Quản lý và nghịch lý!

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:14, 07/02/2015

(HNM) - Hơn 50 nhà xe tại TP Hồ Chí Minh đã được nêu danh công khai vì


Từ nhiều năm nay, kinh doanh vận tải đang thực sự là một thị trường sôi động, có tính cạnh tranh rất cao. Riêng với các doanh nghiệp kinh doanh taxi, số đầu xe đã lên đến nhiều chục nghìn chiếc hoạt động ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Theo quy luật của kinh tế thị trường thì ngành hàng càng có tính cạnh tranh cao, giá thành sẽ càng phải giảm. Thế nhưng kinh doanh vận tải dường như không đi theo quy luật cạnh tranh đó, và câu chuyện giá xăng dầu giảm sâu trong khi giá cước vận tải vẫn cứ "tằng tằng mà tiến" đặc biệt trong những ngày giáp Tết Ất Mùi đã khiến các "thượng đế" và cơ quan quản lý sốt xình xịch. Về nguyên tắc, đã tham gia vào kinh tế thị trường thì việc tăng - giảm giá đều do thị trường quyết định. Trong trường hợp cụ thể này, giá xăng dầu (yếu tố cấu thành chủ yếu của giá cước vận tải) đã giảm mạnh, tại sao doanh nghiệp vận tải không giảm mà còn có xu hướng tăng giá? Đó là điều không thể chấp nhận. Đó không còn là sự cạnh tranh mà có thể coi là sự ngang nhiên xâm hại quyền lợi của người tiêu dùng.

Câu hỏi đặt ra, vì sao ở một thị trường cạnh tranh khốc liệt như vậy mà quy luật cạnh tranh lại không tồn tại? Tại chính sách hay tại cơ quan quản lý? Tại doanh nghiệp hay tại người tiêu dùng?...

Để trả lời cho các câu hỏi trên là hàng loạt vấn đề. Ai cũng hiểu khi đã kinh doanh thì các doanh nghiệp luôn muốn mang về lợi nhuận cao nhất. Và dĩ nhiên họ sẽ luôn tìm cách lách vào những khe hẹp của chính sách để đạt được mục tiêu ấy. Điều đáng nói ở đây là sự xuống cấp của "đạo đức kinh doanh", nhưng đó là điều không dễ đong đếm và càng khó quy trách nhiệm cụ thể.

Vậy ai sẽ giải quyết vấn đề này: Người tiêu dùng hay cơ quan quản lý? Sẽ thật khó cho người tiêu dùng khi họ phải chấp nhận một cách thụ động, gần như không có quyền lựa chọn. Và như vậy, trách nhiệm trong tình huống trớ trêu này phần lớn thuộc về quản lý. Rõ ràng nếu quản lý tốt thì việc kéo giảm giá cước vận tải thời gian qua không trầy trật như thế. Điều này có thể chứng minh bằng việc sau khi Thủ tướng Chính phủ ra chỉ thị buộc cước vận tải ô tô phải giảm giá tương xứng với mức giảm của xăng dầu trước Tết, 3 đoàn kiểm tra liên ngành tài chính - GTVT đã được thành lập và đích thân Bộ trưởng GTVT đã trực tiếp kiểm tra hàng loạt doanh nghiệp vận tải lớn. Khi ấy mới thấy các doanh nghiệp nhúc nhắc.

Rõ ràng chúng ta cần phải xem lại cung cách điều hành, quản lý, đặc biệt là về giá cả. Chúng ta có Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng, có Cục Quản lý cạnh tranh... Song xem ra các thiết chế này đã không làm tốt phần việc của mình khi người tiêu dùng cần đến họ. Thế nên mới tồn tại nghịch lý ở một thị trường cạnh tranh nhưng giá thậm chí đi ngược lại với quy luật của thị trường... Chúng ta trách một số doanh nghiệp vận tải vô trách nhiệm với xã hội, nhưng chúng ta cũng cần xem lại trách nhiệm của các cơ quan quản lý!

Tuấn Kiệt