Hiệu quả hơn nếu tranh thủ được sự lãnh đạo của cấp ủy

Chính trị - Ngày đăng : 07:04, 31/01/2015

(HNM) -


Có "tranh thủ", có hiệu quả

Thực hiện Đề án 04 của Ban Thường vụ Thành ủy về nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp TP Hà Nội giai đoạn 2012-2016, HĐND các cấp đã tích cực tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về vị trí vai trò của HĐND trong hệ thống chính trị. Qua đó, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân về chức năng, vị trí, quyền hạn của HĐND được nâng lên; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đối với HĐND cùng cấp được tăng cường.

Một đoạn đường ở trung tâm huyện Đông Anh



Chủ tịch HĐND quận Hà Đông Nguyễn Văn Trường chia sẻ kinh nghiệm, muốn tranh thủ sự lãnh đạo của Đảng sát thực tiễn, hiệu quả, kịp thời, thì HĐND các cấp cần có định hướng hoạt động phù hợp với đặc thù của địa bàn, địa phương mình. Quận Hà Đông đang đô thị hóa nhanh, vì thế khi xây dựng chương trình giám sát, HĐND quận đã tập trung vào những vấn đề dân sinh xã hội, sau đó báo cáo Ban Thường vụ Quận ủy nhằm bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất của Quận ủy đối với công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, đoàn thể, chính quyền, tránh sự chồng chéo giữa các đơn vị được kiểm tra, giám sát. Trong các hoạt động tiếp xúc cử tri, hội nghị giao ban, tổ chức kỳ họp HĐND, Thường trực HĐND quận đều thống nhất với UBND, Ủy ban MTTQ quận và mời Thường trực Quận ủy cùng dự để chỉ đạo. Từ sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy Đảng cùng cấp, Thường trực HĐND quận, chủ tịch, phó chủ tịch HĐND phường thực hiện chức năng, chức trách được tốt hơn, mối quan hệ phối hợp công tác cũng hiệu quả hơn. Tương tự, ở quận Bắc Từ Liêm, Thường trực HĐND quận thường xuyên tranh thủ sự lãnh đạo của Quận ủy, nhất là trong định hướng những vấn đề quan trọng ở địa phương thuộc trách nhiệm, thẩm quyền quyết định của HĐND. Định kỳ, Ban Thường vụ và Thường trực Quận ủy nghe Thường trực HĐND quận báo cáo tình hình hoạt động, những nguyện vọng, kiến nghị của cử tri, để có ý kiến lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời.

Theo Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Lê Văn Hoạt, "tranh thủ sự lãnh đạo của Đảng" chính là tranh thủ khai thác sự lãnh đạo, nhất là trong tuyên truyền nâng cao nhận thức của cấp ủy, đảng viên; quy hoạch, giới thiệu bố trí cán bộ và phối hợp giữa các ban của Đảng với các ban HĐND trong giám sát, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân. Bởi vậy, việc bàn thảo tìm ra giải pháp, đề xuất cấp ủy tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng là yếu tố quan trọng để hoạt động HĐND ngày một hiệu quả.

Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Lê Văn Hoạt: Thường trực HĐND thành phố chọn vấn đề "Tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với hoạt động của HĐND các cấp" làm chủ đề trao đổi thời điểm đầu năm 2015. Việc này không chỉ tiếp tục nhằm thực hiện có hiệu quả Đề án 04/ĐA-TU của Ban Thường vụ Thành ủy mà còn kiến nghị, tham mưu với cấp ủy Đảng trong chỉ đạo hoạt động của HĐND cho phù hợp với thực tiễn ở từng địa phương, giúp cấp ủy chuẩn bị nhân sự cho đại hội Đảng và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ tới.

Tăng vai trò chủ động

Tại hội nghị chuyên đề "Tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với hoạt động của HĐND các cấp", bên cạnh việc ghi nhận kết quả công tác chỉ đạo của các cấp ủy đối với hoạt động của HĐND, các đại biểu cũng chỉ ra những hạn chế. Đó là ở một số địa phương, HĐND chưa chủ động tham mưu cho cấp ủy về công tác này, dẫn đến cấp ủy chưa quan tâm thật đầy đủ vai trò quan trọng của HĐND trong hệ thống chính trị. Việc bố trí lãnh đạo chuyên trách các ban HĐND cấp huyện, cấp xã còn khó khăn do cơ chế chính sách, định biên công chức.

Nhiều đại biểu cho rằng, HĐND các cấp cần tăng cường vai trò chủ động trong mọi tình huống, trong đó tập trung 4 nội dung: Chủ động tham mưu với cấp ủy đẩy mạnh tuyên truyền về vị trí, vai trò của HĐND trong hệ thống chính trị; chủ động thông tin, báo cáo tình hình với cấp ủy cùng cấp; đề xuất, tham mưu để thực hiện tốt chức trách, thẩm quyền và phối hợp với các cơ quan của Đảng. Về công tác tuyên truyền, HĐND các cấp cần chủ động nghiên cứu, tham mưu cho cấp ủy cùng cấp ban hành các nghị quyết, kế hoạch hoạt động; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của Nhà nước về HĐND nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, khắc phục tình trạng nhận thức chưa đầy đủ, chưa đúng về HĐND. Đây là vấn đề mấu chốt, thể hiện sự tôn trọng và phát huy đầy đủ vị trí, vai trò của HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

Theo Chủ tịch HĐND huyện Sóc Sơn Nguyễn Văn Nguyệt, ngoài tuyên truyền, các cấp ủy cũng cần quan tâm đến cơ sở vật chất, bố trí cán bộ đúng, đủ, chất lượng thì mới tăng hiệu quả, hiệu lực của HĐND. Yêu cầu nhiệm vụ đòi hỏi cần phải có trụ sở, bộ máy riêng, cán bộ chuyên trách thì chất lượng hoạt động mới hiệu quả. Vấn đề này, các cấp ủy cần quan tâm sâu sắc, tránh việc "cán bộ không thể bố trí vào chỗ nào thì sắp xếp vào cơ quan HĐND". Thêm nữa, cấp ủy nên bố trí chức danh Chủ tịch HĐND kiêm nhiệm, còn chức danh Phó Chủ tịch HĐND thì phải chuyên trách. Có như vậy, việc thực hiện chức năng giám sát mới khách quan, hiệu quả.

Vũ Thủy