Thanh Thủy - Một nhà báo tài hoa

Đời sống - Ngày đăng : 06:37, 29/01/2015

(HNM) - Nguyên Phó Tổng biên tập Thanh Thủy là người thứ 29 của Báo Hànộimới đã từ giã cõi đời này ở tuổi 86. Là người sát cánh cùng ông mấy chục năm ròng ở Ban Kinh tế, đêm nay tôi viết những dòng này tưởng nhớ ông.


Ga Hàng Cỏ (Hà Nội), một chiều đông năm 1946, trong không khí cả nước “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, những đoàn quân Nam tiến rầm rộ vào Nam chiến đấu. Trong số vệ quốc quân trẻ măng ấy, có chàng trai Thanh Thủy năm đó mới 16 xuân xanh. Thanh Thủy, Văn Thao, Thanh Xuân, Lê Mai, Mai Hoa, Lê Hoàng… là những bút danh sau này còn tên cúng cơm của ông là Lê Trúc, người thành Nam.

Nhà báo Thanh Thủy.



Cha mẹ mất sớm, gia đình ly tán mỗi người một ngả, ông như cánh chim phiêu bạt. Thời thuộc Pháp, năm học lớp Nhất, ông phải lên tận Đông Khê, ở nhà một người bên họ ngoại, trở thành đứa ở không công để đổi lấy buổi cắp sách đến trường. Thầy giáo hiểu nỗi vất vả của ông qua các bài tập văn và thường đọc cho cả lớp nghe, rồi giúp đỡ sách vở, giấy bút, thậm chí vay tiền cho ông mua vé xe lên Cao Bằng thi tốt nghiệp bậc tiểu học, sau đó… thoát về xuôi.

Nếu các bài tập văn là bước chập chững đến với nghề cầm bút sau này thì khi về Hà Nội học ở bậc thành trung, ông đã tập viết truyện cổ tích cho thiếu nhi theo loại sách của NXB Cộng Lực ở phố Hàng Cót, ký tên Thanh Thủy - cái tên đẹp của một huyện thuộc tỉnh Phú Thọ mà ông từng ở.

Cuộc đời cứ trôi đi trong cảnh học trò nghèo vừa học, vừa kiếm sống. Cho tới cuối năm 1944, ông trúng tuyển vào Trường Canh nông trên Tuyên Quang. Tại đây, được giác ngộ cách mạng, ông làm liên lạc Việt Minh, được giao chuyển báo Cờ Giải phóng, tài liệu bí mật từ vùng căn cứ qua sông Lô, sang thị xã Tuyên Quang và ông đã có những bài thơ đầu tiên ký tên Sát Đát nhằm động viên phong trào thanh niên thị xã.

Cách mạng Tháng Tám thành công, ông xếp bút nghiên, hòa vào các phong trào yêu nước, tham gia đội Cứu đói, đưa người đi Cầu Lồ (Bắc Giang) về trại sản xuất Đồng Châu (Thái Bình). Và với nhiệt huyết của tuổi trẻ, ông lên đường tiếp lửa cho đồng bào Nam bộ chiến đấu.

Chuyến tàu hôm ấy vào tới Phú Yên thì phải dừng lại vì quân Pháp chặn đường ở Củng Sơn. Trong khi chờ mở đường, Thanh Thủy may mắn được nhận vào bộ phận điện đài thuộc Ủy ban Kháng chiến miền Nam để học kỹ thuật thông tin vô tuyến điện. Sau 3 tháng hành quân vượt Trường Sơn, tiểu đoàn Hùng Phước tới Nam bộ. Khi đơn vị có thêm Đài VTĐ nữa thì Thanh Thủy làm Trưởng đài và bước vào nghề báo. Với bộ máy MKII - loại khá mạnh hồi đó - đài liên lạc thường xuyên với các đài của TƯ, Nam bộ và nhận tin thời sự bằng “moóc” qua Đài VNA (Thông tấn xã Việt Nam) tổng hợp thành bản tin hằng ngày, cung cấp cho các cán bộ lãnh đạo và các đơn vị.

Máy bay của địch săn lùng, bắn phá ác liệt. Thanh Thủy cùng đồng đội nghĩ ra những cách đối phó để bảo đảm an toàn cho người và máy. Anh em dùng ghe, xuồng di chuyển trên các dòng sông, không đóng lâu ở một nơi nào. Ở Đồng Tháp Mười, máy đặt trong ghe nhỏ, núp dưới lùm cây. Cột ăng ten ngụy trang thành một cây khô. Khi có máy bay địch thì tháo dây ăng ten. Máy nổ xạc điện cho ắc quy đặt trong bưng cách đài khoảng 500 - 700m cho kín đáo. Nhiều lần máy bay địch ập tới, bắn phá, nhưng người và máy ẩn dưới mương đều không việc gì. Cho tới khi chuyển đến U Minh, anh em mới có thể đặt máy vô tuyến điện trong nhà dân, làm việc đàng hoàng hơn. Đây là căn cứ nổi tiếng thời chống Pháp, vùng đất “muỗi kêu như sáo thổi” mênh mang sông nước, có những con người chiến đấu kiên cường. Cũng chính nơi đây, Thanh Thủy 4 lần tưởng chết đến nơi mà không chết.

Rồi ông chuyển về Ban Tuyên huấn toàn Miên. Theo yêu cầu của cách mạng, ông phát huy năng lực làm báo I xa rắc của TƯ Campuchia bằng chữ Khơ me. Ông làm đủ việc: viết tin, bài, lên ma két, vẽ, khắc và in theo lối thủ công.

