Sớm luật hóa quyền và nghĩa vụ

Chính trị - Ngày đăng : 06:35, 29/01/2015

(HNM) - MTTQ TP Hà Nội là đơn vị đầu tiên trong cả nước ban hành quy chế phối hợp phản biện xã hội với Thường trực HĐND, UBND thành phố (năm 2010).

Góp phần hoàn thiện các quyết sách

Từ tháng 4-2010 đến tháng 6-2014, Ủy ban MTTQ TP Hà Nội đã tổ chức được 19 hội nghị tham gia góp ý kiến, kiến nghị vào dự thảo các chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch và 2 hội nghị góp ý vào các tờ trình của UBND thành phố để thực hiện Luật Thủ đô. Riêng năm 2014, MTTQ thành phố đã tổ chức được 2 hội nghị PBXH góp ý vào tờ trình dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố về "Quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực xây dựng - lĩnh vực văn hóa", dự thảo tờ trình Nghị quyết "Danh mục các dự án chuyển mục đích sử dụng đất từ đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang xây dựng các công trình, danh mục các công trình, dự án thu hồi đất trên địa bàn TP Hà Nội năm 2015". Các hội nghị đã thu hút nhiều nhà khoa học, chuyên gia, lãnh đạo qua các thời kỳ ở trung ương, Hà Nội cùng các tổ chức thành viên, Ban Thường trực MTTQ các cấp, tổ chức có liên quan đến dự và tham gia đóng góp ý kiến, kiến nghị đối với dự thảo quyết sách. Tại các hội nghị PBXH cũng luôn có sự tham dự và trao đổi của phòng, ban chuyên môn của UBND thành phố.

Mặt trận Tổ quốc thành phố đã thu được nhiều ý kiến phản biện liên quan đến dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất.


Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội Đào Văn Bình cho biết, sau hai năm thực hiện ở cấp thành phố để rút kinh nghiệm, đến nay 30/30 quận, huyện, thị xã, 72/584 xã, phường, thị trấn đã ký quy chế phối hợp giữa HĐND - UBND - MTTQ và các phòng, ban chức năng. Từ đó, công tác PBXH đã phát huy và khơi dậy ý thức trách nhiệm tham gia của các tầng lớp nhân dân, đóng góp ý kiến góp phần hoàn thiện các quyết sách của chính quyền các cấp, bảo đảm được sự đồng thuận và chấp hành nghiêm chỉnh của mọi công dân, tránh tình trạng quan liêu, chủ quan trong quá trình xây dựng các quyết sách của chính quyền…

Vẫn còn phản biện kiểu "lựa chiều"

Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Đào Văn Bình nhận định, tuy đã đạt được một số kết quả, nhưng việc xác định nội dung, hình thức PBXH ở nhiều địa phương còn lúng túng, chất lượng phản biện chưa đáp ứng yêu cầu và sự mong đợi của nhân dân. Ông Bình cũng chỉ ra nguyên nhân dẫn đến những hạn chế là do cơ chế giám sát PBXH còn thiếu. Một số sở, ngành, chính quyền địa phương chưa thực sự chú trọng, thời gian chuyển dự thảo gấp, không đủ để các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu và đi thực tế. Thậm chí có trường hợp, MTTQ gửi tổng hợp PBXH đến chính quyền, nhưng chính quyền không thông báo lại là đồng ý hay không đồng ý, tiếp thu hay không tiếp thu… cho dù điều này đã được quy định trong quy chế PBXH. Chưa kể, một số dự thảo quyết sách đã bổ sung, điều chỉnh theo nội dung các ý kiến, kiến nghị trong tổng hợp PBXH của MTTQ thành phố, nhưng tại kỳ họp không thông báo cho đại biểu HĐND, khiến cho hoạt động phản biện của MTTQ rơi vào hình thức...

Theo ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Chủ tịch HĐND huyện Thanh Trì, nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền và cơ quan các cấp về vai trò, tác dụng giám sát và PBXH của MTTQ chưa đầy đủ, đúng đắn. Không ít nơi, tổ chức và cá nhân chưa thực sự cầu thị, tin tưởng, tiếp thu ý kiến phản biện đúng, dũng cảm nhận thiếu sót và sửa chữa. Ông Hiếu đề nghị, để công tác PBXH đạt chất lượng, trước khi diễn ra kỳ họp HĐND ít nhất 25 ngày, Thường trực HĐND huyện gửi văn bản đến Thường trực Ủy ban MTTQ huyện để MTTQ nghiên cứu, tổ chức phản biện đối với những dự thảo, quyết sách thuộc thẩm quyền HĐND - UBND, đồng thời cung cấp cho Ủy ban MTTQ huyện các tài liệu liên quan đến nội dung cần phản biện.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, để giám sát và PBXH có chất lượng và hiệu quả, thì chủ thể giám sát và phản biện phải có trình độ chuyên môn, có năng lực nhìn nhận, phân tích, đánh giá vấn đề. Thực tế vẫn còn nhiều cán bộ trình độ chưa ngang tầm với nhiệm vụ, năng lực nhìn nhận, phân tích, đánh giá và kết luận vấn đề trong quá trình giám sát và PBXH còn thiếu, yếu. Không ít nơi, MTTQ chưa mạnh dạn giám sát và phản biện, thậm chí có biểu hiện giám sát, phản biện theo kiểu "lựa chiều", phản biện theo ý của người lãnh đạo, người có thẩm quyền...

Để nâng cao chất lượng công tác giám sát PBXH của MTTQ, ngoài việc khắc phục những hạn chế trên, hoạt động PBXH của MTTQ, các tổ chức xã hội cần sớm được luật hóa, quy định rõ quyền và nghĩa vụ của chủ thể phản biện cũng như quyền và nghĩa vụ của chủ thể nhận sự phản biện...

Linh Nhi