Gấu nuôi ngắc ngoải chờ... cứu hộ

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:11, 04/02/2015

(HNM) - Trong khi chờ đợi cơ quan quản lý nhà nước họp bàn, thống nhất với các chủ trại nuôi gấu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh để tìm giải pháp giải cứu đàn gấu, thì số lượng gấu tại địa phương này ngày một teo tóp.


Nuôi gấu kiểu… "cầm hơi"


Theo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh, cuối năm 2013 trên địa bàn tỉnh còn 152 cá thể gấu, thì đến tháng 11-2014 chỉ còn 82. Đáng lo ngại hơn, chỉ khoảng 3 tháng trở lại đây, tỉnh Quảng Ninh lại có thêm 34 con gấu bị chết. Như vậy, hiện tỉnh này chỉ còn 48 cá thể gấu do 18 chủ nuôi, song, trong số còn sống đến thời điểm này, có không ít con đang bỏ ăn, suy kiệt sức nằm chờ chết!

Đoàn kiểm tra của Bộ NN&PTNT và Chi cục kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh kiểm tra tại trại Nông Trang, TP Hạ Long.



Chiều 30-1-2015, phóng viên Báo Hànộimới đã cùng đoàn kiểm tra của Cục Kiểm lâm (Bộ NN&PTNT) thị sát một số trại nuôi gấu tại thành phố Hạ Long và thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh).

Trại Nông Trang, phường Đại Yên, cách đây 7-8 năm là trại nuôi gấu quy mô lớn trên địa bàn thành phố Hạ Long. Hiện nay, quang cảnh nơi đây đìu hiu đến nỗi đập vào mắt mọi người là một dãy chuồng với chục lồng sắt trống không; ở dãy chuồng khác gần đó có gần chục lồng sắt đang nuôi nhốt gấu, nhưng mái lợp bằng tấm phibrô xi măng sơ sài, thậm chí có hai lồng còn không có mái che. Trong vẻ mệt mỏi, ông Nguyễn Văn Bờ - chủ trại Nông Trang cho biết, khoảng 3 tháng trước, trại còn nuôi đến 25 cá thể gấu, nhưng đến thời điểm này, 14 con đã chết. "Song, hiện nay trong số 11 con gấu còn sống, thì có đến 5 con đang bỏ ăn" - ông Bờ thở dài!

Lý giải về nguyên nhân đàn gấu nuôi của trại Nông Trang suy giảm nhanh về số lượng trong thời gian qua, ông Bờ cho rằng vì tuổi đời của chúng đã già nên kiệt sức. Đoàn kiểm tra hỏi về khẩu phần ăn dành cho gấu hằng ngày của trại, ông Bờ cho biết, bên cạnh rau, cám, còn có bì lợn. Mặc dù bì lợn không bảo đảm dinh dưỡng, nhưng trại Nông Trang của ông Bờ cũng chỉ dám cho 11 cá thể gấu ăn với bình quân 5-7kg bì lợn/ngày; mỗi ngày chúng cũng chỉ được cho ăn một bữa… Theo ông Nguyễn Văn Bờ, khoảng một năm nay, gia đình ông không thu được một đồng nào từ trại nuôi gấu, nên duy trì cho gấu như vậy là cả một sự gắng gượng.

Trông có vẻ khá hơn đàn gấu tại trại Nông Trang là đàn gấu tại trại nuôi gấu của ông Nguyễn Thanh Nhượng ở thị xã Quảng Yên. Trước đây trại nuôi gấu của ông ở trên thành phố Hạ Long, nhưng vì không đủ tiền trang trải chi phí thuê đất, thuê người chăm sóc nên hơn một tháng trước, ông Nhượng đã quyết định chuyển toàn bộ số gấu về nuôi tại khu vườn nhà mình để tiện chăm sóc và giảm chi phí. Ông Nguyễn Thanh Nhượng cho biết thêm, từ cuối năm 2013, du khách đã không còn tìm đến các trại nuôi gấu trên địa bàn thành phố Hạ Long để tham quan nên không còn thu nhập, trong khi tính chi phí bình quân cho mỗi cá thể gấu phải mất khoảng 2 triệu đồng/tháng (bao gồm: tiền mua thức ăn, thuê người chăm sóc, trông nom, tiền thuê mặt bằng, chi phí điện, nước). Không còn trông chờ vào nguồn thu nhập từ nuôi gấu, ông Nhượng đã phải đi tìm việc làm khác để lấy tiền nuôi đàn gấu dù là cho chúng ăn cầm hơi. Trước đây, do phó mặc cho người được thuê chăm sóc, trông nom, nên chỉ trong vòng một năm (năm 2014), đàn gấu của ông Nhượng đã mất 20 con, hiện nay chỉ còn 13 cá thể.

