Không nhẽ phải có quy định về tặng quà?
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:48, 09/02/2015
Ngày lễ, tết, dịp kỷ niệm, chuyện tặng quà đã trở nên phổ biến. Khá giả, "phú quý sinh lễ nghĩa" thì tặng quà "to", điều kiện kinh tế hạn hẹp thì chọn quà vừa sức mình, cốt sao thể hiện tấm chân tình với người được tặng - vốn là nguyên nhân sâu xa của việc tặng quà.
Không nói việc tặng quà với hàm ý hối lộ, toan tính việc riêng thông qua món quà được trao gửi thì, nói chung, việc tặng quà được thực hiện dựa trên nguyên tắc nhất định, bảo đảm tính lịch sự, nét văn minh, như người ta nói là "văn hóa tặng quà". Nguyên tắc lớn nhất là làm sao để người được tặng cảm thấy thoải mái, vui vẻ khi nhận quà, có nghĩa món quà được chọn phải phù hợp với người nhận, khiến người ta thích thú, trân trọng, cảm thấy hữu ích.Tặng quà là nét đẹp văn hóa ứng xử giữa người và người trên tinh thần tự nguyện, mang tính tùy tâm nhưng cũng phải bảo đảm phù hợp phong tục, tập quán, thói quen. Không thể chọn "tặng lấy được" thứ mà người được nhận không thể dùng, không thích dùng.
Tiếc rằng nguyên tắc nói trên không phải lúc nào cũng được hiểu đúng, thực hành đúng. Thực tế cho thấy có những món quà được chọn mua, được tặng theo kiểu "lấy được", chọn quà tặng cho người khác mà như thể ban ơn, rõ ý cho - nhận, "cho gì biết nấy". Điều này dễ thấy trong đời sống, nhất là qua những món quà tặng của cơ quan, doanh nghiệp dành cho cán bộ, nhân viên trong dịp lễ, tết, hoặc quà tặng đại biểu, khách mời tham dự hội nghị, hội thảo, lễ tổng kết… Chẳng hạn, nhiều người còn nhớ cách nay khoảng hơn chục năm từng xuất hiện "phong trào tặng cặp sách - tài liệu" tại các hội nghị, hội thảo. Ban tổ chức mua cặp rồi thuê người in lên đó dòng chữ gì đó gắn với sự kiện mà mình tổ chức, như là "Kỷ niệm 20 năm thành lập…", "Hội thảo…"… Kết quả là nhiều người mang về nhà hàng chục chiếc cặp được tặng mà, nếu kỹ tính, vẫn phải lo mua cặp dùng hằng ngày, đơn giản vì không thể xách chiếc cặp "đầy những chữ là chữ" ra đường. Hay gần đây, khi mua đồ điện máy vào dịp Tết, khách hàng được tặng kèm một bộ bát hoặc đĩa "cao cấp" của một nước nào đó. "Món" ấy phù hợp với nhu cầu của mọi nhà, phải cái trên bát, đĩa chình ình dòng chữ tên tập đoàn sản xuất đồ điện tử, không thể lên mâm cỗ ngày Tết truyền thống Việt Nam hoặc "dâng các cụ" được. Hậu quả ấy, xét kỹ thấy có biểu hiện của sự lãng phí, lại "hơi bị kém văn hóa" nữa.
Nhưng việc tặng quà không chỉ gây lãng phí đâu. Cách đây ít ngày, một doanh nghiệp có trụ sở tại tỉnh phía Nam có tặng quà Tết cho công nhân. Quà gồm một số thứ, thế nào lại có cả hàng giả một loại bột nêm. Hàng nghìn người được nhận quà chứ không phải ít. Không rõ đã có ai "xơi" phải "thứ quà nguy hiểm" ấy chưa, chỉ biết phía lo tặng quà rõ ràng là vô trách nhiệm, tự mình xóa sổ ý nghĩa của việc tặng quà Tết cho công nhân nghèo.
Việc tặng quà, nếu là chuyện cá nhân thì phải lo điều chỉnh hành vi để tránh bị quở trách, ngượng người. Còn nếu phía tặng là cơ quan, đoàn thể thì chuyện có sự khác. Nó liên quan đến nhiều người, liên quan đến kinh phí tập thể, có thể tạo cơ hội cho những kẻ trục lợi muốn thông qua việc mua quà tặng để bòn rút của công, và bởi vậy, mua gì cũng cần phải soát xét kỹ lưỡng. Điều đó thuộc trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị duy trì chính sách tặng quà nhân dịp lễ, Tết.