và hy vọng. Mừng, vì đây là lần đầu tiên môn này được đưa vào đấu trường thể thao tầm cỡ nhất châu lục. Hy vọng, bởi với truyền thống và vị thế của Pencak Silat Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có thể lần đầu tiên mơ đến việc giành HCV Á vận hội. Chính vì vậy, ngay sau khi có thông tin về việc Pencak Silat có trong chương trình thi đấu của ASIAD 18, lãnh đạo ngành TDTT Thủ đô đã yêu cầu Bộ môn Pencak Silat Hà Nội nghiên cứu kỹ phương án xây dựng lực lượng VĐV trọng điểm, nhắm đích giành HCV.

- Pencak Silat Hà Nội vừa giành ngôi vị Nhất toàn đoàn tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 7-2014. Cũng trong năm 2014, các võ sĩ Hà Nội trong thành phần đội tuyển Pencak Silat quốc gia cũng đã gặt hái nhiều HCV ở Giải Vô địch trẻ thế giới. Như vậy, dù có thời gian dài không được xếp vào nhóm môn trọng điểm, nhưng Pencak Silat vẫn có đủ lực lượng giành HCV ASIAD?

- Giành HCV giải trẻ, giải Vô địch thế giới đơn môn là một chuyện. Giành HCV ở một đại hội TDTT tầm cỡ lớn nhất châu lục lại là chuyện khác hẳn, và đối thủ cạnh tranh số 1, như mọi khi, vẫn là Indonesia - nước chủ nhà, cũng là nơi sản sinh ra môn võ này. Như vậy có thể thấy, muốn giành HCV ASIAD phải có sự đột phá trong khâu đầu tư và sự chuẩn bị kỹ lưỡng, càng sớm càng tốt.

Pencak Silat Hà Nội hiện có đủ 3 tuyến VĐV với lực lượng hùng hậu. Tuyến 1 (đội tuyển) gồm 26 võ sĩ, trong đó có tới 12 võ sĩ và 1 HLV nằm trong thành phần đội tuyển quốc gia. Tuyến trẻ có 28 em thuộc lứa từ 13 đến 17 tuổi. Tuyến năng khiếu gồm 20-25 em thường xuyên tập huấn tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội, chưa kể các lớp năng khiếu ở 5 quận, huyện, gồm Hoàn Kiếm, Phú Xuyên, Hoài Đức, Quốc Oai, Chương Mỹ (15 em/lớp). Nghĩa là chúng tôi luôn sẵn sàng lực lượng, chỉ cần tăng cường đầu tư chuyên sâu cho các VĐV giỏi nhất là chúng ta có thể nuôi tham vọng giành HCV ASIAD.

- Bà có thể nói rõ hơn về hướng đầu tư chuyên sâu, nên tập trung vào những vấn đề cốt yếu nào nhất?

- Cốt yếu nhất vẫn là có chương trình tập huấn dài hạn tại nước ngoài của VĐV. Đây là một khó khăn lớn mà Bộ môn Pencak Silat Hà Nội rất cần nhận được sự quan tâm. Năm 2015, chúng tôi chỉ được duyệt cho 20 VĐV tập huấn trong vòng 30 ngày, chắc chắn không thể đủ thời gian cho các em nâng cao thành tích. Nếu không thể giải quyết khó khăn về kinh phí, tôi mong có thể điều chỉnh chỉ tập huấn cho 10 VĐV trong 2 tháng, như vậy sẽ có hiệu quả hơn.

- Chúng ta không thiếu cơ sở tập luyện, trang thiết bị, tại sao cứ phải tập huấn nước ngoài mới hiệu quả?

- Theo kế hoạch, chúng tôi dự định bố trí một HLV cùng các VĐV tập huấn dài hạn tại Indonesia dưới sự hỗ trợ của một chuyên gia giỏi của Liên đoàn Pencak Silat nước này. Vị chuyên gia này từng huấn luyện Pencak Silat Hà Nội từ năm 2007 đến 2011, giúp các võ sĩ của ta gặt hái nhiều HCV thế giới, đặc biệt là 4 HCV Giải Vô địch thế giới năm 2007. Sau này, phần vì cá nhân bận việc nhà, phần vì phía bạn cũng không muốn đưa các chuyên gia giỏi nhất của họ sang Việt Nam nên Pencak Silat thường xuyên trong tình trạng thiếu chuyên gia. Chính vì vậy, việc đưa quân sang tập huấn tại Indonesia sẽ giải quyết được cái khó mang tính chất đặc thù này.

Thêm nữa, tập huấn tại Indonesia, chúng ta cũng sẽ có nhiều "quân xanh" để rèn tập hơn. Bởi với các môn võ, nói nôm na là "phải đánh nhau nhiều mới lên tay, lên chân" được.

- Cảm ơn bà về cuộc trao đổi.

Mai Hoa