Nước sinh hoạt tại khu vực nông thôn Hà Nội: Nguồn ô nhiễm đang lan rộng

Xã hội - Ngày đăng : 06:24, 04/02/2015

(HNM) - Nước sạch rất cần thiết cho đời sống và hoạt động sản xuất của người dân. Tuy nhiên, do những nguyên nhân khác nhau, nguồn nước ở khu vực nông thôn đang ô nhiễm nghiêm trọng.

Qua phân tích chất lượng nước 73 trạm cấp nước tập trung và 2.400 mẫu nước ở các công trình cấp nước nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình tại các huyện cho thấy, nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm bẩn đang lan rộng ở nhiều nơi. Tại huyện Phúc Thọ, qua lấy mẫu ở 3 trạm cấp nước tập trung thì cả 3 trạm không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt QCVN 02:2009/ BYT và các chỉ số như hàm lượng amoni, clo dư, pecmanganat đều vượt ngưỡng nhiều lần cho phép. Còn qua phân tích 160 mẫu nước công trình cấp nước nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình tại 10 xã của huyện, có tới 56 mẫu không đạt; trong đó 5 mẫu có độ đục, 4 mẫu có màu sắc, 4 mẫu có chỉ số PH, 4 mẫu có hàm lượng sắt, 19 mẫu có hàm lượng amoni, 24 mẫu có chỉ số pecmanganat, 42 mẫu có vi sinh vật vượt quy chuẩn. Tương tự, qua lấy mẫu phân tích chất lượng nước tại 9 trạm cấp nước tập trung, 212 mẫu nước tại các công trình cấp nước nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình tại 16 xã của huyện Ứng Hòa, thì 100% mẫu nước tại trạm cấp nước và 94 mẫu công trình cấp nước nhỏ lẻ không đạt quy chuẩn, chiếm 44,3%. Nhiều công trình cấp nước nhỏ lẻ trên địa bàn huyện, bằng mắt thường cũng có thể phát hiện nguồn nước bị vẩn đục, vi sinh vật và có mùi khó chịu, đóng cặn ở đáy xoong, nồi…

Ảnh minh họa từ internet


Theo Phó Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Nội Đỗ Quý Hùng, về cơ bản, các chỉ số có tác động lớn đến sức khỏe con người như asen, coliforms, ecoli... đã xử lý đạt chuẩn. Đối với các chỉ số pecmanganat, amoni, clo dư... ở các trạm cấp nước đều vượt quy chuẩn do dây chuyền công nghệ lạc hậu, công suất nhỏ. Trong khi đó, công tác quản lý, khai thác bộc lộ nhiều bất cập như: Trình độ công nhân quản lý, vận hành thiếu chuyên môn, trang thiết bị phục vụ kiểm tra tại chỗ, xử lý sự cố nghèo nàn. Một số công trình cấp nước tập trung không được bảo dưỡng theo đúng định kỳ, dẫn đến hệ thống công trình đầu mối, mạng lưới đường ống dẫn nước xuống cấp. Còn các công trình cấp nước quy mô hộ gia đình, hệ thống lọc chưa được xây dựng đúng kỹ thuật hoặc không thường xuyên được vệ sinh, bảo dưỡng…

Một vấn đề nổi cộm tại các trạm cấp nước tập trung là chất thải trong quá trình lọc nước có chứa rất nhiều tạp chất kim loại nặng như sắt, asen… độc hại đang được xả thẳng ra môi trường. Qua kiểm tra 78 trạm cấp nước tập trung đang hoạt động, có tới 77 trạm không có hệ thống xử lý chất thải. Mặt khác, vấn đề xử lý chất thải lâu nay chưa được quan tâm dẫn đến trạm cấp nước không có hệ thống xử lý chất thải.

Ông Đỗ Quý Hùng cho rằng, cần phải có những giải pháp can thiệp hiệu quả để thúc đẩy tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch. Cụ thể là tập trung đầu tư cấp nước an toàn để người dân không bị xâm hại tới sức khỏe. Trong khi chờ các chương trình, dự án đầu tư của thành phố, người dân nên lựa chọn sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh như nước mưa, nước chứa trong bình. Để nâng cao nhận thức trong khai thác, sử dụng nguồn nước phục vụ sinh hoạt, cơ quan chuyên môn cần công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng bộ chỉ số lấy mẫu, xét nghiệm, phân tích chất lượng nước, đồng thời có kế hoạch cấp nước an toàn, kiểm soát được mối nguy có thể xảy ra đối với sức khỏe con người.

Ông Nguyễn Huy Khánh, Trưởng phòng Kỹ thuật và quản lý chất lượng nước (Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Nội):

Mức độ nguồn nước nhiễm bẩn nhiều nhất là vùng gần lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy, cụm công nghiệp, làng nghề, thuộc các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Hoài Đức, Chương Mỹ, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thanh Trì… Nguyên nhân, do nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, nước thải nông nghiệp cuốn theo chất thải rắn, chất hữu cơ, thuốc trừ sâu, phân bón chưa được xử lý triệt để ngấm xuống đất, ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm. Bên cạnh đó, ý thức sử dụng, bảo vệ nguồn nước ngầm của một bộ phận không nhỏ người dân còn kém, sử dụng tùy tiện, lãng phí.

Hữu Hoài