Quản lý thuế với hoạt động thương mại điện tử: Thiếu cơ chế phối hợp
Kinh tế - Ngày đăng : 07:19, 07/02/2015
Mua sắm trực tuyến ngày càng phát triển. |
Trên thực tế, kinh doanh TMĐT ở Việt Nam đã được mở rộng tới các dịch vụ hàng hóa, như hàng tiêu dùng, thiết bị y tế chuyên dụng, dịch vụ cung cấp thông tin, pháp lý, tài chính, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, siêu thị ảo... Với lợi ích thuận tiện, nhanh chóng giúp tiết kiệm thời gian lựa chọn hàng, TMĐT đã thu hút một lượng lớn khách hàng tham gia, đặc biệt là những người tiêu dùng trẻ tuổi. Khi TMĐT ngày càng phát triển cũng là lúc cơ quan quản lý thuế đứng trước thách thức là làm thế nào để thu đúng, thu đủ tiền thuế trong lĩnh vực này? Bởi, không chỉ tại Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang đau đầu do khó có thể kiểm soát chặt chẽ hoạt động mua, bán trực tuyến.
Theo công bố của Ban tổ chức "Ngày mua sắm trực tuyến 2014", đã có 1.000 DN tham gia sự kiện này với 3.226 sản phẩm khuyến mãi. Thống kê trên website của chương trình (www.onlinefriday.vn) cho thấy tổng số lượt truy cập vào hệ thống thông tin là 1.993.000 lượt. Đặc biệt, trong "Ngày mua sắm trực tuyến", tổng giá trị hàng hóa giao dịch của DN tham gia ước tính đạt 154 tỷ đồng. Tổng số đơn hàng ước tính là 160.055 đơn, tăng 3,18 lần so với ngày trung bình trong năm. Ước tính, tổng doanh thu của các DN trong "Ngày mua sắm trực tuyến" đạt hơn 80 tỷ đồng. |
Ông Nguyễn Quang Tiến, Phó ban Cải cách, Tổng cục Thuế cho biết, trước sự phát triển ngày càng mạnh của TMĐT, cơ quan thuế xác định, đây là lĩnh vực mới, nhưng sẽ là hình thức kinh doanh của thời đại công nghệ thông tin và toàn cầu hóa. Do đó, Tổng cục Thuế đã xây dựng chuyên đề thanh tra, kiểm tra quản lý loại hình kinh doanh này. Trong năm 2014, ngành thuế đã nghiên cứu việc quản lý thuế đối với hoạt động bán mã code qua mạng và hình thức bán hàng của người nước ngoài trên internet. Ngành thuế cũng đã khảo sát mô hình cổng thanh toán trực tuyến tại 5 công ty hoạt động trong lĩnh vực TMĐT gồm các công ty: VNG, Truyền thông Việt Nam, Ngân lượng; các công ty cổ phần: Giải pháp thanh toán Việt Nam, Hỗ trợ dịch vụ thanh toán Việt Phú.
Tuy nhiên, số DN kinh doanh TMĐT thuộc diện thanh tra, kiểm tra trong năm qua khá khiêm tốn (chưa đến 10%) do công tác này đòi hỏi cán bộ thuế phải có trình độ về tin học, ngoại ngữ... Đồng thời, khi kiểm tra phải có ứng dụng, phần mềm hỗ trợ việc truy lần dấu vết giao dịch, xuất dữ liệu lịch sử giao dịch làm bằng chứng đấu tranh đối với việc che giấu các hành vi vi phạm của người nộp thuế. Trong khi đó, hầu hết hoạt động TMĐT hiện nay đều thực hiện qua internet. Do đó, các đơn vị này thường kê khai không đúng với lượng hàng hóa bán ra. Mặt khác, với phương thức thanh toán trực tuyến rất linh hoạt và đa dạng hiện nay, các cá nhân, tổ chức hoàn toàn có thể giao dịch qua internet từ khâu đặt hàng cho đến khâu thanh toán. Trong khi đó, trình độ tin học của cán bộ thuế còn hạn chế nên rất khó kiểm tra được các khoản doanh thu không kê khai, hoặc kê khai không đầy đủ trong giao dịch TMĐT. Ngoài ra, việc thu thập dữ liệu về lịch sử giao dịch, sao kê tài khoản ngân hàng từ các ngân hàng cung cấp dịch vụ thanh toán hoặc các đơn vị làm trung gian thanh toán cho cơ quan thuế cũng gặp nhiều khó khăn vì thiếu cơ chế phối hợp.
Đại diện Tổng cục Thuế cũng cho biết, từ ngày 20-1-2015, theo quy định mới về quản lý website TMĐT của Bộ Công thương tại Thông tư 47/2014/TT-BCT, bắt buộc người bán hàng trên các trang mạng xã hội như kinh doanh trên facebook sẽ phải kê khai và nộp thuế như thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch TMĐT. Song, để làm được điều này, cơ quan thuế sẽ phải sớm xây dựng đội ngũ cán bộ tinh nhuệ nghiệp vụ thuế, công nghệ thông tin và am hiểu ngoại ngữ để có thể phân tích hồ sơ khai thuế của DN, đồng thời thu đúng, thu đủ tiền thuế vào ngân sách.