Xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo: Đã có phương án cho từng công trình
Xã hội - Ngày đăng : 06:43, 29/01/2015
Cần có những biện pháp mạnh xử lý các trường hợp xây dựng nhà siêu mỏng, siêu méo. Ảnh: Tuấn Lan |
Sở dĩ những công trình siêu mỏng, siêu méo tồn tại khó giải quyết vì phần lớn đã có từ nhiều năm trước, khi chưa có quy định cụ thể về thu hồi những thửa đất không đủ điều kiện xây dựng. Khi phát triển đô thị, thành phố tập trung thu hồi đất theo chỉ giới, chưa quan tâm nhiều đến những thửa đất còn lại sau thu hồi. Sau đó, từ những thửa đất kích thước nhỏ, hình dạng méo mó, xuất hiện những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo, gây mất mỹ quan đô thị. Tính đến năm 2012, trên địa bàn thành phố có khoảng 600 công trình dạng này, phần lớn nằm trên tuyến phố mới hình thành. Cái khó nữa là giá trị đất mặt phố rất cao nên việc thỏa thuận hợp thửa, hợp khối với công trình liền kề vô cùng khó khăn, phức tạp.
Theo Sở Xây dựng, trong số 192 công trình siêu mỏng, siêu méo còn tồn đọng, năm 2014, các quận, huyện đã giải quyết 18 trường hợp. Trong 174 trường hợp còn lại, nhiều nhất là quận Ba Đình 69 trường hợp, Đống Đa (27), Tây Hồ (23), Hai Bà Trưng (18)… Thanh tra Sở cùng các ngành, UBND quận, huyện còn tồn tại công trình đã thống nhất phương án xử lý theo từng nhóm, báo cáo thành phố cho phép thực hiện trong năm 2015. Cụ thể, có 36 trường hợp chỉnh trang hợp khối kiến trúc mặt đứng với công trình liền kề; 5 công trình cải tạo, hạ độ cao còn 1 tầng; 98 công trình chỉnh trang, giữ nguyên hiện trạng 1 tầng; 35 trường hợp phải thu hồi đầu tư công trình công cộng. Trước đó, thành phố đã chỉ đạo các quận, huyện phải lập kế hoạch tiến độ chi tiết cải tạo, chỉnh trang, thu hồi những trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo. Thành phố sẽ kiểm điểm trách nhiệm đơn vị, cá nhân được giao nhiệm vụ mà không hoàn thành.
Ngoài các công trình tồn tại, theo Sở Xây dựng, các địa phương cũng đã xử lý hàng trăm trường hợp mới phát sinh. Đơn cử trên tuyến Vành đai I đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã ban hành quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc tạm, từ đó UBND quận Đống Đa lên phương án xử lý 58 trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo. Hay như tại đường Vành đai 2, Thanh tra Sở Xây dựng và các địa phương thống kê 148 trường hợp, trong đó 53 trường hợp chưa giải phóng mặt bằng, đang tồn tại trên bản vẽ, 95 trường hợp đã giải phóng mặt bằng nhưng chưa phát sinh xây dựng. Tương tự là đường Vành đai I, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã ban hành hướng dẫn tạm quản lý quy hoạch, kiến trúc hai bên đường; đồng thời Thanh tra Xây dựng và chính quyền địa phương đã rà soát, vận động các hộ hợp thửa, hợp khối hoặc lên phương án thu hồi. Một số tuyến đường khác, thành phố đã thành lập các tổ công tác liên ngành kiểm tra việc quản lý đất đai, quy hoạch kiến trúc, cấp phép xây dựng, chỉnh trang đô thị hai bên tuyến mới mở để kịp thời có hướng xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo.
Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu: Trước hết khuyến khích chủ sử dụng hợp thửa hợp khối kiến trúc mặt đứng. Nếu quá thời hạn thông báo, chủ sử dụng không hợp thửa, hợp khối, quận thu hồi lập phương án xây dựng công trình công cộng. UBND quận đã chỉ đạo Thanh tra Xây dựng, chính quyền sở tại quản lý chặt chẽ, không để phát sinh xây dựng công trình mới. |