Thương lái thu lợi lớn nhất
Kinh tế - Ngày đăng : 06:27, 04/02/2015
Hiện nay, có nhiều cơ sở giết mổ lợn rải rác khắp cả nước song hầu hết là giết mổ thủ công của tư nhân, quy mô nhỏ, cơ sở trang thiết bị sơ sài và vệ sinh không bảo đảm. Tuy nhiên, nếu chủ cơ sở là thương lái thu mua và phân phối thì họ được hưởng lợi nhiều bởi thực tế gia súc, gia cầm đã qua giết mổ được bán với giá cao hơn từ 20-26% so với giá gia súc, gia cầm hơi bán tại trang trại.
Dây chuyền giết mổ lợn tại Công ty TNHH Thực phẩm Minh Hiền. Ảnh: Linh Ngọc |
Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương cho biết, nông dân là người đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra sản phẩm nhưng lại là đối tượng chịu rủi ro lớn nhất bởi phải chịu sự tác động mạnh của các yếu tố như: Giá thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, tình hình dịch bệnh… Hệ thống giết mổ, phân phối thịt tạo ra thế độc quyền, trong đó các lò mổ và kênh phân phối thu lời lớn nhất, khiến người chăn nuôi chịu thiệt.
Tại Hà Nội, nhu cầu tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm khoảng 800-1.000 tấn/ngày, nhưng có tới 70% lượng thịt này có nguồn gốc từ các điểm giết mổ thủ công không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Thực tế, hiện tiêu dùng thịt ở Việt Nam vẫn chủ yếu qua các kênh phân phối là chợ tạm và chợ cố định (chiếm hơn 90%) vì thói quen đi chợ hằng ngày của nhân dân. Đặc biệt, tâm lý người tiêu dùng hiện vẫn thích sử dụng gia cầm sống giết mổ ngay tại chợ nên đã tạo "đất" cho thương lái kiếm sống. Không những thế, hệ thống thông tin trong toàn bộ các khâu trong chuỗi giá trị đều thiếu và yếu nên sản phẩm "bẩn" vẫn tồn tại được trên thị trường.
Với mục tiêu nâng cao giá trị trong ngành chăn nuôi, mang lại lợi ích cân bằng cho các bên, đặc biệt là người chăn nuôi, nhiều ý kiến cho rằng, các địa phương cần nghiêm cấm việc buôn bán, giết mổ gia cầm sống tại các đô thị, khu đông dân cư, đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm dịch các chợ buôn bán, cơ sở giết mổ, chế biến gia cầm để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài việc mở những lớp tập huấn kỹ thuật trong sản xuất, Nhà nước nên dành kinh phí để mở các lớp đào tạo dài hạn cho người chăn nuôi để trang bị kiến thức nắm bắt về thị trường tiêu thụ. Hộ chăn nuôi cũng cần thay đổi kiểu làm ăn manh mún mà liên kết lại thành lập những trang trại chăn nuôi lớn có đủ tiềm lực về vốn, trực tiếp ký kết hợp đồng với doanh nghiệp cung ứng vật tư đến phân phối sản phẩm, nhằm giảm bớt các khâu trung gian và tăng giá bán tại trại.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, để xóa bỏ khâu trung gian là các thương lái trong chuỗi giá trị từ sản xuất tới tiêu thụ, đặc biệt là khâu giết mổ đến phân phối sản phẩm ở thị trường, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ hợp lý cho người chăn nuôi. Chính sách ban hành ra phải phù hợp với thực tế, tránh tình trạng người dân không tiếp cận được với ưu đãi. Ngoài ra, cần từng bước nghiêm cấm giết mổ nhỏ lẻ trong dân cư; hình thành các sàn giao dịch, các trung tâm giao dịch để tiến tới minh bạch về giá trong quá trình tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.
Theo Cục Thú y, hiện cả nước có 28.285 điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, trong đó 12 tỉnh phía Bắc chỉ có 59 cơ sở giết mổ tập trung, chiếm 0,15%. Ở Việt Nam thường tồn tại 3 loại giết mổ: Giết mổ và xẻ nhỏ cho người bán buôn và bán lẻ chiếm 70%; giết mổ và bán cho người bán buôn, chiếm 24%; giết mổ và bán trực tiếp cho người tiêu dùng chỉ chiếm 6%. |