Huy chương không tạo ra năng suất lao động
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:39, 07/02/2015
Các thí sinh trong Kỳ thi tay nghề giỏi các nước Asean. |
"Ngủ quên" trong chiến thắng
Dư âm Kỳ thi tay nghề giỏi các nước ASEAN lần thứ X tổ chức tại Việt Nam hồi tháng 10-2014 vẫn còn nguyên vẹn với các thí sinh Việt Nam khi nước chủ nhà xếp thứ nhất toàn đoàn. Thật đáng tự hào bởi kỳ thi đã quy tụ rất nhiều anh tài tới từ các quốc gia trong khối ASEAN; đề thi ngày càng khó, thí sinh phải tiếp cận công nghệ cao và xử lý những tình huống mới lạ. Những kỹ xảo nghề đỉnh cao đã được trình diễn điệu nghệ. Gần 300 thí sinh đều là lao động có "đôi bàn tay vàng" ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Vậy mà, Đoàn Việt Nam lại tiếp tục giành giải nhất toàn đoàn. Trước đó, 2 năm liên tiếp Việt Nam giành giải nhì toàn đoàn. Có thể nói, trong khu vực, Việt Nam, Thái Lan và Singapore luôn cạnh tranh trong nhóm dẫn đầu. Thí sinh Việt Nam được đánh giá là cần cù, thông minh với các ngành mũi nhọn như công nghệ ô tô, cơ điện tử, công nghệ thông tin, cắt gọt kim loại, thiết kế trang web… lao động Việt Nam cũng 3 lần tham gia kỳ thi tay nghề thế giới: Năm 2007 tại Nhật Bản, năm 2009 tại Canada và năm 2011 tại Anh. Dù chưa đạt huy chương trong một kỳ thi mang tầm vóc lớn nhưng lao động Việt Nam cũng giành 7 chứng chỉ nghề xuất sắc và thu được nhiều kinh nghiệm quý báu.
Có thể nói, các thí sinh hay nghệ nhân với những chiếc huy chương là những "hạt nhân" phát triển nghề trong tương lai. Hiện Việt Nam có 131 trường cao đẳng nghề, 309 trường trung cấp nghề, 909 trung tâm dạy nghề và hàng trăm cơ sở có tham gia dạy nghề. Mỗi năm có khoảng 2 triệu người tham gia học nghề.
Công bố của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) mới đây cho thấy, năng suất lao động của Việt Nam năm 2013 thuộc nhóm thấp nhất khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Cụ thể, thấp hơn Singapore gần 15 lần, Nhật Bản 11 lần và Hàn Quốc 10 lần. Trong khối ASEAN, Việt Nam có mức thu nhập trung bình, chỉ bằng 1/5 Malaysia và 1/2 so với Thái Lan. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Ngọc Phi đã từng thẳng thắn cho rằng, chiến thắng của Đoàn Việt Nam trong các kỳ thi tay nghề ASEAN là đáng khích lệ nhưng cần nhìn vào kỹ năng, trình độ, năng suất lao động của các nước trong khu vực để cố gắng chứ không nên "ngủ quên trên chiến thắng". Sở dĩ Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Phi lo lắng là vì chúng ta có nhiều huy chương vàng, huy chương bạc, nhiều lần đứng trên bục vinh quang nhưng đáng tiếc không thể hiện được điều đó trên thực tế khi mà năng suất lao động luôn thấp hơn lao động các quốc gia trong khu vực. Lỗi này không phải do các thợ nghề mà là sự lạc hậu, yếu kém mang tính hệ thống. Đó là việc Việt Nam vẫn chưa xây dựng khung trình độ cấp quốc gia, hệ thống văn bằng cho hệ đào tạo giáo dục nghề nghiệp bị lệch so với khung trình độ tham chiếu ASEAN. Việt Nam vẫn chưa xây dựng được khung trình độ cấp quốc gia, chưa có chính sách công nhận năng lực, trình độ của người học, cũng chưa có bộ tiêu chuẩn nghề. Vì vậy, sau khi học ở cấp đại học, cao đẳng hay trung cấp nghề, học viên tự tìm kiếm công việc và tự mày mò để gia nhập thị trường lao động. Điều này vô tình đã gây lãng phí những lao động có tay nghề, có kinh nghiệm, kỹ năng. Chuyện bằng cấp liên thông không được chấp nhận ở nhiều nơi cũng do kiểm định chất lượng kém.
