Kích tăng trưởng tín dụng

Kinh tế - Ngày đăng : 06:41, 02/02/2015

(HNM) - Kết quả kinh doanh năm 2014 đã được các ngân hàng dần công bố, không bi đát như dự đoán, nhưng cũng không như kỳ vọng, do phải trích lập dự phòng rủi ro, xử lý nợ xấu.

Theo dự báo, năm 2015 sẽ thuận lợi hơn và ngay từ những ngày đầu năm mới, nhiều ngân hàng đã triển khai chương trình cho vay ưu đãi nhằm kích tăng trưởng tín dụng...

Ảnh minh họa từ internet


Không chỉ ưu tiên cho các doanh nghiệp (DN) lớn, Ngân hàng TMCP Phát triển nhà TP Hồ Chí Minh (HDBank) còn dành nguồn vốn cho vay với những người kinh doanh quy mô nhỏ. Theo lãnh đạo HDBank, đối tượng này chỉ đủ điều kiện vay lượng vốn nhỏ, nhưng khá nhiều và mức độ rủi ro không cao. Cụ thể, để hỗ trợ nguồn vốn cho kế hoạch nhập hàng kinh doanh nhân dịp Tết Ất Mùi 2015 của các chủ cửa hàng kinh doanh tạp hóa, HDBank triển khai chương trình cho vay ưu đãi "Tiếp vốn kinh doanh, rước lộc vào nhà" với lãi suất, hạn mức ưu đãi, thủ tục và phương thức trả nợ linh hoạt. Chương trình có hạn mức vay tối đa lên đến 500 triệu đồng, thời gian vay từ 12 tháng đến 84 tháng, không bắt buộc bổ sung chứng từ chứng minh thu nhập, lãi suất tối đa 0,28%/tuần, không áp dụng phí trả nợ trước hạn. Khách hàng có thể chọn phương thức trả nợ hằng tháng, hằng quý, 12 tháng hoặc góp đều vốn và lãi hằng tháng. Đặc biệt, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng, HDBank không yêu cầu họ đăng ký kinh doanh hay có xác nhận của phường, xã.

Tại Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), một gói tín dụng 10.000 tỷ đồng được cam kết dành cho các DN ở TP Hồ Chí Minh nhằm tạo điều kiện cho mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng tính cạnh tranh, thu hút khách hàng. Mức lãi suất được áp dụng chỉ từ 6,5% đến 6,9%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn. Cùng với đó, SeABank cũng cam kết sẽ tích cực hỗ trợ DN giải quyết khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, giúp thu được hiệu quả cao, đồng thời thẩm định vốn cho vay đối với DN. Đặc biệt, khách hàng DN còn được hưởng ưu đãi về chuyển tiền, phí dịch vụ của SeABank trong năm 2015. Ngoài gói tín dụng này, thời gian tới, SeABank còn triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi khác với mức lãi suất thấp, phù hợp với DN. Đó là sản phẩm "Ưu đãi tăng trưởng tín dụng khách hàng DN 2015" giúp khách hàng có nhu cầu vay vốn ngắn hạn bằng VND để bổ sung vốn lưu động, lãi suất tối thiểu là 7,5%/năm. DN có nhu cầu vay trung hạn bằng VND để đầu tư mua sắm mới hoặc thêm tài sản phục vụ sản xuất kinh doanh sẽ được hưởng lãi suất thấp hơn 2%/năm so với lãi suất cho vay thông thường. DN có nhu cầu vay vốn ngắn hạn bằng USD được hưởng lãi suất tối thiểu 3,5%/năm. Thời gian ưu đãi đối với các hợp đồng cho vay ngắn hạn tối đa là 3 tháng và 12 tháng đối với các hợp đồng cho vay trung hạn.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) hỗ trợ DN bổ sung vốn kinh doanh và mua sắm tài sản cố định với sản phẩm cho vay không tài sản bảo đảm và thẻ tín chấp dành cho khách hàng DN. Đây là 2 dòng sản phẩm được thiết kế dành riêng cho DN thuộc các lĩnh vực kinh doanh như chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, dệt may, da giày, sản xuất hàng tiêu dùng, sản xuất thiết bị điện, điện tử và sản phẩm quang học… mà không cần tài sản bảo đảm. Với sản phẩm cho vay không tài sản bảo đảm, khách hàng được vay vốn với hạn mức tín dụng tối đa 5 tỷ đồng trong 36 tháng. Với thẻ tín chấp DN, khách hàng được cấp tín dụng với hạn mức 2 tỷ đồng cùng những ưu đãi như: hưởng giảm giá lên tới 50% khi mua sắm tài sản DN, hưởng bảo hiểm du lịch, mất cắp tối đa 3 tỷ đồng. Đặc biệt, với thẻ tín chấp, DN có thể thoải mái chi tiêu trước, trả tiền sau và được hưởng tới 45 ngày không phải trả lãi suất sau khi chi tiêu.

Đẩy mạnh cho vay, nhưng không có nghĩa là nới quy định cho vay bằng mọi giá để đạt mục tiêu về tăng trưởng tín dụng. Để nợ xấu không còn cơ hội "cồng kềnh" hơn, hoạt động cho vay an toàn hơn, các ngân hàng cần tiếp tục thắt các điều kiện cho vay, nhất là cho vay tín chấp, mảng tín dụng gây nhiều rủi ro cho hệ thống.

Các ngân hàng đạt lợi nhuận cao hơn dự báo

(HNM) - Mặc dù không đến mức lãi "khủng" do các ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu, nhưng kết quả kinh doanh năm 2014 của các ngân hàng lần lượt được công bố tuần qua cũng không thấp như dự báo. Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) đạt lợi nhuận 75 tỷ đồng, đặc biệt nợ xấu giảm 58,48% so với đầu năm, chiếm 2,52% so với tổng dư nợ.

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), đạt lợi nhuận lũy kế (sau khi trích đủ dự phòng tín dụng) trên 536 tỷ đồng, bằng 122% kế hoạch năm.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) có lợi nhuận thuộc vào nhóm cao, với 5.680 tỷ đồng, cao hơn kế hoạch là 5.500 tỷ đồng, tăng 2% so với năm trước. Tỷ lệ nợ xấu đã giảm về mức 2,3% so với 2,7% của năm 2013.

Đức Anh