Không công bằng cho bệnh viện ngoài công lập
Sức khỏe - Ngày đăng : 06:29, 04/02/2015
Do thay đổi chính sách chi trả BHYT, bệnh viện tư ngày càng vắng bệnh nhân. |
Ưu ái bệnh viện công
Từ năm 2015, Luật BHYT sửa đổi quy định sẽ thanh toán 100%, 95%, 85% theo nhóm đối tượng khám chữa bệnh (KCB) BHYT và theo hạng bệnh viện. Theo đó, định mức chi trả khám chữa bệnh BHYT có sự chênh lệch giữa bệnh viện tuyến trung ương, tuyến tỉnh và tuyến huyện. Theo luật mới, các cơ sở y tế tư nhân tiếp tục được khám chữa bệnh BHYT. Tuy nhiên, các bệnh viện công trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã hoàn thành việc xếp hạng từ năm 2012, trong khi các bệnh viện tư đã có thời gian dài kiến nghị nhưng vẫn không được tham gia xếp hạng. Điều này dẫn đến hệ lụy, toàn bộ bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại bệnh viện và phòng khám tư nhân chỉ được chi trả tương đương với mức chi trả ở cấp huyện.
Điều nghịch lý là, TP Hồ Chí Minh hiện có 36 bệnh viện tư, trong đó hơn một nửa số này có mức đầu tư con người và trang thiết bị tương đương với bệnh viện cấp tỉnh nhưng chưa được công nhận. Với mức chi trả BHYT thấp, người dân không mặn mà đến khám BHYT tại các bệnh viện này, mặt khác nếu điều đó kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng một số bệnh viện tư thua lỗ và không có chi phí tái đầu tư. Từ chỗ được đầu tư trang thiết bị hiện đại, các bệnh viện tư buộc phải tự hạ thấp thứ hạng tương đương với bệnh viện cấp huyện để thu hút nguồn bệnh nhân khám bệnh BHYT.
Đứng trước thực tế này, bác sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán y khoa Medic - Chủ tịch Hội Hành nghề y tế tư nhân TP Hồ Chí Minh lo ngại: "Việc không phân hạng bệnh viện tư, dẫn đến tình trạng cá mè một lứa. Ví dụ cùng một ca phẫu thuật khi thực hiện ở bệnh viện cấp trung ương như Chợ Rẫy được chi trả 100% hay 95%, nhưng ở cấp huyện ở TP Hồ Chí Minh chỉ chấp nhận 60%. Điều này dẫn tới các bệnh viện tư phải xoay xở bù lỗ bằng cách mua máy móc, thiết bị chất lượng thấp hơn để giữ chân bệnh nhân. Nguy hiểm hơn, chính sách thanh toán BHYT mới đang khơi mào cho một cuộc cạnh tranh không công bằng dẫn tới chất lượng khám chữa bệnh tại các bệnh viện tư sẽ giảm".
Ảnh hưởng hợp tác công - tư để giảm tải bệnh viện
Trước những thay đổi của Luật BHYT có dấu hiệu tác động tiêu cực đến khối y tế tư nhân, mới đây Hội Hành nghề y tư nhân TP Hồ Chí Minh đã tổ chức hội thảo về vấn đề này. Nhiều đại diện của các bệnh viện tư tỏ ra lo ngại với thay đổi trong chính sách chi trả BHYT.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng, Phó Chủ tịch Hội Hành nghề y tế tư nhân TP Hồ Chí Minh bức xúc: "Trước đây, với mức chi trả 30% khi người bệnh có thẻ BHYT đi khám tại các phòng khám tư, dù mức chi trả ít hơn bệnh viện công, nhưng người bệnh được hưởng dịch vụ tốt nên phòng khám tư vẫn có lượng lớn bệnh nhân. Sự cắt giảm 30% chi trả từ năm 2015 dẫn đến các phòng khám tư không còn hấp dẫn. Người dân sẽ khám ở bệnh viện công để được hưởng mức chi trả cao hơn. Sau hơn một tháng triển khai Luật BHYT mới, các cơ sở y tế tư nhân đã mất đi 90% lượng bệnh nhân. Dù người dân có nguyện vọng muốn chọn lựa dịch vụ tốt và chất lượng khám chữa bệnh cao nhưng đành quay về với bệnh viện công, vì đa số bệnh nhân sử dụng BHYT là đối tượng nghèo và cận nghèo".
Dược sĩ Phan Anh Dũng - Phó Giám đốc Bệnh viện Mỹ Đức cho biết: "Trong khi chúng ta đang nỗ lực hợp tác bệnh viện công - tư để giảm quá tải bệnh viện, nhưng trước thay đổi chính sách mới, với mức chi trả thấp, các cơ sở y tế tư nhân không níu giữ được lượng người nghèo và cận nghèo đến khám BHYT. Như vậy, nguy cơ quá tải tại các bệnh viện tuyến trên sẽ tiếp tục gia tăng".
Trước thực trạng này, Hội Hành nghề y tư nhân TP Hồ Chí Minh sẽ gửi kiến nghị lên Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam để có những điều chỉnh tích cực nhằm giúp khối y tế tư nhân có điều kiện thuận lợi hơn trong việc tham gia khám chữa bệnh cho bệnh nhân có sử dụng BHYT.