Công trình thể thao đầu tiên ở quận Hai Bà Trưng được xã hội hóa 100%

Thể thao - Ngày đăng : 07:16, 04/02/2015

(HNMO) - Trung tâm TDTT quận Hai Bà Trưng đã không còn trong cảnh thiếu cơ sở vật chất có chất lượng khi Cụm sân bóng đá Trung tâm TDTT quận Hai Bà Trưng sau quá trình được đầu tư xây mới nhờ nguồn xã hội hóa đã khai trương trở lại vào ngày 3-2.



Đây là công trình kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và cũng là công trình văn hóa - thể thao đầu tiên trên địa bàn quận được xã hội hóa triệt để, toàn diện.

Cắt băng khai trương Cụm sân bóng đá Trung tâm TDTT quận Hai Bà Trưng.


Tại buổi khai trương, Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Văn Hiếu đã nhấn mạnh:” Công trình này là biểu hiện sinh động của chủ trương xã hội hóa, hợp tác đầu tư ở nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực thể thao do Quận ủy, UBND quận Hai Bà Trưng đề ra. Việc này có thể không mới ở nhiều nơi khác nhưng với quận Hai Bà Trưng là mới bởi đây là công trình văn hóa- thể thao đầu tiên của quận được một doanh nghiệp đầu tư toàn bộ”.

Từ gần chục năm nay, sân bóng đá của Trung tâm TDTT quận Hai Bà Trưng tại ngõ 176 Trương Định (cạnh Nhà thi đấu quận Hoàng Mai) đã xuống cấp nghiêm trọng. Mặt sân đất xấu, bị cày xới liên tục nên nhão nhoét mỗi khi mưa xuống nên bị hạn chế đáng kể công năng, ảnh hưởng đến các hoạt động TDTT của Trung tâm TDTT quận. Ngoài ra, Nhà thi đấu Hai Bà Trưng được chuyển giao cho quận Hoàng Mai vào năm 2004 càng khiến các hoạt động thể thao phong trào nơi đây gặp khó. Chính vì thế, lâu nay Trung tâm TDTT quận Hai Bà Trưng vẫn được coi là “điểm trắng” về công trình thể thao ở Hà Nội khi không có Nhà thi đấu (thường xuyên phải đi thuê mượn địa điểm) còn sân bóng đá cũng thuộc diện “có cũng như không”.

Chính chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Văn Hiếu cũng nhắc lại rằng việc sân bóng đá xuống cấp, không thể sử dụng liên tục là một nguồn lực bị lãng phí lớn, trong thời gian dài. “Cứ tưởng tượng, trong gần chục năm không khai thác được tối đa sân bóng là đã lãng phí bao nhiêu tiền nếu nhìn dưới góc độ kinh tế. Không kể, hoạt động văn hóa, thể thao, xã hội cũng bị ảnh hưởng. Không ai phải chịu trách nhiệm về chuyện này. Mà thực tế cũng không thể đổ trách nhiệm cho ai”- Chủ tịch UBND quận Nguyễn Văn Hiếu nói. Đấy là thực tế bởi ngân sách quận hạn hẹp nên muốn cải tạo, nâng cấp các công trình cũng không dễ.

Tuy nhiên, chuyện này không kéo dài khi Quận ủy, UBND quận Hai Bà Trưng thông qua chủ trương xã hội hóa các công trình trong quận, mà trước mắt là công trình văn hóa – thể thao. Cụm sân bóng đá quận với diện tích khoảng 5.400m2 là địa chỉ đầu tiên được kêu gọi xã hội hóa. Hiệu quả đến tức thì khi Công ty ISB, doanh nghiệp đang sở hữu hệ thống sân bóng đá Minh Kiệt khắp Hà Nội, đã đầu tư vào đây. Để đến lúc này, Cụm sân bóng đá quận đã khang trang với 4 sân bóng mini cỏ nhân tạo chất lượng cao. Sau hạng mục này, nhà tập đa năng sẽ tiếp tục được xây dựng để nơi đây thành địa chỉ tập luyện thể thao thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Giám đốc Trung tâm TDTT Hai Bà Trưng Vũ Thanh Lâm nói:”Với việc đưa vào hoạt động san bóng đá, Trung tâm TDTT quận đã có một công trình thể thao thực sự để qua đó tổ chức được nhiều hoạt động hơn tại đây. Ngoài ra, nhân dân quanh đây cũng có điều kiện thụ hưởng khi được tập luyện trong những khu vực quy định của khuôn viên sân bóng. “.

Sau thành công ban đầu Cụm sân bóng đá và nhà tập đa năng của Trung tâm TDTT quận, UBND quận Hai Bà Trưng giao các đơn vị chức năng thống kê các công trình, ban đầu thuộc ngành văn hóa-thể thao, rồi nghiên cứu, đề xuất phương án xã hội hóa (thông qua sự sự hợp tác quản lý, đầu tư và khai thác) để không lãng phí một nguồn lực lớn trong quận.

Hà Nhật