Phòng dịch và ngăn chặn thực phẩm “bẩn”

Xã hội - Ngày đăng : 06:33, 06/02/2015

(HNM) - Ngày 5-2, tại hội nghị trực tuyến (gần 700 điểm cầu là các sở y tế, bệnh viện của các tỉnh, thành phố trên cả nước) về công tác phòng chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) và khám chữa bệnh trong dịp Tết Ất Mùi 2015, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lưu ý


Đoàn công tác liên ngành kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Ất Mùi. Ảnh: Dương Ngọc



Dịch sởi có nguy cơ quay lại

Báo cáo về tình hình dịch bệnh trong tháng đầu năm mới 2015, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu dự báo nguy cơ dịch sởi bùng phát trở lại, một số dịch bệnh lây qua đường hô hấp như ho gà, cúm sẽ gia tăng trong dịp Tết Ất Mùi và sau đó.

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, trong năm 2014, Việt Nam ghi nhận hơn 5.600 trường hợp xét nghiệm dương tính với sởi tại 63 tỉnh, thành phố. Báo cáo giám sát từ các tỉnh, thành phố cho thấy, trong tháng 1-2015, ngành y tế ghi nhận 133 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 28 trường hợp xét nghiệm dương tính với sởi tại 13 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Bắc Ninh, Phú Thọ, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Giang, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Quảng Trị, TP Hồ Chí Minh và Đắk Lắk). Trong tháng 1, BV Nhi trung ương đã ghi nhận 21 trường hợp mắc sởi, bệnh nhân là người thuộc 10 tỉnh, thành phố, trong đó có 33,3% tại Hà Nội. Theo diễn biến của bệnh trong năm 2014, số bệnh nhân sốt phát ban nghi sởi trong tháng 1 năm ngoái ở mức thấp nhưng đến tháng 5-2014, con số này đã lên tới hơn 10 nghìn trường hợp. Do đó, nếu không có các biện pháp dự phòng kịp thời thì nguy cơ dịch sởi quay trở lại là rất lớn. Mặt khác, trong tháng 1-2015, ngành y tế đã ghi nhận 16 trường hợp mắc ho gà, ở Hà Nội, Hải Dương, Nghệ An, Ninh Bình, Hòa Bình và Vĩnh Phúc.

Theo ông Trần Đắc Phu, gần đây, tỷ lệ trẻ bị ho gà, sởi phải nhập viện ở mức cao có liên quan đến công tác tiêm phòng. Nhiều gia đình chưa tiêm phòng cho trẻ hoặc trì hoãn việc tiêm, cố chờ để tiêm vắc xin dịch vụ dù điều kiện thời tiết hiện nay rất thuận lợi cho hai loại bệnh này phát triển. Do vậy, để phòng dịch bệnh bùng phát, các địa phương cần tích cực tuyên truyền, vận động người dân đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch.

Rút kinh nghiệm từ vụ dịch sởi xảy ra do lây nhiễm chéo tại BV Nhi trung ương vào đầu năm ngoái, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê yêu cầu các BV phải bảo đảm đủ trang thiết bị, cơ số thuốc, triển khai đầy đủ và nghiêm túc quy định, chế độ chuyên môn theo yêu cầu phòng chống lây nhiễm chéo trong BV.

Về vấn đề an toàn tiêm chủng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng phải loại trừ tình trạng tiêm nhầm vắc xin, như đã xảy ra liên tiếp trong thời gian qua. Việc tiêm nhầm vắc xin là không thể chấp nhận được, chưa từng có trong lịch sử ngành y tế Việt Nam. Bởi vậy, chỉ có những người đủ tiêu chuẩn mới được trực tiếp tiêm, ngay cả trạm trưởng, trạm phó trạm y tế cũng không được tiêm nếu chưa được tập huấn về tiêm chủng. Người đứng đầu ngành y tế cũng yêu cầu các địa phương giám sát gắt gao các điểm tiêm chủng dịch vụ bởi thực tế cho thấy việc cung ứng vắc xin ở khu vực này không ổn định, khiến nhiều trẻ phải trì hoãn việc tiêm và đó cũng là nguyên nhân khiến dịch bệnh bùng phát. "Ngành y tế luôn bảo đảm cung ứng đầy đủ thuốc trong điều trị cơ bản, vắc xin tiêm chủng miễn phí. Nếu các cơ sở tiêm chủng dịch vụ nào không đủ điều kiện cung ứng đủ nhân lực, vắc xin thì phải kiên quyết rút giấy phép, không cho hoạt động nữa", Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.

Tăng cường ngăn chặn thực phẩm "bẩn"

Trong tháng 1-2015, đoàn kiểm tra liên ngành ATTP của TP Hà Nội đã tiến hành kiểm tra 15 cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống, kinh doanh, sản xuất, chế biến thực phẩm… Cơ quan quản lý đã xử phạt 2 cơ sở với số tiền hơn 12 triệu đồng. Riêng Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra 20 cơ sở, số tiền phạt lên tới 100 triệu đồng; Sở NN&PTNT Hà Nội phát hiện 29 cơ sở có vi phạm, phạt hành chính với số tiền hơn 20 triệu đồng và tiêu hủy gần 2.000kg nấm kim châm, gà nguyên con, gia cầm lông, nội tạng lợn, thịt trâu bò, trứng gia cầm… Chi cục Quản lý thị trường thành phố kiểm tra, phát hiện 246 vụ vi phạm về đo lường chất lượng và ATTP, số tiền phạt hành chính là 1,48 tỷ đồng. Ngoài ra, tuyến quận, huyện đã kiểm tra 679 cơ sở, xử phạt 52 cơ sở với tổng số tiền phạt 177 triệu đồng.

Theo Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong, vào thời điểm giáp Tết, lượng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng được tung ra thị trường với số lượng rất lớn, đe dọa sức khỏe của người dân. Ngành chức năng đã tiến hành xét nghiệm 71 mẫu hoa quả lấy ở các chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội, phát hiện một số mẫu táo không đạt tiêu chuẩn. Ông Nguyễn Thanh Phong cho rằng, hiện nay, các cơ sở kinh doanh tăng công suất hoạt động và bởi vậy, từ nay đến Tết Nguyên đán và dịp lễ hội xuân sắp tới, công tác bảo đảm ATTP cần được tăng cường. Giải pháp hiệu quả nhất không có gì khác hơn là tăng cường kiểm tra, giám sát, xử phạt và công bố công khai các đơn vị, nhãn hàng vi phạm để nhân dân được biết.

Thu Trang