Thách thức mới của Thủ tướng Shinzo Abe
Thế giới - Ngày đăng : 06:09, 04/02/2015
Cuộc khủng hoảng con tin vượt biên giới Nhật Bản đã cho thấy, mối nguy hiểm của chủ nghĩa khủng bố; đồng thời lộ rõ yếu huyệt "an ninh" của một trong những quốc gia được coi là an toàn nhất thế giới.
Người dân mang theo ảnh nhà báo Kenji Goto vừa bị IS hành quyết biểu tình tại Tokyo. |
Tranh cãi liên quan đến số phận của hai công dân Nhật Bản bị hành quyết tàn bạo đã tạm lắng nhưng một loạt câu hỏi đang được dư luận đất nước Mặt trời mọc đặt ra với Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe. Không ít ý kiến tỏ ra nghi ngại rằng, vì sao một đất nước mạnh về kinh tế, đi đầu về các thành tựu phát triển khoa học kỹ thuật, có tiềm lực về an ninh - quốc phòng… nhưng đã không thể làm gì hơn trước những ràng buộc Hiến pháp trong cuộc chiến chống khủng bố hiện nay? Và, liệu sau cú sốc kinh hoàng cũng như những nguy cơ mới đang rình rập có khiến Chính phủ Nhật Bản thay đổi chính sách trong cuộc chiến chống khủng bố hay không?
Hai thập kỷ qua, Nhật Bản đã nhiều lần muốn vươn tầm ảnh hưởng ra thế giới khi tìm cách nới lỏng những hạn chế về quân sự theo Hiến pháp - một động thái luôn gây tranh cãi trong dư luận. Kể từ khi lên nắm quyền cuối năm 2012, Thủ tướng S.Abe không ngừng nỗ lực mở rộng phạm vi chiến dịch của Lực lượng Phòng vệ (SDF) khi nhấn mạnh Nhật Bản nên tích cực đóng góp vào hòa bình toàn cầu. Vì thế, tháng 7-2014 vừa qua Chính phủ Nhật Bản đã quyết định thay đổi cách hiểu với bản Hiến pháp hòa bình liên quan đến việc thực thi quyền phòng vệ tập thể. Theo đó, nước này sẽ được phép thực thi quyền phòng vệ tập thể, nếu "sự tồn vong của quốc gia bị đe dọa và xuất hiện những nguy cơ rõ ràng đối với quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của người dân". Vì thế, từ khi xảy ra vụ khủng hoảng con tin (ngày 20-1), nội các Nhật Bản không ngừng kêu gọi cho phép SDF giải cứu công dân gặp nguy hiểm ở nước ngoài và sử dụng vũ khí nếu được quốc gia sở tại cho phép. Bởi theo quy định hiện nay, SDF chỉ được phép hộ tống công dân.
Trước những đòi hỏi ngày một cấp thiết trong cuộc chiến chống khủng bố trong một phát biểu mới nhất trước Ủy ban Ngân sách của Thượng viện, Thủ tướng S.Abe đã không ngần ngại tuyên bố rằng: Tokyo không nên áp đặt các giới hạn địa lý với SDF để có thể bảo vệ thích đáng các đồng minh trong quyền phòng vệ tập thể. Đó là lý do vì sao Chính phủ Nhật Bản đang lên kế hoạch thuyết phục Quốc hội thông qua quyền phòng vệ tập thể hoặc bảo vệ đồng minh trong các vụ tấn công vũ trang kể cả khi Nhật Bản không bị tấn công. Thay đổi này cũng đồng nghĩa chấm dứt việc cấm Nhật Bản hỗ trợ một quốc gia đồng minh trong trường hợp quốc gia đó bị tấn công. Ngoài ra, nó cũng nới lỏng những hạn chế hoạt động của SDF trong chiến dịch gìn giữ hòa bình do Liên hợp quốc đứng đầu và các "kịch bản vùng xám" - những tình huống bất trắc nhưng chưa đến mức bùng phát thành chiến tranh.
Những ngày này Nhật Bản đang thắt chặt an ninh tại các sân bay, các điểm giao thông công cộng và kêu gọi các nhà báo và công dân ở gần những nơi xung đột tại nước ngoài về nước. Khẳng định Tokyo không khoan nhượng trước chủ nghĩa khủng bố khi tiếp tục hỗ trợ phi quân sự cho Trung Đông, Thủ tướng S.Abe cũng đồng thời đưa ra cảnh báo nguy cơ bị bắt cóc cùng các mối đe dọa khác.
Vẫn còn quá sớm để dự báo tác động của vụ khủng hoảng con tin tới chính sách của Tokyo và tâm lý của xã hội Nhật Bản. Thế nhưng, điều này không có nghĩa là nỗ lực đóng góp của Nhật Bản trong cuộc chiến chống khủng bố sẽ bị lung lay. Cuộc khủng hoảng con tin vừa qua đang đặt ra thách thức cho chính sách của Thủ tướng S.Abe. Đó là Nhật Bản có trực tiếp tham gia vào các cuộc xung đột ở nước ngoài hay không dù là tối thiểu? Điều này sẽ đảo ngược khái niệm hòa bình trong Hiến pháp 1947 của Nhật Bản .