Khởi động xây dựng Nhà máy Xử lý khí Cà Mau

Kinh tế - Ngày đăng : 14:45, 07/02/2015

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, việc khởi động xây dựng nhà máy xử lý khí có vốn đầu tư lớn trên 10 nghìn tỷ, khi hoàn thành sẽ đóng góp giá trị sản xuất hàng năm trên 5 nghìn tỷ đồng, đặc biệt là nhà máy sử dụng công nghệ hiện đại, tỷ lệ thu hồi khí đạt trên 90%...

Sáng 7/2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng lãnh đạo 1 số Bộ, ngành, địa phương đã đến dự Lễ khởi động xây dựng Nhà máy Xử lý Khí Cà Mau và chào mừng vận chuyển an toàn 10 tỷ m3 khí PM3 - CAA Cà Mau tại Khu Công nghiệp Khí – Điện – Đạm Cà Mau.

Dự án này bao gồm việc đầu tư bổ sung 37km đường ống ngoài khơi để nâng công suất vận chuyển của đường ống PM3 – Cà Mau từ 5,8 triệu m3/ngày lên 6,95 triệu m3/ngày, nhằm đáp ứng nhu cầu của các hộ tiêu thụ trong cụm Khí - Điện - Đạm tại Cà Mau; xây dựng một nhà máy xử lý khí công suất 6,2 triệu m3 khí/ngày cùng hệ thống kho có sức chứa 8.000 tấn LPG, 3000 m3 condensate và hệ thống cảng xuất sản phẩm lỏng tại Khu công nghiệp Khánh An, xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.

Lễ khởi động xây dựng Nhà máy Xử lý Khí Cà Mau. Ảnh VGP/Nhật Bắc



Tổng mức đầu tư điều chỉnh của Dự án là trên 2.000 tỷ đồng và gần 400 triệu USD; tương đương trên 10 ngàn tỷ đồng…

Dự án Nhà máy xử lý Khí Cà Mau dự kiến được thực hiện trong thời gian 23 tháng và hoàn thành vào cuối năm 2016.

Việc triển khai Dự án và đưa công trình vào vận hành sẽ giúp cân đối cung cầu về khí tại khu vực Tây Nam Bộ, đa dạng hóa các sản phẩm dầu khí có giá trị cao, đáp ứng như cầu sản phẩm khí hóa lỏng và hóa dầu tại tỉnh Cà Mau, khu vực Tây Nam Bộ và trên toàn quốc, góp phần vào việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đồng thời góp phần giải quyết các vấn đề về kinh tế xã hội, tạo việc làm cho lực lượng lao động địa phương, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, cho khu vực miền Tây Nam bộ, đặc biệt là tỉnh Cà Mau.

Dự án đường ống dẫn khí PM3 - Cà Mau là một phần của cụm Khí – Điện – Đạm Cà Mau, là dự án trọng điểm quốc gia, được xây dựng nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược sử dụng nguồn khí vùng Tây Nam đồng thời thúc đẩy tiềm năng phát triển kinh tế của vùng Tây Nam Bộ.

Đường ống dẫn khí PM3 - Cà Mau được đầu tư ban đầu với công suất 5,47 triệu m3 khí/ngày, tương đương 2 tỷ m3/năm với tổng mức đầu tư gần 300 triệu USD. Dự án sau khi hoàn thành được giao cho Công ty Khí Cà Mau, trực thuộc Tổng Công ty Khí Việt Nam quản lý và vận hành.

Hiện nay, sau nhiều cải tiến thêm về công nghệ, công suất toàn hệ thống vận chuyển khí đã tăng lên 6,25 triệu m3 khí/ngày (bằng 114% so với ban đầu), cung cấp đủ khí cho 2 nhà máy điện có tổng công suất 1.500 MW để tạo ra sản lượng điện hàng năm khoảng 8 tỷ kWh và nhà máy đạm có công suất 800 nghìn tấn ure/năm.

Kể từ thời điểm dòng khí PM3 đầu tiên được đưa vào bờ đến hết năm 2014 Công ty Khí Cà Mau đã cấp hơn 10,86 tỷ m3 khí cho 2 Nhà máy Điện Cà Mau và Nhà máy Đạm để sản xuất hơn 2 nghìn tấn ure và hơn 50 tỷ KWh điện, chiếm 7% sản lượng điện và 40% sản lượng phân đạm của cả nước, góp phần rất quan trọng vào việc đảm bảo an ninh năng lượng và an ninh lương thực Quốc gia.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương và đánh giá cao Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tổng Công ty Khí Việt Nam đã khắc phục khó khăn, nỗ lực để khởi động xây dựng Nhà máy Xử lý Khí Cà Mau và chào mừng vận chuyển an toàn 10 tỷ m3 khí PM3 - CAA Cà Mau tại Khu Công nghiệp Khí – Điện – Đạm Cà Mau, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, việc khởi động xây dựng nhà máy xử lý khí có vốn đầu tư lớn trên 10 nghìn tỷ, khi hoàn thành sẽ đóng góp giá trị sản xuất hàng năm trên 5 nghìn tỷ đồng, đặc biệt là nhà máy sử dụng công nghệ hiện đại, tỷ lệ thu hồi khí đạt trên 90%...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam triển khai quyết liệt, sớm đưa nhà máy vào vận hành an toàn, đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng.

Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đánh giá cao nỗ lực phấn đấu của Tập đoàn, nhất là trong năm 2014 mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng Tập đoàn đã đạt và vượt kế hoạch mà Chính phủ giao, đóng góp lớn vào sản lượng công nghiệp và ngân sách của đất nước, đặc biệt là hoàn thành suất sắc nhiệm vụ thăm dò, khai thác dầu khí, góp phần bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.

Theo Nguyễn Hoàng