Sống mãi lời thề “Quyết không bỏ Đảng!”
Chính trị - Ngày đăng : 06:34, 03/02/2015
Ngoài các trại giam lớn như Phú Hải, Phú Sơn, Phú Thọ, Phú Bình, ở đây còn có khám giam đặc biệt với những tên gọi chuồng Cọp, chuồng Bò... ở đó vừa ngột ngạt, vừa thiếu không khí, tù nhân phải luân phiên nhau người ngồi, người nằm.
Lịch sử nhà tù Côn Đảo - nơi chứng kiến sự bất khuất, kiên trung của lớp lớp sĩ phu yêu nước, chiến sĩ cộng sản vẫn vẹn nguyên tính thời sự. Ảnh: Bảo Lâm |
Trong các tư liệu của Bảo tàng Côn Đảo - công trình do Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội xây tặng tại mảnh đất thiêng này, tôi tìm được khá nhiều thông tin xúc động: Trong suốt 113 năm (1862 - 1975), thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã giam cầm, đày đọa hơn 200.000 lượt người tù. Thời điểm đông nhất (1967 - 1969), nơi đây giam giữ tới 10.000 tù nhân.
Rất nhiều sĩ phu yêu nước như Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phạm Thận Duật, Nguyễn Thiện Kế, Phan Thúc Duyện, Ngô Đức Kế, Dương Bá Trạc, Trần Cao Vân, Nguyễn Thiệp... đã bị thực dân Pháp giam cầm ở đây. Những năm sau này, hàng vạn cán bộ, đảng viên cộng sản, trong đó có nhiều đồng chí sau này trở thành lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước cũng từng bị giam cầm ở đây như: Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Tống Văn Trân, Tôn Đức Thắng, Lê Hồng Phong, Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn, Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh, Lê Văn Lương, Lê Đức Thọ...
Chế độ hà khắc lao tù đã cướp đi sinh mạng của 1/10 trong số những người tù ở Côn Đảo - có nghĩa là khoảng 20.000 người. Nhưng dù kẻ thù càng tra tấn đày đọa, các chiến sĩ cách mạng càng thể hiện mạnh mẽ ý chí đấu tranh kiên cường bất khuất, giữ vững khí tiết của người cộng sản. Kể cả khi bộ máy nhà tù triển khai cuộc trấn áp kéo dài liên tục nhiều năm nhằm tấn công trực diện vào lý tưởng cách mạng và quyền tự do tư tưởng từ năm 1957 đến 1961. Thời gian này, bên cạnh việc đọa đày về ăn uống, chế độ lao tù cũng hà khắc hơn. Ban giám đốc nhà tù còn triển khai thủ đoạn yêu cầu các tù nhân phải viết "giấy xác nhận lập trường". Nếu ai chấp nhận từ bỏ Đảng, ly khai cách mạng và quay về với "chính nghĩa quốc gia" (chính quyền Ngô Đình Diệm) thì sẽ được đưa khỏi biệt giam và được ăn uống, đối đãi tử tế. Nhưng suốt nhiều năm trời, những người tù chính trị Côn Đảo đã kiên cường đấu tranh bảo vệ khí tiết, bảo vệ quyền tự do tư tưởng. Đã có hàng trăm người anh dũng hy sinh trong cuộc đấu tranh này. Tiêu biểu nhất là chuyện bảy chiến sĩ cuối cùng kiên cường trong chuồng Cọp đã cùng nhau cam kết quyết tử chống ly khai. Sau sự hy sinh của hai đồng đội, năm chiến sĩ còn lại vẫn tiếp tục cuộc đấu tranh cho đến ngày toàn thắng. Năm chiến sĩ cách mạng: Nguyễn Đức Thuận, Phan Trọng Bình, Phạm Quốc Sắc, Nguyễn Minh và Lê Văn Một đã được tập thể tù chính trị Côn Đảo tôn vinh là "Năm ngôi sao sáng".
Đọc lại bút tích của những chiến sĩ cách mạng ngày ấy, không thể không kính phục những tấm lòng trung kiên với Đảng, với Bác Hồ, với cách mạng.