Và hơn hết, công nghệ, chính sách vĩ mô, quản trị doanh nghiệp của Việt Nam còn yếu. Những lo lắng của Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Phi là có căn cứ vì trong 10 năm qua, lần đầu tiên Việt Nam có huy chương vàng nghề công nghệ thời trang (Kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ 10) nhưng huy chương không tạo ra năng suất kinh tế khi Việt Nam chủ yếu là may gia công, sử dụng công nghệ lạc hậu nên chưa thể nâng cao sở trường của các thí sinh đoạt giải. Đó là chưa kể hiện không có quy mô chuẩn cho ngành công nghệ thời trang nói chung. Vốn đầu tư cho phát triển KHCN, sản xuất của Việt Nam còn thấp. Vì vậy, các doanh nghiệp nước ngoài chủ yếu đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực chế tạo thô, công nghệ không cao, không yêu cầu lao động có kỹ thuật cao.
Ông Dương Đức Lân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề cho biết, nguồn lao động trẻ và dồi dào đã mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội. Trình độ kỹ năng và chuyên môn của lao động Việt Nam không có sự chênh lệch lớn với các nước trong khu vực, nhưng những hạn chế về khả năng giao tiếp, trình độ ngoại ngữ, khả năng làm việc nhóm đã ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất. Công nghệ sản xuất và kỹ năng nghề sẽ quyết định năng suất lao động. Tuy nhiên, số lao động chưa được đào tạo nghề ở nước ta còn lớn, khoảng 18-20% lao động được đào tạo (ở các nước khác là 40-50%) phải gánh năng suất bình quân cho 80% lao động chưa được đào tạo nghề. Do đó, việc đứng đầu trong các kỳ thi nhưng năng suất lao động vẫn thấp cũng là điều dễ hiểu.
Đổi mới để tăng năng suất lao động
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI) đánh giá, chất lượng nguồn nhân lực đang và sẽ là thách thức căn bản, dài hạn và gay gắt đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong việc nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh. Việc phát triển chất lượng lao động sẽ khó khăn khi hệ thống GD-ĐT chưa được chuẩn bị tốt cho quá trình chuyển đổi, thậm chí là đổi mới quá chậm. Từ năm 2012, Chính phủ đã giao cho Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB&XH xây dựng khung trình độ quốc gia. Đây được xem là "bàn đạp" quan trọng để lao động Việt Nam có thể tự tin hội nhập cùng cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015. Hai bộ có nhiệm vụ xác định các yêu cầu về kiến thức, năng lực mà người lao động cần đạt được ở mỗi cấp độ. Các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề phải xây dựng chuẩn đầu ra và chương trình đào tạo phù hợp. Tuy nhiên, đến tháng 3-2015 bộ khung này mới được trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành dự thảo. Theo cấu trúc của khung trình độ quốc gia của Việt Nam, có 8 trình độ từ tiến sĩ, thạc sĩ, đại học, cao đẳng, trung cấp, chứng chỉ nghề cấp I, II, III với các chuẩn đầu ra về kiến thức, kỹ năng, năng lực tự chủ và trách nhiệm của người học. Đi kèm là khối lượng học tập cần có và chứng chỉ, bằng tốt nghiệp tương xứng. Trong đó, Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) thực hiện 5 trình độ đầu về giáo dục nghề nghiệp; Bộ GD-ĐT thực hiện 3 trình độ sau về giảng dạy.
Thực tế, dạy nghề ở Việt Nam đã có sự "đột phá". Trước năm 2000, Việt Nam đào tạo nghề theo hình thức "có gì dạy đấy", nhưng sau năm 2000 đã chuyển từ hướng cung sang hướng cầu. Hiện nay, 230 chương trình khung đã được ban hành, bao gồm các kiến thức kỹ năng cốt lõi được hình thành sau quá trình phân tích nghề. Chương trình khung được ban hành trên cơ sở nhu cầu, kiến thức, kỹ năng do doanh nghiệp yêu cầu. Trong năm 2014, Tổng cục Dạy nghề thực hiện các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật cho cả hệ thống theo Chiến lược phát triển dạy nghề.
Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan phải cùng thực hiện đồng bộ các chương trình quốc gia, đổi mới và phát triển công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quốc gia… để đạt năng suất lao động cao hơn, ngang bằng với các nước trong khu vực. Việt Nam đã có những lợi thế nhất định với những "bàn tay vàng" trong các nghề. Họ sẽ là lực lượng trực tiếp sản xuất, tạo ra năng suất lao động cao, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Bởi vậy, không chỉ dừng ở những chiếc huy chương mà đòi hỏi phải chủ động, tích cực tiếp cận với những công nghệ, vật liệu, kỹ năng nghề mới nhất của thế giới, đổi mới sản xuất để gặt hái những quả ngọt về năng suất, thu nhập.