“Người chị em” của IS
Hồ sơ - Ngày đăng : 06:20, 01/02/2015
Những ngày gần đây, nữ khủng bố lại "xuất hiện" khi được nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đòi trả tự do để đổi lấy mạng sống của con tin người Nhật Kenji Goto và phi công người Jordan Muath al-Kasaesbeh.
Sajida al-Rishawi diễn lại việc đeo đai thuốc nổ để đánh bom tự sát một khách sạn ở Jordan. Ảnh: The Star |
Sajida al-Rishawi năm nay 40 tuổi, là người Iraq và sống tại Ramadi. Cách đây 10 năm, Sajida al-Rishawi đã sử dụng hộ chiếu giả để tới Jordan cùng chồng - Hussein Ali al-Shamari - người dạy bà ta cách sử dụng bom cảm tử; đồng thời lên kế hoạch vụ đánh bom khách sạn Radisson. Theo điều tra của cảnh sát Jordan lúc bấy giờ, vụ tấn công được chỉ đạo bởi chi nhánh al-Qaeda tại Iraq, do Abu Musab al-Zarqawi - công dân Jordan cầm đầu. Tên này đã bị quân đội Mỹ tiêu diệt trong một chiến dịch đột kích vào tháng 6-2006. Nhóm nghi phạm tham gia vụ đánh bom liều chết tại chuỗi khách sạn Grand Hyatt, Radisson SAS và Days Inn cùng thời điểm đó còn có Ali Hussein Ali al-Shamari và hai thanh niên khoảng 23 tuổi. Tất cả đều là người Iraq. Riêng bom của Al-Rishawi gặp "vấn đề" và không phát nổ.
Theo các hãng truyền thông quốc tế, sở dĩ al-Rishawi được IS chọn để trao đổi con tin vì ả là em gái của Abu Bakr al-Baghdadi - cánh tay phải đắc lực dưới trướng Abu Musab Al-Zarqawi, từng là người đứng đầu lực lượng Al-Qaeda tại Iraq. Tuy vậy, một số chuyên gia cho rằng IS đòi khoản tiền chuộc khổng lồ là để trả đũa Chính phủ Nhật Bản, sau khi Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố sẽ viện trợ khoảng 200 triệu USD cho các quốc gia liên minh chống IS. Mặt khác, việc IS đòi 200 triệu USD đổi lấy một phụ nữ khá vô danh được xem là một hành động phục vụ mục đích tuyên truyền, cố gắng tạo ấn tượng về một tổ chức chuyên bảo vệ phụ nữ Hồi giáo.
Hiện tại, Chính phủ Jordan đã đồng ý trả tự do cho "người chị em" của IS để cứu mạng sống của hai con tin. Theo nhiều nhà phân tích, nếu được thả, Al-Rishawi có thể sẽ chỉ đơn giản là sống nốt phần đời còn lại ở khu vực do IS kiểm soát. Vì vậy, việc đổi nữ khủng bố lấy viên phi công Jordan và con tin người Nhật Bản có vẻ là một cái giá khá "hời". Vì al-Rishawi đã 40 tuổi và được cho là không còn mấy mặn mà với chủ nghĩa khủng bố. Cuộc trao đổi hai lấy một đang được các bên dàn xếp dường như là sự lựa chọn tốt. Vì nhiều chuyên gia chống khủng bố cho rằng, tiền chuộc sẽ khiến bọn khủng bố mạnh hơn về tài chính và càng thúc đẩy bọn khủng bố "săn tiền" bằng con tin.
Tuy nhiên, cuộc hoán đổi tù nhân cũng làm dấy lên lo ngại về việc nhượng bộ chủ nghĩa cực đoan. Điều này sẽ khiến các nhóm khủng bố hành động tương tự để gây sức ép lên các chính phủ nhằm thực hiện yêu sách của chúng.