Cũng theo ông Nhượng, việc chăm sóc đàn gấu nay đã giao cho người nhà nên bớt được khoản chi phí thuê nhân công, yên tâm hơn trong việc chăm sóc, vệ sinh chuồng trại. Tuy nhiên, khi thị sát chuồng trại, Đoàn kiểm tra đánh giá chưa bảo đảm vệ sinh, gấu rất dễ bị nhiễm bệnh nếu sống trong môi trường này.

Chờ cứu hộ đến bao giờ?

Những năm trước, các trại gấu được mở ra ở nhiều địa phương của tỉnh Quảng Ninh nhằm mục đích phục vụ du khách đến tham quan và mua mật gấu. Từ đầu năm 2014, các chủ trại không thể chích hút mật gấu để bán vì các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ, lượng du khách đến thăm cũng vơi dần khiến các chủ trại mất nguồn thu. Do đó, họ không có điều kiện nuôi và chăm sóc gấu như trước, mà chỉ nuôi "cầm hơi" cho qua ngày nên hầu hết gấu nuôi tại các trại bị suy dinh dưỡng nặng. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến gấu nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh chết rất nhiều. Trên thực tế, hiện có không ít cá thể gấu bỏ ăn tại các trại.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh Mạc Văn Xuyên cho rằng, phần lớn các cá thể gấu nuôi trên địa bàn tỉnh đều có độ tuổi trung bình từ 15-20 tuổi (vòng đời bình quân của loài gấu khoảng 25-30 tuổi), do đó nếu không sớm triển khai các biện pháp cứu hộ kịp thời, thì gấu nuôi trên địa bàn có nguy cơ bị xóa sổ hoàn toàn. Chính vì thế, gần đây, Tổ chức Động vật Châu Á đã có công văn gửi một loạt các cơ quan chức năng, các cơ quan thông tấn báo chí, kêu gọi nhanh chóng ra tay cứu những cá thể gấu còn lại trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đang trong tình trạng nguy cấp.

Tuy nhiên, dù đã có rất nhiều cuộc họp bàn giữa cơ quan chức năng và các chủ trại nhưng vẫn chưa tìm được "tiếng nói chung", cụ thể là số tiền nhà nước hỗ trợ cho chủ trại đối với mỗi cá thể gấu khi chuyển từ trại nuôi về trung tâm cứu hộ là bao nhiêu? Ngày 27-1-2015, các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh Quảng Ninh đã họp khẩn nhằm tìm ra các biện pháp cứu gấu. Nhưng cũng như bao cuộc họp khác, giải pháp được đưa ra vẫn là đề xuất các cơ quan cấp trên có phương án di chuyển toàn bộ số gấu trên địa bàn tỉnh đến các trung tâm cứu hộ có đủ điều kiện; đồng thời có cơ chế tài chính hợp lý hỗ trợ các chủ nuôi.

Ngay trong chiều 30-1-2015, Đoàn kiểm tra đã làm việc với một số chủ trại nuôi gấu trên địa bàn thành phố Hạ Long và thị xã Quảng Yên để ghi nhận ý kiến, kiến nghị của họ. Các chủ hộ đều không nhất trí chuyển gấu nuôi từ trại của họ về Trung tâm Cứu hộ gấu quốc gia với mức hỗ trợ 15-20 triệu đồng/cá thể gấu, mà họ đề nghị hỗ trợ 40-50 triệu đồng/cá thể. Nếu không đáp ứng được mức hỗ trợ trên, họ cam đoan với cơ quan chức năng là vẫn nuôi và chăm sóc gấu tại trại cho đến hết vòng đời của mỗi cá thể gấu mà không cần sự hỗ trợ gì về chi phí nuôi, chăm sóc từ nhà nước hay bất cứ tổ chức nào. Ông Nguyễn Văn Bờ - chủ trại Nông Trang cho biết, năm 2007, gia đình ông đã chuyển gấu về trung tâm cứu hộ. Tuy nhiên, sau khi chuyển được 2 cá thể thì từ đó đến nay, gia đình ông không hề nhận được hồi âm (!?)

Ngày 30-1-2015, Bộ NN&PTNT có công văn đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam vận động các hộ đang nuôi gấu tại Hạ Long và trên địa bàn tỉnh chuyển giao toàn bộ cá thể gấu về Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam tại Vườn quốc gia Tam Đảo để cứu hộ, nuôi dưỡng. Đồng thời, các đơn vị tiếp tục giám sát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý bảo tồn gấu (nếu có); Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận, quản lý, nuôi gấu theo quy định hiện hành và tôn chỉ, mục đích bảo tồn.

Phải mất bao lâu để vận động các chủ trại chuyển giao các cá thể gấu còn lại trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cho Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam? Trong khi hiện có không ít cá thể gấu đang ngắc ngoải sống để chờ được cứu hộ!

Đức Hải