Điện thoại không có tội

Xã hội - Ngày đăng : 06:27, 08/02/2015

Trường đã tổng kết học kỳ I, bởi vậy chúng tôi khá thoải mái. Hôm nay, được nghỉ hai tiết văn, cả lớp hò reo như chợ vỡ. Nhóm tôi góp tiền để đi chơi điện tử. Nam cầm tiền, đếm, rồi cười toét:

- Trời! Những 120 nghìn, cứ gọi là xả láng nhé!

Tôi bảo Nam và Phương:

- Chơi một tiếng thôi rồi mai lại chơi. Hôm nay tớ đã hứa với bà là về sớm rồi.


Phương quay ngoắt lại, gắt gỏng:

- Một tiếng thì bõ gì, trót hứa rồi thì gọi điện thoại cho bà báo là cô giáo bắt học thêm.

Tôi tần ngần:

- Nhưng... mà ...

Không để tôi nói hết câu, Nam nói như ra lệnh:

- Đã chơi là phải "phá đảo", thiếu gì lý do, cứ nhờ cái di động là có thể "xoay chiều" thoải mái.
Nghe theo các bạn, gọi điện cho bà, đó không phải việc khó, nhưng tôi nhớ lời mẹ dặn: "Bất kể cái gì rồi cũng thành thói quen, mà thói quen xấu hình thành rất nhanh, còn tạo thói quen tốt thì khó khăn như người ta leo dốc vậy". Nghĩ thế, tôi bảo các bạn:

- Chúng mình chỉ được thoải mái vài ngày thôi. Cứ đà này, lỡ quen rồi thành nếp thì nguy hiểm lắm. Năm nay là năm cuối cấp rồi, không thể lơ mơ được đâu.

Nam bĩu môi, dài giọng:

- Đúng là đồ dở hơi, biết lên giọng từ bao giờ thế? Nếu cảm thấy áy náy thì xin mời về. Tụi này đã có "di động trung thành" đây rồi.

Tôi nhẹ nhàng:

- Điện thoại di động bố mẹ mua cho mình là để mình gọi về nhà khi cần thiết, chứ không phải làm phương tiện nói dối. Tôi muốn các bạn đừng biến điện thoại di động thành những chiếc máy nói dối. Chúng hoàn toàn vô tội.

Tất cả cùng im lặng. Có lẽ các bạn đã hiểu điều tôi muốn nói.

Lê Ngọc An