Trước khi hy sinh ít lâu, ngày 25-3-1961, từ trong chuồng Cọp, đảng viên Lưu Chí Hiếu đã viết: "Tôi không ly khai Đảng Cộng sản được. Tôi xin chịu trách nhiệm không ly khai".
Đảng viên Phạm Quốc Sắc ngày 27-3-1961 viết: "Tôi không ly khai Đảng Cộng sản vì tư tưởng (của tôi) tin tưởng vào đường lối của cộng sản, cụ thể trong việc kháng chiến chống Pháp và đường lối thống nhất đất nước bằng phương pháp hòa bình".
Ngày 27-3-1961 đảng viên Lê Văn Một (quê Sóc Trăng) cũng khẳng định: "Tôi không thể ly khai hàng ngũ cộng sản được vì tôi không thể đả đảo Hồ Chí Minh được".
Còn đồng chí Nguyễn Đức Thuận viết: "Trước đây vì lòng yêu nước và đường lối giải phóng dân tộc của Đảng Lao động Việt Nam nên tôi tham gia kháng chiến, tham gia Đảng. Ngày nay tôi cũng chỉ vì hòa bình thống nhất đất nước và đường lối thống nhất đất nước của Đảng Lao động Việt Nam phù hợp với nguyện vọng của tôi, và tôi quan niệm đó cũng là phù hợp với ý nguyện của nhân dân Việt Nam. Vì những lý do đó, tôi không thể ly khai được".
"Quyết không bỏ Đảng", lời khẳng định đanh thép từ trong hầm tối ngục tù đã được những người cộng sản chân chính lý giải bằng nhiều cách khác nhau, mộc mạc mà kiên định.
Ngày 24-8-1961, đồng chí Ngô Đến (Khánh Hòa) viết "Giấy xác nhận lập trường" có nội dung: "Tôi không ly khai để ra trại sinh hoạt được là vì: Đường lối đấu tranh hòa bình thống nhất, độc lập dân tộc của cộng sản phù hợp nguyện vọng của nhân dân và tôi. Ly khai là từ bỏ nhiệm vụ cách mạng chân chính, bước sang con đường khác, đi ngược ý muốn toàn dân trái với đường lối đấu tranh hòa bình thống nhất. Đã không làm tròn nhiệm vụ cách mạng, không bảo vệ lập trường đấu tranh mà còn bị tiêu diệt sinh mệnh chính trị, tổn thương cách mạng và cá nhân tôi".
Ngày 27-3-1961, đảng viên Phạm Thành Trung, 39 tuổi, quê ở Mỹ Tho viết chắc nịch: "Tôi không thể ly khai Bác và Đảng Cộng sản được".
Ngày 27-3-1961, đảng viên Hoàng Chất (Hà Nội) khẳng định lập trường của mình rất ngắn gọn mà kiên định: "Tôi không thể ly khai cộng sản được, nên tôi không thể ly khai để trở về quốc gia".
Đảng viên Nguyễn Văn Mười (tức Hoàng Sơn) ngày 27-3-1961, viết: "Tôi trước sau như một không thể ly khai Đảng Cộng sản được là vì Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam phục vụ cho quyền lợi đại đa số dân tộc Việt Nam. Đó là nguyện vọng thiết tha và duy nhất của đồng bào, chủ trương thống nhất và hòa bình trên tinh thần liên hiệp giữa hai miền Nam Bắc. Tùy ở nhà cầm quyền đối xử rộng lượng tôi nhờ, khắt khe tôi chịu".
85 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã có rất nhiều thay đổi thần kỳ, vĩ đại. Sự thần kỳ đó không đến từ phép màu nào, mà trước hết từ chính tấm lòng trung kiên "quyết không bỏ Đảng" của lớp lớp cán bộ, đảng viên.
Từ trong ngục tù tăm tối của kẻ thù ở Côn Đảo, những người cộng sản năm xưa đã "quyết không bỏ Đảng". Quyết tâm thiêng liêng ấy đã, đang và sẽ mãi mãi khắc ghi sâu thẳm trong trái tim, khối óc và hành động mỗi người cộng sản chân chính.