Nhận thức đúng về tác dụng của mũ bảo hiểm

Giao thông - Ngày đăng : 06:41, 06/02/2015

(HNM) - Hàng loạt lý do đã được các bậc phụ huynh đem ra biện minh cho việc không đội mũ bảo hiểm (MBH) cho trẻ em khi tham gia giao thông khiến một chủ trương đúng đã không phát huy hiệu quả. Mỗi ngày trôi qua, hàng nghìn trẻ em đang gặp nguy hiểm khi đi xe máy do không được đội MBH.


Chuyển biến chậm

Hơn chục năm qua, Việt Nam đã quyết liệt thực hiện chủ trương toàn dân đội MBH khi tham gia giao thông. Riêng chủ trương đội MBH cho trẻ em khi tham gia giao thông đã được Ủy ban ATGT quốc gia, Bộ GD-ĐT phối hợp với Quỹ Phòng chống thương vong Châu Á (AIP) triển khai từ năm 2011. Tuy nhiên, dù rất quyết tâm cải thiện tỷ lệ trẻ em đội mũ, song không phải nơi nào, cơ quan, đơn vị nào cũng thực sự quan tâm. Nhiều cá nhân, gia đình vẫn đang coi đây là chuyện của người khác.



Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia cho rằng, có một nghịch lý tồn tại suốt nhiều năm qua, đó là trong khi việc chấp hành quy định bắt buộc đội MBH cho người đi mô tô, xe gắn máy được thực hiện tương đối tốt với người lớn thì ngược lại, tỷ lệ này lại rất thấp đối với trẻ em. Còn ông Greig Craft - Chủ tịch Quỹ AIP nhận xét: Tôi sống ở Hà Nội, thường thấy các gia đình chở con bằng xe máy. Bố mẹ mặc quần áo ấm cho con để chống chọi với thời tiết lạnh giá, đeo khẩu trang để giảm thiểu việc ô nhiễm khói bụi. Tuy nhiên, cũng chính đứa trẻ ấy lại không được đội MBH mặc cho những hiểm nguy luôn hiện hữu trên đường. Xảy ra điều đó chính là do bố mẹ và cộng đồng xã hội chưa ý thức hết được tầm quan trọng của việc luôn đội MBH cho trẻ khi tham gia giao thông dù quãng đường ngắn hay dài.

Kết quả khảo sát gần nhất của AIP (năm 2014) tại một số địa phương thí điểm triển khai chương trình đội MBH cho trẻ em cho thấy, tại Hà Nội, tỷ lệ trẻ em đội MBH là 23,2% (tăng 5% so với lần khảo sát vào năm 2013). Tương ứng, tại TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ này là xấp xỉ 50% (tăng 4,2%). Tại Đà Nẵng, tỷ lệ này là 37,1% (giảm 1,4%). Trong khi đó, nhiều bậc phụ huynh khi được hỏi đều viện dẫn hàng loạt lý do cho việc không đội MBH cho trẻ khi tham gia giao thông và phổ biến nhất là sợ trẻ ảnh hưởng đến đốt sống cổ; nhà gần, không cần phải đội mũ; ở trường học không có nơi cất mũ…

Đại diện Ban ATGT TP Hà Nội cho rằng, công tác phối hợp giữa nhà trường, phụ huynh, chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức và xử lý vi phạm chưa quyết liệt là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ trẻ em không đội MBH chưa cao.

Để bớt nói "giá như"

Theo thống kê của ngành y tế, mỗi năm cả nước có hơn 1.900 trẻ em tử vong vì tai nạn giao thông, chiếm 24-26% tổng số trẻ em tử vong do tai nạn, thương tích. Tỷ lệ trẻ dưới 14 tuổi chiếm 13,4% số ca chấn thương sọ não do TNGT, trong đó có gần 50% các trường hợp nạn nhân TNGT bị chấn thương sọ não là do không đội MBH.

Trước lo ngại của phụ huynh về việc đội MBH có thể gây ảnh hưởng tới đốt sống cổ của trẻ em, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WTO) khẳng định, không hề có bằng chứng nào cho thấy đội MBH bảo đảm chất lượng và chỉ số kỹ thuật có thể gây ảnh hưởng tới đốt sống cổ trẻ em. Theo các kết quả nghiên cứu được công bố, nguy cơ chấn thương vùng đầu giảm 69%, nguy cơ tử vong giảm 42% nhờ đội MBH khi tham gia giao thông.

Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh trong việc thực hiện chủ trương đội MBH cho trẻ em, vừa qua Ủy ban ATGT quốc gia, Bộ GD-ĐT và Quỹ AIP đã công bố kế hoạch hành động thực hiện quy định của pháp luật về đội MBH cho trẻ em trong năm 2015. Từ ngày 6 đến ngày 9-4, các lực lượng chức năng sẽ kiểm tra, nhắc nhở, đánh giá việc thực hiện quy định đội MBH của các học sinh tại các trường học; từ ngày 10-4 sẽ tổ chức "Ngày cao điểm" tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm quy định bắt buộc đội MBH đối với trẻ em, tập trung khu vực xung quanh các trường học, sau đó duy trì theo kế hoạch tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm trật tự ATGT đường bộ.

Để bớt nói "giá như" mỗi khi xảy ra TNGT liên quan trẻ em, trước tiên chúng ta phải thay đổi nhận thức từ chính người lớn. Ông Greig Craft khuyến cáo, các bậc phụ huynh cần hiểu rằng việc đội MBH cho con là hành động thể hiện tình yêu thương chứ không phải chỉ vì luật pháp quy định.

Và hãy nhớ rằng đội MBH không bảo đảm chất lượng cũng giống như việc uống thuốc "dởm" khi bị ốm...

Tuấn Lương