Cơ quan chủ quản và nhà xuất bản: Mối liên kết lỏng lẻo

Văn hóa - Ngày đăng : 06:33, 01/02/2015

(HNM) - Hiện có trên 50% nhà xuất bản (NXB) có vốn làm sách dưới 2 tỷ đồng (tức là chỉ đủ đầu tư từ 5 đến 10 đầu sách). Bên cạnh đó có 10 trên tổng số 63 NXB không được cơ quan chủ quản cấp vốn và hỗ trợ kinh phí, 13 NXB thiếu các chức danh cao nhất từ giám đốc đến tổng biên tập...



Đó là tình trạng cơ quan chủ quản chưa thực sự quan tâm đến NXB thuộc trách nhiệm của mình theo luật định. Câu chuyện này thực sự quan trọng khi nó liên quan trực tiếp đến việc xét, cấp đổi giấy phép cho các NXB vào năm 2015 theo các quy định mới.

Luật và thực tế

Lâu nay, các nhân tố liên quan đến hoạt động xuất bản thường được công chúng, truyền thông mổ xẻ nhiều, nhất là bản thân các NXB, các đối tác liên kết... Nhưng có một vị trí then chốt có tác động đặc biệt quan trọng tới sự vận hành của một NXB cũng như chất lượng xuất bản phẩm là cơ quan chủ quản thì thường rất ít được nhắc đến.

Bạn đọc luôn mong muốn hoạt động xuất bản được nâng cao chất lượng toàn diện. Ảnh: Bá Hoạt


Trong khi đó, Luật Xuất bản có hẳn điều 16 về "Nhiệm vụ quyền hạn của cơ quan chủ quản NXB". Nghị định 195/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều về thi hành Luật Xuất bản và Chỉ thị 42 CT/TƯ của Ban Bí thư từ 11 năm trước (năm 2004) về "Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản" cũng cụ thể hóa, nhấn mạnh trách nhiệm ấy. Tựu chung là cơ quan chủ quản phải bảo đảm ba yếu tố cho NXB, gồm: Tài chính, nhân lực và định hướng, giám sát hoạt động. Khỏi phải nói đến tầm quan trọng của 3 yếu tố này đối với sự sống còn, phát triển của hệ thống NXB.

Thế nhưng, thực tế thì sao? Cũng có một số cơ quan chủ quản được Ban Tuyên giáo TƯ ghi nhận về những nỗ lực trong việc thực hiện trách nhiệm của mình như Bộ GD-ĐT; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Tư pháp, UBND TP Hà Nội; Thành ủy TP Hồ Chí Minh, TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Nhưng bên cạnh đó, còn rất nhiều cơ quan chủ quản bỏ rơi đơn vị của mình, đặc biệt còn lúng túng trong việc chủ động điều chỉnh mô hình hoạt động phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị theo tinh thần Kết luận số 289-TB/TƯ của Ban Bí thư năm 2009. Có 10 NXB không được cơ quan chủ quản cấp vốn và hỗ trợ kinh phí; chỉ có 18 NXB bảo đảm điều kiện về vốn (trên 5 tỷ đồng) theo quy định của Luật Xuất bản; không ít NXB phải thuê trụ sở trong khi điều kiện hoạt động theo kiểu "chạy ăn từng bữa". Đặc biệt là tình trạng khủng hoảng nhân lực cấp lãnh đạo của NXB khi ngoài chuyện thiếu thì còn có khá nhiều tổng biên tập, giám đốc NXB không bảo đảm đúng yêu cầu của vị trí này.

Đứng trước thương trường trong điều kiện yếu và thiếu nhiều bề như vậy, nhiều NXB bị phụ thuộc vào đối tác liên kết là chuyện dễ hiểu. Một biên tập viên (BTV) trẻ ngạc nhiên khi biết cuốn sách mình từng dày công biên tập vừa được giải thưởng văn học trong nước. Cuốn này là do đối tác làm và NXB cũng như BTV chỉ được một phần phí ít ỏi. Mọi hoạt động phát hành, lợi nhuận đều thuộc về đơn vị liên kết. Chuyện này không mới, nhưng không khỏi băn khoăn khi nghe BTV bày tỏ: Suốt ngày cúi mặt vào bản thảo vì làm với đối tác liên kết cũng sợ. Uy tín, trách nhiệm nằm cả ở BTV và NXB. Lại cũng phải lu bù việc mưu sinh của cơ quan nên chả còn thời giờ ngó đến ấn phẩm, và dường như cũng chả còn điều kiện tìm kiếm, phát hành, chờ đợi phản hồi từ bản thảo, ấn phẩm hay...

Làm rõ vai trò cơ quan chủ quản

Tại hội nghị cơ quan chủ quản NXB vừa diễn ra ngày 29-1, Cục trưởng Cục Xuất bản - In và Phát hành Chu Văn Hòa cho rằng, nếu chỉ xử lý, lên án NXB khi đơn vị vi phạm thì chưa đủ. Phải làm rõ vai trò cơ quan chủ quản về lĩnh vực này.

Khi đặt vấn đề về việc ngoài ý thức trách nhiệm ra, cơ quan chủ quản còn lý do gì khiến mối quan hệ mật thiết đã được luật hóa này vẫn còn tình trạng thờ ơ, có ý kiến cho rằng: Việc thực hiện chủ trương của Đảng trong lĩnh vực xuất bản chưa thực sự đồng bộ. Bản thân cơ quan chủ quản khi xin kinh phí để cấp cho đơn vị xuất bản cũng vấp phải nhiều khó khăn từ quy định của các bộ, ngành khác... Từ đó dẫn tới việc cơ quan chủ quản cũng ít nhiều nản chí, dẫn đến buông lỏng.

Nói vậy, không có nghĩa là sẽ không làm gì và tiếp tục để tái diễn tình trạng sống dở chết dở của các NXB. Cục trưởng Chu Văn Hòa cho biết: Căn cứ theo quy định của Luật Xuất bản và Nghị định 195 thì việc xét cấp, đổi giấy phép cho NXB sẽ được xem là một trong những hoạt động trọng tâm trong năm 2015. Như vậy, có thể thấy rõ những NXB không đủ yêu cầu về vốn, nhân lực... và các điều kiện hoạt động khác sẽ đứng trước nguy cơ phải dừng hoạt động. Nghị định 195/2013/NĐ-CP đã quy định chi tiết về điều kiện hoạt động của NXB: "Trụ sở NXB có diện tích từ 200m2 sử dụng trở lên; có ít nhất 5 tỷ đồng để bảo đảm hoạt động xuất bản...". Chỉ nói riêng về trụ sở, hiện mới có 46/63 NXB cả nước được cơ quan chủ quản đầu tư trụ sở làm việc có diện tích từ 200m2 trở lên...

Như vậy, không chỉ là phương hướng nữa mà thực sự để bảo đảm cho các NXB tồn tại đúng luật và phát triển ổn định thì năm tới các cơ quan chủ quản phải đầu tư mạnh về nguồn lực tài chính, sắp xếp nhân sự lãnh đạo đủ tiêu chuẩn đồng thời tiến hành những hoạt động "tiếp sức" khác cho các NXB đang trong tình trạng khó khăn như: Hoàn thiện quy chế phối hợp, đặt hàng, rồi tạo điều kiện để các đơn vị thành viên thuộc cơ quan chủ quản "ủng hộ đội nhà" bằng cách xuất bản tại NXB trực thuộc...

Khó mà chịu gỡ và gỡ dần thì hẳn là diện mạo xuất bản sẽ có những bước chuyển thực sự!

Hà Dương