Đầu năm 1950, cuộc chiến đấu của nhân dân ba nước Đông Dương bước sang giai đoạn mới. Để đi sát chiến trường, Thanh Thủy gia nhập đại đội chủ lực 160 làm dân vận và văn nghệ. Ông vừa làm báo vừa viết văn gửi về Nam bộ. Sau những trận đánh, ông cho ra mắt những trang thơ, truyện ký do cán bộ, chiến sĩ viết, được trình bày, vẽ minh họa hẳn hoi. Để in kịp thời các báo này, Thanh Thủy được trang bị “một nhà in trong ba lô” gồm một cân bột, cái khay gỗ, một lọ mực đặc, một cái bút thường và mấy tập giấy học sinh.

Năm 1954, ông tập kết ra Bắc. Ban Chỉ huy tình nguyện quân cử ông đi học Trường Kinh tế - Tài chính TƯ khóa 1 (nay là Trường Đại học Kinh tế quốc dân). Năm 1958, biết ông đã làm báo ở chiến khu Nam bộ, có truyện ngắn đăng trên Báo Văn Nghệ và Báo Thủ đô số Xuân Mậu Thân, Ban Biên tập cử người tới trường xin ông về báo.

Từ phóng viên nông nghiệp, thương nghiệp, Thanh Thủy có bước tiến nhanh, trở thành Phó Trưởng ban, Trưởng ban, rồi Phó Tổng Biên tập nhưng vẫn phụ trách Ban Kinh tế.

Ông là một trong những cây bút chủ lực, viết được nhiều thể loại sắc sảo, trong đó có nhiều xã luận, chuyên luận về lĩnh vực kinh tế.

Thời gian phụ trách số Hànộimới Chủ nhật (sau phát triển thành Hànộimới Cuối tuần) ông đề ra chuyên mục “Gần… Xa” có tính chất ngôn luận, đóng khung ở trang nhất, cách viết linh hoạt, nhẹ nhàng, hợp với tờ báo phát hành vào ngày nghỉ của người Hà thành, rồi mục “Những khả năng kỳ lạ của con người” thêm một kênh thông tin hấp dẫn.

Khi Hà Nội chuyển sang kinh tế thị trường, nhiều cơ sở kinh tế còn ngỡ ngàng, nhiều quan điểm chưa rõ ràng, dễ sinh ra lệch lạc và tiêu cực, ông đã viết cả trăm bài ngôn luận về kinh tế thị trường và thời mở cửa. Ấy là: Về với đời thường (1989) Hãy cho tôi một điểm tựa (1989) Chúc các nhà tỷ phú (1990) Cạnh tranh, chấp nhận hay phản bác (1991) Khi sức lao động trở thành hàng hóa (1992) Xe thị trường chạy rốt đa (1993) Vừng ơi, mở cửa ra (1994) Chẳng lẽ kinh tế thị trường là phải thế (1995)… Loạt bài chuyên luận đó được Hội Nhà báo Hà Nội chọn là tác phẩm số 1 dự Giải báo chí quốc gia.

Được đồng nghiệp ủng hộ, động viên, ông lại có ý định “văn nghệ hóa” vấn đề kinh tế cho nhẹ nhàng, sinh động, thay cho việc bình luận khô khan, khó đọc. Không phải là xã luận, song cũng phải có lập luận chặt chẽ trên cơ sở tình hình thực tế, đối chiếu với chính sách của Đảng và Nhà nước. Và ông đã viết loạt chuyên luận đạt kết quả và coi đó là kinh nghiệm bản thân.

Nghỉ hưu từ năm 1992, sau 44 năm làm báo, Thanh Thủy vẫn “chưa chịu già”, vẫn viết khỏe. Ngoài hàng trăm truyện hài hước, châm biếm đăng trên các báo trong hơn chục năm liền, ông còn in được 7 tập sách: Cần kiệm liêm chính diễn ca (1950) Người cán bộ phun Tà Peng Thum (1955) Voi Drao (1958) Cười cái sự đời I (2000) Trận địa hoa đào (2001) Cười cái sự đời II (2002) Cười cái sự đời III (2006).

Có thể nói, ngoài các thể loại chính luận, tôi thấy Thanh Thủy còn có sở trường về tiểu phẩm, truyện ký, thơ trào phúng, chuyện châm biếm, hài hước, các tác phẩm của ông đi sâu vào những góc cạnh của đời sống xã hội với những màu sắc mới. Ngòi bút sinh động, dí dỏm không những tạo ra cho người đọc nụ cười hóm hỉnh, còn hàm chứa rất nhiều ý nghĩa phê phán và hơn hết là tinh thần xây dựng.

Ông Thanh Thủy ơi! Đêm về khuya, nhìn lại những tập sách ông tặng bên khói hương bay, tôi càng nhớ ông. Những tác phẩm báo chí và văn nghệ của Thanh Thủy sẽ ở lại mãi với bạn đọc. Chúng tôi đều thấy ở ông khí chất của một người khao khát khám phá và sáng tạo. Chính nghề báo đã giúp ông thâm nhập vào đời thường muôn mặt, phát hiện những nét đẹp và cả những mặt phản diện của con người. Và hơn hết, ông để lại trong chúng tôi ấn tượng đẹp về một nhà báo đích thực, một cây bút tài hoa, một cuộc sống thanh đạm.
Đêm 25-1-2015

Thọ Cao