Cát tặc lộng hành: Chính quyền địa phương lúng túng
Đời sống - Ngày đăng : 06:34, 02/02/2015
Hơn 2 tháng sau khi lực lượng của Bộ Công an phối hợp với Công an TP Hà Nội triệt phá ổ nhóm khai thác cát trái phép trên sông Hồng đoạn qua địa bàn huyện Phúc Thọ, hoạt động khai thác cát lại diễn ra tấp nập. Dọc tuyến sông dài khoảng 1,5km, đoạn giáp ranh giữa xã Sen Chiểu, huyện Phúc Thọ (Hà Nội) và xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), mỗi ngày hàng nghìn mét khối cát dưới đáy sông Hồng được đưa lên tàu cuốc, rồi các phương tiện vận tải khác tấp nập chở về tỉnh Vĩnh Phúc.
Khai thác cát lòng sông Hồng khu vực xã Sen Chiểu (Phúc Thọ). |
Theo ông Phan Văn Cường, cán bộ địa chính xã Sen Chiểu, trên khúc sông này có 16 tàu cuốc của hai doanh nghiệp. Việc khai thác bừa bãi khiến dòng chảy sông Hồng thay đổi, phá vỡ môi trường sinh thái, khoảng 20m đê hữu Hồng bị sụt sạt. Về đêm, tiếng ồn từ tàu hút cát khiến người dân xã Sen Chiểu mất ngủ, cuộc sống sinh hoạt bị đảo lộn... Một nông dân xã Sen Chiểu cho biết, dù hệ thống đê, kè hữu Hồng đã được kiên cố hóa nhưng việc khai thác với quy mô lớn sẽ làm lòng sông bị xói mòn, tác động đến một trong những tuyến đê trọng yếu phòng chống lụt bão của thành phố Hà Nội. Vì vậy, cơ quan chức năng và chính quyền các cấp của Hà Nội cần phải quyết liệt giải quyết tận "gốc".
Trao đổi với PV Hànộimới, chính quyền huyện Phúc Thọ và xã Sen Chiểu tỏ ra lúng túng trước hoạt động khai thác cát lòng sông Hồng ở khu vực này. Ông Nguyễn Việt Liên, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, khu vực khai thác cát lòng sông Hồng thuộc địa bàn giáp ranh, "nóng" nhất hiện nay là đoạn sông thuộc xã Sen Chiểu giáp ranh với xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường. Huyện Phúc Thọ đã giao Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện liên hệ với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) căn cứ hồ sơ địa giới hành chính 364 để xác định địa giới hành chính giữa các xã Vân Nam, Vân Hà (Phúc Thọ) và Trung Hà (Yên Lạc). Sau khi xác minh ngoài thực địa, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Lạc cho rằng, hầu hết đoạn sông đang diễn ra việc khai thác cát thuộc địa giới hành chính các xã Vân Nam, Vân Hà nên huyện Phúc Thọ chủ động kiểm tra, xử lý. Còn xã Sen Chiểu, theo hồ sơ 364, trước đây, đường địa giới hành chính nằm ở giữa sông, tuy nhiên, do biến động dòng chảy, sau khi đo đạc lại, toàn bộ phần mặt nước hiện nay thuộc địa giới hành chính xã Sen Chiểu.
Để dẹp bỏ "nạn" cát tặc lộng hành, UBND huyện Phúc Thọ chỉ đạo Công an huyện kiểm tra, xử lý khai thác cát lòng sông nhưng các chủ tàu không hợp tác, đồng thời điều khiển tàu dạt về phía xã Vĩnh Ninh, còn tàu khai thác ở khu vực xã Vân Hà rút về xã Trung Hà. Ông Trần Đình Ngữ, chuyên viên Phòng Tài Nguyên và Môi trường huyện Phúc Thọ cho biết, toàn bộ tàu cuốc khai thác cát lòng sông tại khu vực xã Sen Chiểu là tàu của Công ty cổ phần Hữu Bích và Công ty Kevin, tàu khai thác cát ở khu vực xã Vân Hà của Công ty TNHH An Viên. Các doanh nghiệp này đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép khai thác lòng sông Hồng ở địa phận giáp ranh với huyện Phúc Thọ. Khi được hỏi vì sao chính quyền không xử lý cát tặc khai thác cát lòng sông trái phép, để tình trạng này xảy ra gây bức xúc dư luận, ông Liên giải thích rằng, việc này nằm ngoài khả năng của UBND huyện, bởi địa giới hành chính giáp ranh, mặt khác lực lượng chức năng của huyện mỏng, thiếu phương tiện đường thủy nên khó xử lý vi phạm.
Nhiều ý kiến cho rằng việc UBND huyện Phúc Thọ tự xác định mốc giới mà không có sự phối hợp với sở, ngành liên quan và các cấp chính quyền của tỉnh Vĩnh Phúc và Hà Nội là chưa bảo đảm tính pháp lý theo quy định nên không hiệu quả. Đề nghị UBND thành phố chỉ đạo sở, ngành liên quan làm việc với tỉnh Vĩnh Phúc xác định rõ ranh giới, mốc giới giữa hai địa phương để có cơ sở kiểm tra xử lý. Các sở, ngành của thành phố cũng cần nhanh chóng vào cuộc, hỗ trợ lực lượng, phương tiện, phối hợp với huyện Phúc Thọ xử lý kiên quyết chủ tàu thuyền hoạt động khai thác cát lòng sông Hồng trái phép.
Theo Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội, tình trạng khai thác cát lòng sông Hồng khu vực giáp ranh giữa huyện Phúc Thọ (Hà Nội) và Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) là đặc biệt nguy hiểm, gây sụt, lún, mất an toàn cho công trình kè Linh Chiểu, tăng nguy cơ xảy ra sự cố mạch đùn, mạch sủi, đe dọa trực tiếp an toàn đê hữu Hồng, an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân trong khu vực. |