“Lỗ hổng” an ninh sân bay
Pháp luật - Ngày đăng : 05:57, 04/02/2015
Các đối tượng ăn trộm nhiên liệu máy bay Hãng Jestar bị bắt giữ. |
Như Báo Hànộimới đã phản ánh, ngày 28-1, Ban chuyên án của Bộ Công an phối hợp cùng với Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động, Công an TP Hồ Chí Minh và một số đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Quốc phòng đã bắt 7 đối tượng, trong đó có 3 người là nhân viên lái xe của phòng kỹ thuật Hãng Jestar đã bắt tay với bên ngoài để "rút ruột" nhiên liệu. Các đối tượng khai trung bình mỗi ca trực "rút" được từ 600 đến 900 lít xăng A1 tuồn ra ngoài pha chế với dầu diesel theo tỷ lệ 50-50 để bán cho người dân làm nhiên liệu sử dụng cho nhiều phương tiện cơ giới khác. Hành vi này đã thực hiện suốt 2 năm mới bị phát hiện.
Vụ việc còn đang ồn ã dư luận thì chỉ 2 ngày sau, rạng sáng 30-1, lực lương an ninh Cảng vụ Hàng không miền Nam (Cục Hàng không Việt Nam) đã bắt quả tang 2 nhân viên (lái xe và tra nạp nhiên liệu) của Công ty Xăng dầu Hàng không Vinapco. Thay vì ra tiếp nhiên liệu cho máy bay tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, họ chạy xe ra sát hàng rào sân bay, dùng ống tiếp xăng dài khoảng 100m chuyển xăng từ xe bồn sang một xe tải đậu sẵn. Hiện Vinapco đã đuổi việc 2 nhân viên này.
Theo Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến (Trưởng ban chuyên án, Cục trưởng Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội - C45, Bộ Công an) đây là vụ trộm nhiên liệu máy bay quy mô lớn bị triệt phá trong nhiều năm trở lại đây. Trong quá trình phá án, trinh sát gặp nhiều khó khăn do đối tượng trộm cắp là nhân viên của hãng hàng không, hành vi trộm cắp xảy ra bên trong khu vực sân bay nên rất khó tiếp cận... Phải mất thời gian dài theo dõi, lực lượng chức năng mới có thể bắt quả tang. Vụ việc đang tiếp tục được điều tra mở rộng.
Theo quy định, khi thực hiện một chuyến bay, máy bay phải dự trữ nhiên liệu thêm 2 giờ bay phòng ngừa nếu không đáp xuống được nơi cần đến. Vì vậy việc nhiên liệu máy bay bị rút trộm đã khiến dư luận lo lắng. Tuy nhiên, theo một cựu phi công, trước mỗi chuyến bay, nhân viên kỹ thuật mặt đất sẽ giữ lại khoảng vài lít nhiên liệu để xét nghiệm về chất lượng, còn phi công sẽ kiểm tra xăng trên các đồng hồ. Trên máy bay mỗi bình xăng có thể có đến 4-5 đồng hồ, hoặc 1 đồng hồ có đến 4-5 kim đo nhiên liệu. Khi hạ cánh, tại 4 bình xăng trên 2 bên cánh máy bay, nhân viên kỹ thuật sẽ hút ra khoảng 80 lít để kiểm tra chất lượng nhiên liệu trong quá trình bay và có thể coi như nhiên liệu thải loại bởi đều được lấy ra từ "rốn" mỗi bình xăng. Nói thế để thấy được quy trình chặt chẽ khi tiếp nhiên liệu máy bay nên khó có thể xảy ra sai sót ở quy trình này. Vì vậy, lượng nhiên liệu loại thải bị trộm cắp nêu trên không ảnh hưởng đến an toàn bay.
Tuy nhiên, theo Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, xăng máy bay bị trộm cắp mang ra ngoài pha chế không theo quy chuẩn dễ gây hỏng hóc cho máy móc phương tiện giao thông của người dân. Hành vi này gây hại không nhỏ cho xã hội, cho ATGT. Mặt khác, cơ sở pha chế xăng dầu trái phép này nằm gần khu dân cư không bảo đảm an toàn PCCC, nếu xảy ra sự cố, hậu quả rất khó lường.
Tại buổi tọa đàm về "Văn hóa an toàn hàng không" diễn ra mới đây tại TP Hồ Chí Minh, các cơ quan chức năng đưa ra nhiều cảnh báo về an ninh hàng không nhưng chỉ dừng lại ở các hành vi như mang vũ khí, vật phẩm nguy hiểm; tung tin có bom, mở cửa thoát hiểm; hành khách say rượu, người dân thả diều gần khu vực bay, người dân thả trâu bò vào sát khu vực cấm... Trong khi đó, theo TS.Phạm Sanh, nguyên giảng viên ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh, chỉ trong vòng liên tiếp 2 ngày xảy ra 2 vụ trộm xăng dầu tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cho thấy công tác an ninh sân bay có lỗ hổng.
"Thế giới và hành khách đi máy bay nghĩ sao khi một sân bay quốc tế lớn nhất của Việt Nam lại xảy ra nạn trộm cắp nhiên liệu liên tục trong một thời gian dài, nhiều hình thức và nhiều thủ đoạn tinh vi? Cần phải kiên quyết điều tra xử lý nghiêm các cá nhân và đơn vị liên quan. "Hãy xử lý phần gốc chứ đừng chạy theo phần ngọn như các lần xử lý vi phạm hoặc ăn cắp trước đây", TS.Phạm Sanh nói. Đây không phải là lần đầu vụ việc ăn cắp xăng dầu máy bay bị phanh phui, có thời gian báo chí đưa tin dồn dập, với khá nhiều hình ảnh bằng chứng, nhưng cách xử lý của các cơ quan chức năng có phần… nhẹ.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP Hồ Chí Minh: Sắp tới, khi sửa đổi Bộ luật hình sự, cần bổ sung quy định truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi gây nguy hiểm tới hoạt động an toàn hàng không. Bộ luật Hình sự hiện hành vẫn chưa quy định về hành vi này. Việc bổ sung tội đe dọa, gây nguy hiểm tới an toàn hàng không trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết bởi trong thời gian gần đây, tai nạn trong lĩnh vực hàng không xảy ra nhiều, gây hậu quả nặng nề cho xã hội. Khi Bộ luật Hình sự quy định về tội này thì cơ quan tố tụng có căn cứ pháp lý để truy cứu trách nhiệm hình sự nặng hơn đối với người trộm cắp nhiên liệu, gây nguy hiểm tới an toàn hàng không, bảo đảm tính răn đe của pháp luật. |