Giá hàng hóa sẽ không tăng cao!

Xã hội - Ngày đăng : 06:13, 09/02/2015

(HNM) - Giá xăng dầu liên tục giảm do ảnh hưởng của việc giảm giá dầu trên thị trường quốc tế. Đây là hiện tượng hiếm trong nhiều năm qua và tạo ra những tác động đáng kể với đời sống KT-XH. Tuy nhiên, hiện còn có những ý kiến đa chiều.



PV Báo Hànộimới đã trao đổi với bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê, về vấn đề này.

- Bà có thể cho biết ảnh hưởng của giá nhiên liệu đối với chỉ số giá tiêu dùng (CPI)?

- Giá xăng dầu tác động cả trực tiếp cũng như gián tiếp đến CPI, qua đó tác động đến nền kinh tế. Giá xăng dầu giảm sẽ kéo theo việc giảm giá của dịch vụ vận tải nói chung cũng như những ngành, lĩnh vực dù không trực tiếp sử dụng nhiên liệu vì giá thành của sản phẩm vẫn phải chịu chi phí nhiên liệu thông qua hoạt động vận chuyển, phân phối. Theo tính toán của chúng tôi, nếu giá xăng dầu giảm 10% thì CPI sẽ giảm từ 0,5 đến 0,55 điểm phần trăm. Hiện tại, giá xăng RON 92 chỉ còn 15.670 đồng, giảm 2.210 đồng so với thời điểm đầu năm, tức giảm khoảng 13%; giá dầu diesel chỉ còn 15.170 đồng, giảm 1.820 đồng, giảm hơn 10% nên tính chung lại thì đợt giảm giá xăng dầu ngày 21-1-2015 sẽ làm CPI giảm khoảng 0,6 đến 0,64 điểm phần trăm.

Giá xăng dầu giảm, các mặt hàng thực phẩm thiết yếu cũng giảm giá theo. Ảnh: Phương An


- Một số ý kiến quan ngại, nếu giá xăng dầu cứ giảm tiếp thì CPI năm nay sẽ rất thấp, mà CPI thấp sẽ tác động bất lợi đối với tăng trưởng kinh tế. Bà có nhận xét gì về vấn đề này?

- Như tôi đã nói, nếu giá xăng dầu giảm thì CPI giảm theo ở mức tương ứng. Tất nhiên, chưa thể tính hết những vấn đề đột xuất như thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh hay các yếu tố đầu vào khác của nền kinh tế khi bị tác động bởi kinh tế thế giới. Trong trường hợp không có gì biến động mà giá dầu tiếp tục giảm sâu thì rất có thể CPI cả năm 2015 sẽ ở mức thấp hơn nhiều so với mức 5% như chỉ tiêu đã đề ra. Khi CPI tăng ở mức độ vừa phải sẽ tác động tích cực đến GDP, khiến GDP tăng và ngược lại. Nhưng thực ra giữa tăng/giảm CPI và tăng/giảm GDP không có mối liên hệ với nhau. Cũng có ý kiến cho là, CPI giảm là hiện tượng giảm phát, nhưng hiểu như vậy cũng chưa đúng. Bởi, sự giảm phát của nền kinh tế còn dựa trên nhiều yếu tố khác như hàng tồn kho cao; sản xuất đình đốn; doanh nghiệp (DN) phá sản, giải thể, ngừng hoạt động hàng loạt; xuất khẩu giảm…

Trên thực tế, khi thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế năm 2015, nền kinh tế đứng trước nhiều yếu tố khả quan hiệu ứng tích cực từ năm cũ trong bối cảnh như vậy, nếu CPI giảm thấp hơn hẳn so với mục tiêu chỉ hoàn toàn là do giá xăng dầu giảm và điều này rất có lợi cho cả nền kinh tế cũng như người tiêu dùng. Đối với DN, giá dầu giảm là cơ hội để tiết giảm chi phí đầu vào, góp phần duy trì khả năng cạnh tranh bằng giá bán sản phẩm cũng như tăng cơ hội hồi phục sau một thời gian đối diện với nhiều bất lợi.

- Diễn biến giá cả dịp này - thời điểm Tết Nguyễn đán đã cận kề - có đột biến không, theo bà?

- Theo quy luật, vào dịp Tết Nguyên đán giá các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm thường tăng cao do nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh. Nhưng nhờ giá xăng dầu giảm mạnh nên giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm không thể tăng cao như mọi năm, nhờ đó CPI sẽ có xu hướng ổn định hơn.

- Cảm ơn bà về cuộc trao đổi!

Hồng Sơn