Năm 2015 – khó có 18% dân số tham gia BHXH

Đời sống - Ngày đăng : 15:17, 04/02/2015

(HNMO) - Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi năm 2014 đã có những điều khoản quy định việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH. Nếu không có những động thái tích cực ngay từ bây giờ thì chính sách này vẫn cứ nằm trên giấy khi Luật có hiệu lực thi hành.

Thống kê của BHXH Việt Nam trong năm 2014 có khoảng 11,2 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, 190 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện, khoảng 64,1 triệu người tham gia BHYT. Số thu BHXH bắt buộc ước đạt gần 128 nghìn tỷ đồng. Tính ra, tỷ lệ tham gia bảo hiểm bắt buộc lẫn tự nguyện hiện chỉ chiếm 20% lực lượng lao động hiện tại. Vì thế trong Luật Bảo BHXH sửa đổi năm 2014 đã hướng đến mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc bằng cách bổ sung thêm 3 nhóm đối tượng: nhóm 1 là người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng; nhóm 2, người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp; nhóm 3, người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn (con số này gần 230 ngàn người). Luật BHXH sửa đổi 2014 sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2016 nhưng hai đối tượng thuộc nhóm 1 và 2 chỉ có thể đóng BHXH kể từ ngày 01/01/2018.

Về BHXH tự nguyện, người lao động là công dân Việt Nam đủ 15 tuổi trở lên, không quy định tuổi trần sẽ được khuyến khích tham gia đóng BHXH tự nguyện. Đây là một nội dung đáng chú ý để có thể hoàn thành mục tiêu 50-60% người lao động được đóng bảo hiểm vào năm 2020, chiếm khoảng 29% dân số. Còn trong năm 2015, mục tiêu đưa ra là số người tham gia đóng BHXH chiếm khoảng 18% dân số. Mặc dù chưa có Nghị định hướng dẫn thực hiện nhưng hướng thay đổi phương thức đóng BHXH tự nguyện sao cho linh hoạt hơn, như cho phép đóng mỗi năm một lần, một lần cho nhiều năm trong quá khứ hoặc trong lương lai; Nhà nước có chính sách hỗ trợ người tham gia BHXH, mức hỗ trợ do Chính phủ quy định phù hợp với khả năng ngân sách từng thời kỳ. Đó là những điểm hấp dẫn người lao động tham gia BHXH tự nguyện.

Tuy nhiên, Luật BHXH sửa đổi còn mở rộng sang khu vực lao động phi chính thức, thu nhập không ổn định. Để tạo điều kiện cho nhóm đối tượng phi chính thức, Luật BHXH sửa đổi quy định ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ một phần chi phí đóng BHXH. Ngoài ra, mức sàn thu nhập làm căn cứ đóng BHXH sẽ hạ xuống bằng 22% mức chuẩn nghèo ở nông thôn (thay vì bằng mức lương cơ sở như hiện nay). Ngoài ra, người tham gia có thể đóng một lần cho nhiều năm trước khi tham gia BHXH hoặc đóng cho nhiều năm sau đó. Với quy định này cũng sẽ giúp đối tượng khó khăn có điều kiện tham gia BHXH.

Việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH không chỉ là điểm mới của Luật BHXH 2014 sửa đổi mà đó còn là điều mong muốn của Chính phủ nhằm tăng độ bao phủ của chính sách an sinh xã hội.

Có thể nói, việc làm tăng số người tham gia đóng BHXH tự nguyện là một thách thức rất lớn. Bởi tính từ năm 2006, triển khai Luật BHXH đến nay mới chỉ có gần 200 ngàn người tham gia BHXH tự nguyện, Trong số này phần lớn là những LĐ đã có thời gian tham gia BHXH bắt buộc nhưng còn thiếu thời gian nghỉ nên mới tự nguyện đóng để có đủ năm đóng BHXH.

Một số chuyên gia về lĩnh vực BHXH cho rằng khả năng thực hiện thành công chính sách mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, phụ thuộc vào 70% vào công tác tổ chức thực hiện, còn chính sách chỉ chiếm 30%. “Trên thực tế ở nhiều địa phương không chỉ cán bộ ngành dọc mà ngay cả cán bộ lĩnh vực BHXH cũng không nắm và hiểu rõ hết về BHXH. Chưa kể với cung cách làm việc hành chính "xỏ chân gầm bàn"  của không ít cán bộ công chức thì làm sao khiến dân tin mà tham gia. Trong khi đó muốn mở rộng đối tượng trước hết phải để người dân tin, song đây lại đang là thách thức”, đại diện Bộ LĐTB&XH thẳng thắn bày tỏ.

Về biện pháp tuyên truyền chính sách thực hiện Luật BHXH, nhiều địa phương, nhiều nơi đã tổ chức tập huấn song tập huấn cho ai, tập huấn cho đối tượng nào thì lại không trúng và đúng. Kết quả là đa số người dân không biết và không hiểu chính sách...

Mở rộng đối tượng tham gia BHXH vô cùng cần thiết không chỉ giúp bảo đảm quyền lợi cho người dân mà qua đó còn góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Tất nhiên về chính sách thực hiện làm sao vừa phải cân đối quỹ BHXH nhưng vẫn phải đảm bảo quyền lợi cho người tham gia, tạo được đồng thuận trong nhân dân. Đồng thời, ngành BHXH phải đẩy mạnh cải cách, giảm thủ tục hành chính, tăng tốc ứng dụng công nghệ thông tin để rút ngắn thời gian cấp sổ BHXH, quản lý BHXH… Các yếu tố này sẽ quyết định thành công của chính sách mới này. Đây là vấn đề lớn đòi hỏi việc triển khai khẩn trương và có công tác chuẩn bị chu đáo để người dân tin, hiểu và tự nguyện thực hiện.

Minh Bắc