Tổng thống Mỹ tới Saudi Arabia: Không chỉ vì dầu mỏ
Thế giới - Ngày đăng : 06:28, 30/01/2015
Tổng thống Mỹ B.Obama (trái) và Quốc vương Salman tại Riyadh. |
Cũng trong chuyến đi này, người đứng đầu nước Mỹ đang cố gắng xây dựng một sự khởi đầu tốt đẹp với tân Quốc vương Salman Bin Abdulaziz Al Saud của Saudi Arabia, quốc gia có cùng chung nhiều lợi ích với Mỹ trong khu vực. Sự kiện diễn ra trong bối cảnh Washington đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới về an ninh tại khu vực như cuộc chiến chống lại Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và chính phủ thân Mỹ tại Yemen sụp đổ. Mỹ đã buộc phải đóng cửa Đại sứ quán tại Yemen do những lo ngại về an ninh. Do vậy, Tổng thống B.Obama và Quốc vương Salman đã bàn thảo nhiều vấn đề liên quan đến chiến dịch chống IS, sự cần thiết của việc tiếp tục viện trợ cho phe đối lập tại Syria và thúc đẩy thống nhất Iraq. Đây là cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Saudi Arabia đầu tiên kể từ khi Quốc vương Salman nhận ngôi báu sau khi anh trai của ông - Quốc vương Abdullah băng hà ngày 23-1.
Quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia đã bắt đầu từ rất sớm vào năm 1940 dựa trên những lợi ích an ninh tại khu vực và vấn đề dầu mỏ. Tuy nhiên, nhiều sự kiện trong những năm gần đây đã khiến mối liên kết giữa hai quốc gia này trở nên mong manh. Các mỏ dầu lớn được phát hiện trong những năm 1930 của thế kỷ trước đã khiến Saudi Arabia trở thành đối tác chính của Mỹ, nước vốn rất cần nhiên liệu. Từ khi Saudi Arabia thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ, Riyadh thường xuyên phối hợp với Washington để bảo vệ lợi ích cường quốc này tại Trung Đông. Mối quan hệ khăng khít này bắt gặp bất đồng liên quan đến việc thành lập nhà nước Israel (đến nay Saudi Arabia không có quan hệ ngoại giao) và một lần nữa gặp thử thách sau các vụ khủng bố ngày 11-9-2001, vì 15 trong số 19 không tặc là công dân của quốc gia vùng Vịnh. Thêm nữa, ý định của Tổng thống B.Obama về việc ký kết một thỏa thuận hạt nhân với Iran - kẻ thù không đội trời chung với Saudi Arabia cũng như cam kết về một nước Mỹ trở nên độc lập trong vấn đề năng lượng đã làm phức tạp mối quan hệ giữa hai nước. Riyadh cũng không hài lòng về chính sách của Washington đối với các cuộc nổi dậy ở thế giới Arab, đặc biệt là ở Ai Cập, nơi Saudi Arabia chỉ trích Mỹ quay lưng với một "người bạn", đó là cựu Tổng thống Hosni Mubarak.
Chính quyền của Tổng thống B.Obama đã nỗ lực không ngừng để khôi phục mối quan hệ với Saudi Arabia. Bởi lẽ, là nước bảo vệ hai di tích linh thiêng nhất của người Hồi giáo và có một vị trí chiến lược quan trọng, Saudi Arabia nắm giữ chìa khóa cho việc thúc đẩy sự ổn định ở khu vực Trung Đông đầy rối ren. Liên minh giữa Mỹ với Saudi Arabia còn có ý nghĩa địa chính trị bởi đất nước dầu mỏ này là nhà sản xuất lớn nhất và quan trọng nhất trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), khối kiểm soát khoảng 40% sản lượng dầu mỏ thế giới. Mặc dù sự bùng nổ trong sản lượng dầu đá phiến đã khiến Mỹ có thể tự bảo đảm vấn đề năng lượng, nhưng việc Saudi Arabia sẵn sàng phối hợp với Mỹ giữ sản lượng cao mặc dù giá dầu thấp rõ ràng đã hỗ trợ nỗ lực phục hồi kinh tế trong nước của Tổng thống B.Obama. Quyết định này cũng giúp người đứng đầu Nhà Trắng thực hiện một chiến lược chính trị khác là tạo được áp lực đối với Nga và Iran, hai quốc gia sản xuất dầu đang hứng chịu lệnh trừng phạt của phương Tây.
Các nhà phân tích cho rằng, Washington và Riyadh sẽ cần phải làm nhiều hơn để khôi phục sự ổn định trong khu vực nhưng việc Tổng thống B.Obama thân chinh tới Saudi Arabia trong thời điểm này đã cho thấy sự quan trọng của quốc gia vùng Vịnh trong chính sách đối ngoại của cường quốc số 1 thế giới.