Không thể không nói đúng, nói thật!
Văn hóa - Ngày đăng : 06:40, 08/02/2015
Trên chặng đường thơ nhiều dấu ấn, với cây bút phê bình có tâm và tinh tế, không ít điều chắt lọc, phát hiện của ông được dành in trong tập sách trên. Dịp này, nhà thơ Vũ Quần Phương dành cho phóng viên Báo Hànộimới cuộc trò chuyện cởi mở.
Nhà thơ Vũ Quần Phương. |
- Thưa nhà thơ Vũ Quần Phương, tặng thưởng nói trên có ý nghĩa với ông như thế nào?
- Thật ra, tôi làm thơ là chính, phê bình thơ là một sự ngẫu nhiên. Vào đầu những năm bảy mươi của thế kỷ trước, anh Vương Trí Nhàn có nhờ viết một bài phê bình cho Tạp chí Văn nghệ quân đội. Viết xong, được giới phê bình thơ ủng hộ, rồi họ đặt viết. Từ đó đến nay cũng đã 45 năm rồi, nhưng tôi vẫn nghĩ viết phê bình phải thận trọng. Vì thế nên bên cạnh những tập phê bình thơ do các đơn vị làm sách chủ động chọn in, có thể nói đây là tập phê bình, tiểu luận đầu tiên mà tôi tự tay chọn lựa để xuất bản.
Tặng thưởng này, với tôi, xem như là sự chấp nhận của anh em bạn viết, bạn đọc đối với lao động của mình.
- Hình như ông đã để một cách ngẫu nhiên các bài mang tính phát hiện mới về những gương mặt gạo cội của nền văn học Việt Nam xen kẽ với những tác giả mới?
- Tập sách này chủ yếu gói các bài viết phê bình, tiểu luận tôi viết trong khoảng dăm năm gần đây trên các diễn đàn văn học, trong các dịp kỷ niệm liên quan tới những cây bút lớn hoặc là lời giới thiệu cho các tập thơ.
- Nghĩa là những bài viết đều xuất phát từ những sự kiện, sinh hoạt văn học của nước nhà?
- Vâng! Nhân nói đến chuyện này, tôi lại nhớ nhà thơ Xuân Diệu có lần kể, rằng từ sau một bài viết của ông nhân một hội thảo tưởng nhớ đại thi hào Nguyễn Du, đã có nhiều nơi mời Xuân Diệu viết phê bình (Cười).
- Tập "Bình thơ" ra năm 2012 của ông là tập sách rất dày dặn. Tập này, "khiêm tốn" hơn nhưng hẳn phải có những điểm mới?
- Tập "Bình thơ" đúng là rất dày dặn, nhưng đó là tập phê bình về một tác phẩm cụ thể của mỗi tác giả. Còn tập này, như bạn đã biết, nó đi sâu vào nhận diện chân dung văn học, tìm kiếm, chia sẻ những cảm nhận mới về các nhà thơ, gồm cả những người đã thành danh và những gương mặt mới, thậm chí là gương mặt thơ phong trào... Sở dĩ hôm nay ta có thể làm được điều này là bởi cuộc sống cho phép nhìn mọi thứ một cách thực chất hơn. Ví như ở đây tôi chia sẻ nhận định thẳng thắn nhưng thấu hiểu hơn về thơ Tố Hữu. Nói về lớp nhà thơ hình thành trong kháng chiến chống Mỹ, tôi cũng đưa vào đó sự so sánh: Thơ chiến tranh lần hai (kháng chiến chống Mỹ), do đứng "trên vai" lần trước nên phong phú hơn. Nếu như bài "Viếng bạn" của Hoàng Lộc cả tình và ý thể hiện trên một mặt phẳng xác định từ hai nhân vật anh và tôi thì bài "Nấm mộ và cây trầm" của Nguyễn Đức Mậu thể hiện trên không gian ba chiều, mà chiều sâu là từ hình ảnh sáng tạo cây trầm - một biểu tượng vượt lên trên nền hiện thực. Thêm một cây trầm trong thơ thôi nhưng là cả một chặng đường phát triển của thi ca...
- Đúng là trong tập sách này có những tác giả là gương mặt thơ phong trào, thậm chí là gương mặt thơ rất trẻ, vì sao lại có sự quan tâm như vậy?
- Công việc của nhà phê bình là tìm kiếm, phát hiện, thậm chí là dự báo. Ở đây, qua gương mặt thơ phong trào, tôi nhìn thấy những lấp lánh rất đáng ghi nhận. Hoặc khi viết về thơ học trò, tôi có nhắc đến cây bút trẻ Phạm Vân Anh từ hồi còn là học sinh trung học, sau này Vân Anh được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, trở thành hội viên trẻ nhất ở thời điểm đó. Đó cũng là cái thú vị của làm phê bình.
- Vừa là người làm thơ đồng thời là nhà phê bình thơ, ông tự thấy mình có những lợi thế gì? Có khi nào nhà phê bình phải đấu tranh trước việc công bố hay không những phát hiện, quan điểm riêng của mình?
- Là người làm thơ rồi lại viết phê bình thì có cái thuận lợi là mình biết câu thơ nào bóng bẩy đấy nhưng dễ viết, câu thơ nào nghe thì giản dị nhưng phải là kết quả của một thứ cảm xúc đã chín muồi. Còn nói về đấu tranh tư tưởng trong phê bình thì có chứ, bởi có những nhận định của mình vẫn khiến mình nghi ngờ. Hoặc giả như mình vẫn còn muốn tìm cách giải thích một cách ngắn gọn, thuyết phục hơn. Trước một nghiên cứu về việc đi tìm bản gốc truyện Kiều được công bố, tôi thấy có những phát hiện đáng khen, nhưng cũng có những câu cần phải bàn thêm. Thế thì phải để lại, ngẫm ngợi cho kỹ trước khi công bố. Nhưng, khi đã quyết định công bố rồi thì phải tin tưởng.
- Làm thế nào để giữ được sự thẳng thắn mà vẫn ôn tồn trong văn phong phê bình, thưa ông?
- Làm phê bình có cái khó là khi bị chê thì người ta không hài lòng. Mà bản thân mình khi chê cũng có cảm giác như đang bới móc điểm yếu của người khác, một việc xưa nay vẫn được coi là không hay ho gì. Tôi lại nhớ đến cụ Vũ Ngọc Phan, trước cách mạng cụ viết phê bình nhưng sau cách mạng, khi anh em bạn văn sống cùng một nơi nên làm phê bình rất khó, cụ chuyển sang nghiên cứu mà lại nghiên cứu về văn học dân gian - một lĩnh vực không có tác giả cụ thể.
Nhưng đã là phê bình thì không thể không nói đúng, nói thật. Mình phải học các cụ về cách ứng xử tinh tế song cũng lại vẫn phải biết chê. Tôi rất trọng người viết có thể chưa thành công nhưng những nỗ lực, thể nghiệm của họ có thể chính là viên đá lát đường cho người đi sau đến đích. Vậy thì họ cũng đáng nói chứ! Nói về một cái dở, tôi cố gắng nhìn nhận nó như một công đoạn của sự thành công, để mà thấy được cái biện chứng, cái tổng thể.
- Xin chân thành cảm ơn nhà thơ, và một lần nữa xin được chúc mừng ông!